Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhiều địa phương ở Gia Lai thiệt hại do bão số 12

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ảnh hưởng của bão số 12, một số địa phương tại Gia Lai cũng đang phải gánh chịu thiệt hại do thiên tai. Hiện các cơ quan chức năng đã tích cực cùng với người dân sẵn sàng ứng phó với những diễn biến mới của cơn bão.

Mực nước hồ Kanak tại Kbang vẫn đang ở mức thấp với 505m. Ảnh: Văn Ngọc

Theo ghi nhận của P.V, từ đêm 3-11, trên địa bàn huyện Kbang đã xuất hiện mưa và gió lớn. Tuy vậy, nhờ điều tiết xả nước trước khi mưa đến nên mực nước ở hồ chứa Kanak thuộc Công ty Thủy điện An Khê-Kanak vẫn ở mức thấp và không phải tiến hành xả lũ xuống hạ du sông Ba. Đến chiều 4-11, mực nước hồ Kanak tại Kbang là 505m. Mực nước ở các con suối cũng tăng nhanh nhưng nhờ công tác phòng chống, cảnh báo kịp thời nên không gây thiệt hại lớn. Gió lớn xuất hiện vào ban đêm khiến nhiều diện tích mía bị ngã rạp, các diện tích rừng trồng chủ yếu là rừng keo, bạch đàn tại khu vực các xã Đak Smar, Sơ Pai… bị gãy đổ. Đặc biệt, dọc tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn từ thị trấn Kbang đi xã Sơn Lang bị chia cắt nhiều đoạn bởi cây lớn ở ven đường bật gốc ngả rạp ra chắn ngang đường. Đa phần các cây ngã đổ vào ban đêm, thời điểm vắng người qua lại nên rất may đã không gây thiệt hại về người. Ngay trong sáng 4-11, các lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để cưa dọn, tạo làn đường thông thoáng đảm bảo cho các phương tiện lưu thông.

Trong khi đó theo ghi nhận tại huyện Krông Pa, lũ trên sông Ba lên nhanh. Hiện nay lượng nước qua tràn tại công trình thủy điện Đak Srông 3A&3B lúc 15 giờ ngày 4-11 là 2.125 m3/s. Mực nước sông Ba cùng ngày đo tại khu vực Trạm bơm điện xã Ia Rmok là ở cao trình 107m. Hồ thủy điện Krông H’Năng của Phú Yên xả lũ tại thời điểm chiều ngày 4-11 với lưu lượng 1.453 m3/s. Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn tiếp tuc có mưa và gí cấp 3-4 và nước sông Ba vẫn ở mức cao tuy vậy các công trình vẫn đang vận hành an toàn. Tại, các hồ đập thủy lợi, hồ Ia Mlah nước vượt cao trình từ chiều ngày 3-11 và hiện đang xả lũ ở mức độ 526 m3/s còn hồ Ia Dreh và hồ Phú Cần nước đã qua tràn 0,5 m.


 

Diện tích lớn cây mía của người dân bị ngã rạp do gió lớn. Ảnh: Văn Ngọc

Trước tình hình đó, UBND huyện đã tổ chức di dời 20 hộ thuộc buôn Chính Đơn II xã Ia Mlah ra khỏi vùng nguy hiểm lên trú tạm tại khu vực trường học và hỗ trợ nhân dân di dời tài sản (gồm 48 con bò và dê) lên khu vực cao để tránh lũ do nước xả của Hồ Ia Mlah không rút kịp. Gió lớn trên địa bàn huyện cũng đã khiến 5 nhà dân sập và tốc mái hoàn toàn  trong đó xã Đất Bằng 3 nhà; thị trấn Phú Túc 1 nhà; xã IaMlah 1 nhà. Có 33 nhà dân bị tốc mái 1 phần trong đó xã Đất Bằng 21 nhà, thị trấn Phú Túc 8 nhà, xã Chư Gu 2 nhà và xã Ia Mlah 2 nhà. Được biết, hiện trên địa bàn huyện Krông Pa 523 ha mía bị ngã đổ, 25 ha lúa, 17 ha mì, 9 ha bắp bị ngập úng do nước lũ. Ngoài ra còn nhiều cây lâm nghiệp, cây bóng mát bên đường giao thông và cây điều trên địa bàn bị ngã đổ chưa thống kê đầy đủ. Mưa lũ cũng làm mực nước tại các con suối dâng cao khiến 4 buôn tại xã Ia Rsai và 3 buôn tại xã Đất Bằng bị cô lập không thể lưu thông.

 

Một số cây ven quốc lộ 19 gãy đổ gây nguy hiểm cho các phương tiện. Ảnh: Văn Ngọc

Được biết, UBND các huyện cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo BCH PCTT&TKCN huyện, UBND các xã thị trấn tổ chức trực ban 24/24, triển khai các kế hoạch phòng-chống bão, mưa lũ, kiểm tra tình hình và thường xuyên báo cáo để có các biện pháp ứng phó với các tác động của thiên tai. Phân công các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng-chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn huyện trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các xã kiểm tra, rà soát phương án phòng chống lụt, bão, nhất là phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường cảnh báo, thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để nhân dân biết và chủ động phòng tránh mưa lũ, ngập lụt; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh: Chủ động sơ tán, di dời dân ở các khu vực nguy hiểm; đảm bảo an toàn các công trình, các hồ chứa; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm, nguy cơ sạt lở, các bến đò...; kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố trong mưa lũ.

Đặc biệt, UBND các huyện vẫn thường xuyên cập nhật các thông tin xả lũ của các công trình thủy điện để thông báo cho các xã dọc sông Ba thông tin tuyên truyền đến toàn thể nhân dân biết để triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời với tình huống mưa lũ xảy ra.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm