Phóng sự - Ký sự

Nhiếp ảnh và du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngắm những bức ảnh làng nghề đẹp ngất ngây từ mọi miền đất nước, tôi lại mường tượng ra hình ảnh của nước mắm Nam Ô, của chiếu Cẩm Nê, của đá Non Nước… đầy rung động rải khắp các phương tiện truyền thông xã hội.

Nhưng niềm mơ ấy vẫn còn là một hành trang dài, khi mà việc phát triển du lịch làng nghề của thành phố vẫn còn nhiều đau đáu…

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu đã làm rất tốt việc phát triển làng nghề gắn với du lịch. Ảnh: L.G
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu đã làm rất tốt việc phát triển làng nghề gắn với du lịch. Ảnh: L.G

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Thích chụp ảnh và mê du lịch văn hóa nhưng phải đến năm rồi, tôi mới có cơ hội tham gia các photo tour (loại hình du lịch kết hợp 2 yếu tố: du lịch và chụp ảnh). Không nghỉ dưỡng, chúng tôi mải mê với lịch trình dày đặc và có phần khác biệt so với các tour du lịch thông thường, đôi khi xuất phát lúc 2 giờ sáng để kịp đến điểm chụp đợi bình minh, đôi lúc canh khuya vẫn còn lang thang đâu đó để “phơi sáng” (một kỹ thuật trong nhiếp ảnh)…

Không váy áo đẹp, chúng tôi chọn trang phục tiện dụng cho việc leo núi để ngắm cánh đồng lúa Tam Cốc (tỉnh Ninh Bình) vàng ươm như dải lụa từ trên cao, để lội bùn cùng đồng bào Mông canh tác trên các thửa ruộng bậc thang, để bám mình trên những chiếc xe máy cheo leo nơi La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái)… Và có nhiều ngày hơn thế - những ngày đi, hiểu và thương hơn văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc.

Bằng một cách nào đó, bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành “điểm du lịch” đầy chất thơ, từ khu chung cư cũ kỹ đến ruộng bắp xanh ngút ngàn, từ con hẻm nhỏ hun hút đến đống rơm mới giữa ruộng, từ những đặc sản nức tiếng đến các món ăn ngày thường… Sức lan tỏa của nhiếp ảnh vốn đã lớn, nay cộng hưởng với độ phủ của các trang mạng xã hội giúp các nơi chốn không còn “yên vị” mà bay xa muôn phương, thôi thúc mọi người “xách balo lên và đi”.

Sự đa dạng, độc đáo, riêng có của văn hóa mỗi vùng miền luôn là điều khiến tôi hạnh phúc sau mỗi chuyến đi. Hạnh phúc hơn nữa khi chứng kiến nhiều điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, nhất là các làng nghề. Điển hình phải kể đến làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Hà Nội).

Người dân nơi đây đã biết cách khai thác lợi thế của làng nghề để kiếm thêm thu nhập từ khách tham quan, chụp ảnh có thu phí bằng cách sắp đặt những bó tăm hương đủ sắc đỏ, xanh, vàng… thành những hình dáng đẹp mắt, từ dáng hình đất nước đến lá cờ Tổ quốc, cây thông Noel…

Và người tiên phong trong việc phát triển điểm du lịch gắn với làng nghề giúp Quảng Phú Cầu nức tiếng xa gần như bây giờ chính là chủ cơ sở sản xuất tăm hương Nguyễn Hữu Long. Ông chia sẻ, ban đầu, khi mở rộng sân xưởng để có không gian tạo hình nghệ thuật từ tăm nhang, ông không nghĩ hiệu ứng cao như vậy.

“Sự sáng tạo này may mắn kết hợp với sự bùng nổ của mạng xã hội khiến những bức ảnh chụp tại đây lan tỏa mạnh mẽ. Khi lượng khách du lịch đến mỗi lúc một đông, để đáp ứng nhu cầu của du khách, tôi tiếp tục đầu tư thêm các cầu thang để khách có những góc chụp đẹp từ trên cao…”, ông Long chia sẻ. Từ chỗ chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, đến nay nghề làm tăm hương đã trở thành nguồn thu nhập chính mang đến hiệu quả kinh tế cho khoảng 3.000 hộ dân. Nhiếp ảnh và du lịch đã góp phần gìn giữ, phát triển và quảng bá làng nghề truyền thống hơn 100 năm.

Cũng thu hút du khách ghé thăm nhờ cách bài trí sản phẩm như một tác phẩm nghệ thuật, làng Thủ Sỹ (tỉnh Hưng Yên) lại mang đến hình ảnh một làng quê đậm chất Bắc Bộ. Những đó, rọ được buộc thành chùm như những bông hoa bằng tre và treo nơi hiên nhà hòa cùng những mái ngói, những nếp nhà ba gian trong làn khói hong mờ ảo tạo nên một khung cảnh yên bình. Cũng những đó, rọ ấy lại trở thành đóa hoa khổng lồ trên những chiếc xe đạp giữa cánh đồng lúa xanh ngút ngàn. Và nhiều bức ảnh đã ra đời giữa những dung dị đời thường đẹp như tranh vẽ ấy, giúp làng Thủ Sỹ ngày càng được biết đến rộng rãi.

Nhiếp ảnh quảng bá du lịch

Việt Nam lạ và quen, tĩnh và động, độc đáo và sắc màu từng được nhiều nhiếp ảnh gia giới thiệu đến công chúng và bạn bè thế giới, có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như: Cao Kỳ Nhân, Khánh Phan, Quỷ Cốc Tử, Nguyễn Ngọc Thiện… Nhưng không riêng những người chụp ảnh chuyên nghiệp, giờ đây, bất cứ ai cũng đều có thể góp phần quảng bá cảnh sắc Việt Nam thông qua các bức ảnh.

Rõ ràng, thời gian gần đây, các fanpage có nội dung sáng tạo về nhiếp ảnh luôn nhận được sự yêu thích lớn từ cộng đồng mạng, đơn cử như: "Ở đâu cũng chụp", "Đi mô rứa"… Những bức ảnh của các trang này có điểm chung là “bình thường”, nghĩa là kể đôi câu chuyện cuộc sống rất đỗi đời thường bằng hình ảnh. Người ta thương Sài Gòn qua các lát cắt vừa tinh tế vừa ngọt ngào nơi "Ở đâu cũng chụp". Người ta thả hồn miên man trong những dịu vợi của miền Trung mà "Đi mô rứa mang lại".

Bằng một cách nào đó, bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành “điểm du lịch” đầy chất thơ, từ khu chung cư cũ kỹ đến ruộng bắp xanh ngút ngàn, từ con hẻm nhỏ hun hút đến đống rơm mới giữa ruộng, từ những đặc sản nức tiếng đến các món ăn ngày thường… Sức lan tỏa của nhiếp ảnh vốn đã lớn, nay cộng hưởng với độ phủ của các trang mạng xã hội giúp các nơi chốn không còn “yên vị” mà bay xa muôn phương, thôi thúc mọi người “xách balo lên và đi”.

Cũng bởi điều này, photo tour đang là xu hướng du lịch được nhiều công ty quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Gần 10 năm gắn bó với photo tour, anh Trần Quý Thịnh (Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh và Du lịch) cho biết, khi tổ chức các photo tour, anh thường quan tâm đến văn hóa bản sắc địa phương thông qua các làng nghề, các lễ hội truyền thống, ẩm thực đặc trưng của địa phương để mỗi thành viên tham gia chuyến đi có thêm thông tin, kiến thức về bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương... Qua đó, họ có thể chụp những bức ảnh đẹp nhờ cảm xúc chân thật.

Cần sự chung tay

Tham gia nhiều chuyến đi, dọc xuôi các làng nghề hai miền Bắc - Nam, tôi lại hào hứng chờ đợi dịp khám phá bản sắc văn hóa quê mình. Nhưng tiếc thay, danh sách điểm đến các tour mà tôi biết không có làng nghề nào của Đà Nẵng xuất hiện dẫu thành phố đâu thiếu làng nghề.

Nước mắm Nam Ô được “thay áo mới” từ nhãn hiệu, bao bì… đến đầu tư hình ảnh, video… Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nước mắm Nam Ô được “thay áo mới” từ nhãn hiệu, bao bì… đến đầu tư hình ảnh, video… Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Trần Quý Thịnh chia sẻ, khi xây dựng chương trình tour ở miền Trung, anh thường phải kết hợp Đà Nẵng với các địa phương lân cận vì thành phố chưa có nhiều điểm đến phát huy được thế mạnh vốn có. Đa số photographer trong và ngoài nước lựa chọn tour Đà Nẵng bởi yêu thích hình ảnh đặc biệt của voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà hay Động Huyền Không ở Ngũ Hành Sơn… Trong khi đó, điểm dừng chân ở Huế và Quảng Nam lại phong phú hơn, như: nghề làm lưới mười màu, rớ Cửa Đại, luộc và đãi hến… (Quảng Nam); phơi nan quạt, quăng chài/cất vó/thả đèn trên sông Như Ý, làng nghề hương trầm, làng hoa giấy Thanh Tiên, nghề bánh in, rừng Rú Chá… (Huế).

Nhưng cũng không thể trách các công ty du lịch, bởi họ buộc phải tính toán khả năng thu hút khách hàng để đủ điều kiện tổ chức tour. Trong khi đó, ngó đi, nhìn lại, làng nghề Đà Nẵng ở thời điểm hiện tại quả thật đang chưa để lại nhiều dấu ấn, có làng nghề chưa mặn mà việc quảng bá thương hiệu…

Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những trái tim nhiệt huyết đang không ngừng nỗ lực vực dậy làng nghề, điển hình là anh Bùi Thanh Phú (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương). Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, anh tìm đủ mọi cách để thương hiệu nước mắm Nam Ô có tuổi đời hơn 400 năm đến gần hơn với người dân, anh mạnh dạn đầu tư để làm đẹp cơ sở sản xuất, thực hiện các video giới thiệu về làng nghề và sản phẩm, liên kết với các công ty lữ hành để đưa du khách đến tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, tổ chức cuộc thi ảnh “Nét đẹp truyền thống làng Nam Ô”, sáng tạo món cà phê mắm… Nhờ đó du khách ghé đến làng để tham quan, trải nghiệm cũng ngày một nhiều, nhưng thẳng thắn nhìn nhận sự thay đổi của làng nghề vẫn chưa thật sự bứt phá.

Vẫn còn đó niềm nuối tiếc về chiếu Cẩm Nê từng hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn nay đang bên bờ vực “xóa sổ”, về bánh khô mè Cẩm Lệ trứ danh một thời nay chỉ còn lác đác vài cơ sở sản xuất… Bài toán bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống không phải là câu chuyện của một người, một hộ kinh doanh mà đòi hỏi hệ thống giải pháp đồng bộ cũng như sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của các cấp chính quyền. Mong rằng, trong tương lai gần, “bản đồ” của các tour du lịch sẽ dày điểm đến của Đà Nẵng nói chung và các làng nghề nói riêng.

Tham gia nhiều chuyến đi, dọc xuôi các làng nghề hai miền Bắc - Nam, tôi lại hào hứng chờ đợi dịp khám phá bản sắc văn hóa quê mình. Nhưng tiếc thay, danh sách điểm đến các tour mà tôi biết không có làng nghề nào của Đà Nẵng xuất hiện dẫu thành phố đâu thiếu làng nghề.

Có thể bạn quan tâm