(GLO)- Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, mưa lớn từ đêm 16 đến sáng 17-10 đã làm ngập úng một số nhà dân tại TP. Pleiku và ngã đổ hàng trăm héc ta lúa, hoa màu của người dân, nhiều ngầm tràn bị nước lớn tràn qua khiến một số thôn, làng bị cô lập. Trước tình hình trên, ngày 17-10, UBND tỉnh đã có Công văn số 1569/UBND-NL về việc tập trung công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Về tình hình thiệt hại do mưa lũ, tại TP. Pleiku, 10 nhà dân tại phường Hội Thương và một số hộ dọc quốc lộ 19 (thôn 3 xã An Phú) bị ngập nước khoảng 1 m. Hiện tại nước đã rút và các xã, phường đã cử lực lương xung kích hỗ trợ hộ dân di chuyển đồ đạc trong nhà ổn định cuộc sống.
Nhà ở của người dân ở tổ 1 (phường Hội Phú, TP. Pleiku) bị ngập nước do mưa lớn. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài ra, mưa lớn làm có một số ngầm tràn đường giao thông trên địa bàn huyện Kông Chro, Đức Cơ, Mang Yang, Ia Pa, Chư Prông, Kbang, Chư Sê bị nước tràn qua ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Đến 17 giờ ngày 17-10, nước đã rút dần. Mưa lũ gây sạt lở một số vị trí trên các tuyến đường giao thông tại các huyện Đức Cơ, Đak Đoa, Kông Chro. Cụ thể: tại huyện Kông Chro (xã Yang Trung sạt lở đường nội đồng hơn 30 m, sạt lở đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang, sạt lở đường liên huyện đi xã Đak Tơ Pang khoảng 20 m3; sạt lở mái hạ lưu đập tràn làng Vẽh, xã Chư Krêy khoảng 20 m2); Đak Đoa (sạt lở đất taluy dương khoảng 5 m tại đường xã Hà Đông đi xã Đak Sơ Mei). Mưa lớn cũng làm 117,7 ha cây trồng các loại bị ngã đổ, ngập úng (52,8 ha lúa và 5,4 ha hoa màu tại huyện Phú Thiện; 39,9 ha lúa và hoa màu tại huyện Kông Chro; 25 ha lúa tại huyện Mang Yang); chết 600 con chim cút, 150 con gà con, 1 con trâu tại xã Tân An, huyện Đak Pơ. Hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê cụ thể và đánh giá thiệt hại để đề xuất UBND hỗ trợ.
Diện tích lúa tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) bị ngã đổ, ngập úng do mưa lũ. Ảnh: Vũ Chi |
Để ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 17-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên; Công văn số 1537/UBND-NL ngày 13-10-2021 của UBND tỉnh về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ; đồng thời tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Mưa lớn kéo dài cùng với việc xả lũ từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, mực nước sông Ba hiện vẫn đang dâng cao tại khu vực cầu Quý Đức (khu vực giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa). Ảnh: Vũ Chi |
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực từng xảy sạt lở đất, ngập lụt năm 2020; đồng thời bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét.
Mưa lớn khiến nước lớn chảy tràn qua ngầm tràn thôn Mơ Năng 2 (xã Kim Tân, huyện Ia Pa). Ảnh: Lê Nam |
Tổ chức thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hồ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn tỉnh. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ. Đối với các địa phương có các vị trí ngầm tràn bị ngập lụt bố trí lực lượng túc trực để cảnh báo giao thông, không cho phép lưu thông qua lại khi nước chưa rút hẳn để tránh thiệt hại về người.
Mưa lớn gây ngập sâu tại xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ). Ảnh: Lê Văn Châu |
Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, Đài Truyền thanh và Truyền hình các huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật về diễn biến mưa, lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
Các thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo địa bàn được phân công tại Công văn số 1688/BCH-PCTT ngày 31-7-2019 của Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
KIỀU PHAN-LÊ NAM