Nhiều doanh nghiệp còn lơ là thực hiện bảo hộ lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) đã được các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh coi trọng, trở thành một trong những nội dung không thể thiếu trong kế hoạch sản xuất hàng năm. Trong Tuần lễ Quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ (tháng 3), nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng loạt các phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Tuần lễ Quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ”, “Xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên”, “Hội thi an toàn vệ sinh viên”…
 

 Ngành vật liệu xây dựng luôn có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Ảnh: Đinh Yến
Ngành vật liệu xây dựng luôn có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Ảnh: Đinh Yến

Những hoạt động này đã góp phần cải thiện tốt hơn điều kiện lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng chục ngàn lao động. Theo thống kê, năm 2013, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người sử dụng lao động và người lao động, kết quả có hơn 19.700 lượt người lao động và 940 lượt người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách an toàn lao động được tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động. Công tác khám và theo dõi sức khỏe cho người lao động cũng được các  doanh nghiệp quan tâm, có hơn 26.000 người lao động được khám và theo dõi về sức khỏe, không có trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.
 

Bên cạnh một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác BHLĐ thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng chạy theo lợi nhuận mà không triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác BHLĐ hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan thanh-kiểm tra. Theo đó, công tác huấn luyện về BHLĐ, an toàn vệ sinh lao động chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, trong khi các doanh nghiệp mới phát triển nhanh, lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp ngày càng nhiều, trong đó lao động thời vụ chiếm phần lớn. Chính vì thế, tình hình tai nạn lao động ngày càng gia tăng; số vụ và số người chết do tai nạn lao động tăng theo hàng năm. Nếu năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn lao động, làm chết 5 người và bị thương 13 người, thì năm 2013, đã để xảy ra 20 vụ tai nạn lao động làm chết 8 người và bị thương nặng 9 người.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động phần lớn do các doanh nghiệp không thành lập hội đồng BHLĐ và không phân định trách nhiệm về BHLĐ; không phân công người phụ trách công tác BHLĐ; không xây dựng kế hoạch về an toàn vệ sinh lao động (hoặc có xây dựng nhưng thiếu nhiều nội dung); chưa xây dựng đầy đủ nội quy an toàn vệ sinh lao động, quy trình làm việc an toàn, vệ sinh cho từng nghề, công việc, quy trình vận hành an toàn các máy, thiết bị trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp ngoài quốc doanh hàng năm tuyển dụng lao động mới thường không tổ chức huấn luyện về an toàn-vệ sinh lao động hoặc chỉ huấn luyện cho số ít người lao động trong doanh nghiệp, dẫn đến người lao động không nắm được quy trình làm việc dẫn đến tai nạn lao động. Việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động chưa đầy đủ. Một số nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động còn thiếu nội dung về BHLĐ hoặc đề cập đến BHLĐ còn chung chung. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn vi phạm các quy định trong việc tổ chức khám sức khỏe, quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động và trang bị phương tiện sơ-cấp cứu ban đầu. Đồng thời, việc xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.
 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động, năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 128/2.910 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 4,4% trên tổng số doanh nghiệp của tỉnh) báo cáo về công tác an toàn lao động và BHLĐ.

Để khắc phục thực trạng trên, từ ngày 16 đến 23-3-2014, cùng với cả nước, tỉnh ta chọn TP. Pleiku để tổ chức phát động điểm toàn tỉnh về Tuần lễ Quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 16-2014, với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Với sự quan tâm của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, hy vọng năm 2014 tình hình tai nạn lao động sẽ giảm, ý thức chấp hành BHLĐ của doanh nghiệp và người lao động được nâng lên.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm