Nhiều bất cập trong Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến quý II-2012, toàn tỉnh có 61.088 lao động trong diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Số lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp 10 tháng năm 2012 là 1.411 người, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2011, bình quân có 141 người/tháng được chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cao nhất ở mức 8,4 triệu đồng/tháng (hưởng 3 tháng) và 6,4 triệu đồng/tháng (hưởng 6 tháng) nhưng con số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại bình quân mức tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trên địa bàn tỉnh là 1,4 triệu đồng/tháng. Số lượng lao động bị thất nghiệp chuyển hưởng trợ cấp từ các địa phương khác về Gia Lai tăng nhanh, tính riêng trong 10 tháng năm 2012 có 291 người chuyển hưởng trợ cấp tăng 93 người so với cùng kỳ năm 2011.

 

Người lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn khó tiếp cận BHTN. Ảnh: Hà Tây
Người lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn khó tiếp cận BHTN. Ảnh: Hà Tây

Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách mới có tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội, nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị thất nghiệp. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện chính sách BHTN và 3 năm giải quyết, chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, thực tế bộc lộ nhiều vướng mắc.

Theo phản ánh của ông Lê Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh (nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp BHTN) thì đã phát sinh một số vấn đề chưa tạo điều kiện cho người lao động. Theo quy định, người sử dụng lao động nếu chỉ sử dụng dưới 10 lao động và có giao kết hợp đồng lao động dưới 12 tháng thì sẽ không được tham gia BHTN. Trong khi đây lại là những đối tượng có khả năng mất việc làm cao và loại hình doanh nghiệp này ở Gia Lai khá nhiều, nhất là ở các huyện, thị xã.  

Không những thế, việc quy định thời gian quá ngắn để đăng ký cũng gây khó khăn cho người lao động. Theo quy định, thời gian 7 ngày kể từ ngày người lao động mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc phải đến Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh đăng ký thất nghiệp; trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp phải nộp hồ sơ hưởng BHTN thì quá ngắn, nếu trong điều kiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội gốc gặp khó khăn, xác nhận của người lao động không kịp thời thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn nữa, BHTN cũng chưa có chế độ mai táng cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa có quy định về việc xử lý giải quyết trường hợp người lao động nhận kết quả trễ, không nhận kết quả.

Mặt khác, việc quy định một khoảng thời gian đóng BHTN dài cùng được hưởng một thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như nhau là chưa phù hợp. Ví dụ: Người lao động nghỉ việc phải đóng đủ 12 tháng BHTN mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng. Trong khi đó quy định thời gian đóng từ 12 tháng đến 36 tháng cũng vẫn chỉ được hưởng trợ cấp 3 tháng là chưa hợp lý, vì người thất nghiệp chỉ có thể đóng đủ 12 tháng là được hưởng trợ cấp 3 tháng, còn nếu đóng 36 tháng có thể hưởng đến 9 tháng trợ cấp.

Dù chính sách BHTN đã đi vào cuộc sống được gần 4 năm nhưng vẫn còn rất nhiều người lao động và người sử dụng lao động chưa nắm rõ về chính sách BHTN. Vì thế, 3 năm qua, có 304 lao động đến đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp trễ hạn so với thời gian quy định. Mới đây, 59 lao động ở Công ty 74 (Binh đoàn 15) đã kéo nhau đến Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh để đòi hỏi quyền lợi nhưng việc trễ hạn này là do quy trình làm việc của công ty. Hơn nữa, việc chốt sổ bảo hiểm xã hội gốc hiện nay được Bảo hiểm Xã hội tỉnh phân cấp cho huyện để đảm bảo thời gian trong việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, do làm ăn khó khăn một số doanh nghiệp chậm hoặc chây ỳ không đóng bảo hiểm xã hội nói chung và BHTN nói riêng nên không thể chốt sổ đúng thời gian quy định đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động khi bị thất nghiệp.

Hiện nay, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi hoàn thành thủ tục hồ sơ được chuyển về các xã, phường cùng hưởng chế độ hưu trí theo tháng. Vì thế, người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thường chậm hơn nhiều so với thời gian nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc làm này không đảm bảo kịp thời hỗ trợ cho người lao động để ổn định cuộc sống trong thời gian tìm kiếm việc làm mới và cũng gây khó khăn trong việc theo dõi tình trạng thông báo việc làm của người lao động bị thất nghiệp theo quy định.

Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên, từ ngày 2 đến 14-11, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh cùng Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban các khu vực Nam và Đông Nam tỉnh, huyện Chư Sê và TP. Pleiku. Hội nghị là dịp để doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, ban ngành liên quan nhận thức rõ hơn về chính sách BHTN và có những giải pháp, kiến nghị nhằm đưa chính sách BHTN đi vào cuộc sống.

Tại đây, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh và Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ giải đáp một số vấn đề liên quan đến chính sách trong khả năng cho phép, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với các tỉnh khác để đề xuất kiến nghị với Trung ương nhằm điều chỉnh quy trình giải quyết chế độ trợ cấp BHTN cho người lao động, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHTN để doanh nghiệp và người lao động cùng thực hiện tốt chính sách BHTN theo quy định.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm