(GLO)- Thời gian gần đây, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) xuất hiện một chiêu lừa đảo mới, đối tượng mà kẻ xấu hướng tới chính là những sinh viên nhẹ dạ, cả tin, sẵn sàng cho mượn tài sản trị giá cả chục triệu đồng mà không hề hay biết mình đang bị lừa.
Những khu tập trung nhà trọ sinh viên là điểm kẻ xấu thường xuyên lui tới trộm cắp, lừa đảo. Ảnh: Ngô Khắc Lịch |
Những kẻ lừa đảo này luôn khoác cho mình một vẻ bề ngoài hào nhoáng, lịch sự, tìm đến những nhà trọ đông sinh viên thuê phòng, gặp ai cũng giới thiệu mình là “giảng viên thực tập”, nhưng thực chất đây chính là kẻ lừa đảo.
Tiếp xúc chúng tôi, Nguyễn Thị Cẩm Tú-lớp Sư phạm Tiểu học K36, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vẫn không ngờ gã “giảng viên thực tập” nọ lại là kẻ lừa đảo. Tú kể lại, cách đây vài tuần, một người đàn ông khoảng 30 tuổi, đậm người, đeo kính, đến thuê phòng trọ cùng dãy nhà nơi Tú ở trên đường Nguyễn Trãi, phường 9, TP. Đà Lạt. Người này giới thiệu tên là Phong, “giảng viên đang thực tập” tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Với vẻ bề ngoài hào nhoáng, gặp ai trong cùng nhà trọ cũng thân mật bắt chuyện, người đàn ông này nhanh chóng chiếm được thiện cảm của mọi người. Để tạo dựng niềm tin, đối tượng trên còn rủ một số bạn nữ cùng nhà trọ đi ăn sáng, uống cà phê. Một tuần sau khi chuyển đến ở cùng nhà trọ với Tú, gã đàn ông với vỏ bọc “giảng viên thực tập” đã lộ nguyên hình là kẻ gian xảo, thực hiện trót lọt vụ lừa đảo với 2 chiếc máy tính trị giá khoảng 25 triệu đồng. Nạn nhân ngoài Nguyễn Thị Cẩm Tú còn có Trần Mỹ Dung (lớp Sư phạm Vật lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt).
“Hôm đó, anh Phong qua phòng em hỏi mượn máy tính để xử lý ít công việc, vì chỗ quen biết lại cùng nhà trọ nên em cho mượn ngay. Đến tối vẫn không thấy anh ấy đem máy tính qua trả, cửa phòng vẫn khóa, gọi điện không liên lạc được nữa thì lúc này em mới biết mình bị lừa”-Tú cho biết. Khi được Tú thông báo hung tin thì Trần Mỹ Dung mới giật mình nhưng tất cả đã quá muộn. Kẻ gian xảo này đã cao chạy xa bay không để lại một dấu vết.
Chủ nhà trọ trên cho biết, sau khi sự việc xảy ra kiểm tra lại giấy tờ mới hay đây là giấy tờ giả, hoàn toàn không phải là người trước đó đã thuê phòng trọ. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho mọi người nâng cao cảnh giác đối với những kẻ có hành vi tương tự, tránh tình trạng trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.
Đại diện Công an TP. Đà Lạt cho biết, thời gian qua lực lượng chức năng đã bắt được một số đối tượng trộm cắp trong sinh viên. Bên cạnh những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp theo băng nhóm, có tổ chức, tiến hành bẻ khóa, trộm tài sản thì thủ phạm còn chính những bạn bè thân quen của nạn nhân. Công an TP Đà Lạt cảnh báo, trong thời điểm World Cup nên mọi người cần nâng cao cảnh giác hơn bao giờ hết. Riêng trong sinh viên, khi ra khỏi phòng không nên để lại những vật dụng có giá trị như laptop, tiền bạc… vì đã có không ít vụ kẻ xấu đã bẻ cả khóa chống trộm để trộm tài sản.
Ngô Khắc Lịch