Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhiễu loạn thị trường tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thị trường mỹ thuật trong nước vừa mới được gầy dựng đã bị vấn nạn tranh nhái, tranh giả làm cho nhiễu loạn. Nhiều người trong giới bày tỏ sự e ngại cho tranh Việt, khi thị trường vừa hình thành một lớp nhà sưu tập trẻ yêu mỹ thuật, nhưng tranh nhái, tranh giả vẫn công khai, thách thức dư luận.

 

 Các tác phẩm tranh treo tường khổ lớn trang trí tại một khách sạn ở Sa Pa, chép tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng
Các tác phẩm tranh treo tường khổ lớn trang trí tại một khách sạn ở Sa Pa, chép tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng


Làm giả tràn lan

Đầu tháng 5-2019, trong khi mang tranh lên thị trấn huyện Sa Pa (Lào Cai) triển lãm, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã bất ngờ phát hiện ra hàng chục bức tranh của anh bị làm nhái công khai, vẽ thành tranh tường trang trí tại một khách sạn 5 sao. Lâu nay, Hà Hùng Dũng theo đuổi niềm đam mê khai thác hình ảnh, vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Bắc. Cũng vì tình yêu này mà tình cờ anh phát hiện ra hàng chục bức tranh sơn dầu và màu nước của anh đã bị làm nhái bởi một đơn vị tranh tường tại Hà Nội có tên Tranh tường Trần Tuân. Đáng nói hơn, trên trang Facebook của đơn vị có tên Tranh tường Trần Tuân cũng công khai quảng bá các sản phẩm tranh tường, tranh chép từ các tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng kèm theo số điện thoại để khách hàng liên hệ.

Họa sĩ Hà Hùng Dũng rất bức xúc và cho biết sẽ làm đến cùng để bảo vệ các tác phẩm của mình. Theo anh việc nhận thức, tôn trọng và sử dụng bản quyền tác phẩm không chỉ phải được phổ cập trong các họa sĩ, những người yêu mỹ thuật, mà ngay cả đối với các khách sạn, nhà hàng; những đơn vị sử dụng các “tác phẩm nhái” kia cũng cần phải nắm rõ.

“Tôi sẽ làm đến cùng sự việc vi phạm bản quyền lần này. Vì sao khách sạn lớn mà không hề có ý thức khi sử dụng hình ảnh trang trí trong khách sạn? Tôi muốn việc đạo bản quyền tranh của tôi phải được xử lý tận gốc, không chỉ đối với đơn vị chép tranh này, mà còn là động thái cho những người chép tranh khác thức tỉnh, không nên xâm phạm bản quyền trắng trợn như thế, chỉ để thu lợi cho mình”, họa sĩ Hà Hùng Dũng nói. Anh sẵn lòng hợp tác với các họa sĩ là nạn nhân của những vụ việc tương tự, cùng với luật sư đấu tranh bảo vệ bản quyền các tác phẩm hội họa.

Họa sĩ Phạm An Hải cũng than trời khi tranh của ông vẽ xong, vừa đưa lên Facebook để chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp thì chỉ mấy ngày sau đã có tranh nhái, bị sao chép đến 70% - 80% bố cục bức tranh. “Họ ký tên và còn ghi thời gian sáng tác trước đó những 5-7 năm, rồi rao bán công khai”, họa sĩ Phạm An Hải bức xúc.

Cũng là một trong những nạn nhân của nạn tranh nhái, họa sĩ Lâm Thanh kể, năm 2018, anh khoe trên Facebook vài tác phẩm sẽ tham gia triển lãm nhóm Sóng Hồng Art tại Hà Nội, trong đó có bức lụa Cô Xuân, 41cm x 61cm anh vừa sáng tác. Một vài nhà sưu tập hỏi xin giá bức tranh, anh trả lời sẽ bán với giá 2.500 USD. Khi Lâm Thanh mang tranh từ TPHCM ra Hà Nội để triển lãm thì tá hỏa khi một người bạn báo tin có một bức giống y hệt như Cô Xuân đã được bán trước đó mấy ngày, với giá… 14.000 USD và người mua là một nghệ sĩ khá nổi tiếng. Anh cười buồn, tội nghiệp cho nhà sưu tập nọ vừa mua phải tranh giả mà còn phải trả giá cao?!

Danh sách nạn nhân của tranh nhái, tranh chép hầu như vẫn chưa dừng lại, có thể kể đến các họa sĩ Thành Chương, Đặng Tiến, Đào Hải Phong, Bùi Tiến Tuấn, Lim Khim Katy…

Khó phân biệt

Không chỉ công khai xâm phạm bản quyền, vấn nạn tranh nhái, tranh giả còn gây nhiễu loạn thị trường, làm mất niềm tin của nhà sưu tập trong nước và quốc tế đối với tranh Việt Nam. Tranh của danh họa Bùi Xuân Phái từng bị nghi ngờ là giả trong một cuộc đấu giá từ thiện tại TPHCM năm 2016. Cũng năm 2016 tại TPHCM, họa sĩ Nguyễn Thành Chương phát hiện bức Trừu tượng của ông bị sao chép và được ký dưới tên tuổi của họa sĩ Tạ Tỵ - khiến dư luận dậy sóng. Một sự thật đáng xấu hổ rằng, thị trường mỹ thuật Việt Nam tuy ngày càng khẳng định vị thế trên thế giới với những tác phẩm đạt mốc triệu đô, lại bị xâm hại nghiêm trọng bởi “bệnh dịch” tranh giả. Vấn nạn này từng được những tờ báo lớn của thế giới như New York Times đưa tin. Và liên tục gần đây, theo họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai cố họa sĩ), có đến hàng chục tác phẩm Bùi Xuân Phái dính nghi án tranh giả trên nhiều cuộc đấu giá công khai tại các nhà đấu giá nghệ thuật trong nước. Một số tranh ký tên danh họa Lưu Công Nhân xuất hiện trên sàn đấu giá, cũng bị giới chuyên môn cho là giả mạo.

Năm 2018, bức chân dung lụa bé gái có giá 3.000 USD tại Nhà đấu giá Chọn đã bị họa sĩ Nguyễn Văn Đông tố là chép lại từ tác phẩm của anh và giả mạo chữ ký cố họa sĩ tranh lụa nổi tiếng Vũ Giáng Hương. Tại sàn đấu của một nhà đấu giá có tiếng tại Hồng Công, một tác phẩm được cho là của các tên tuổi lớn như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lê Văn Đệ cũng từng dính nghi án tranh giả, khiến dư luận bàn tán suốt một thời gian dài. Những vụ lùm xùm liên quan đến tranh nhái, tranh chép, tranh giả thời nào cũng có và cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc này đã khiến giới họa sĩ Việt tỏ ra bức xúc, cay đắng khi vấn nạn đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có lối ra, chưa có hướng giải quyết căn cơ.

Điều khó khăn nhất với thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay chính là người ta không thể phân biệt thật - giả. Mỗi khi có tố giác về nạn chép tranh, nhái tranh, tranh giả đều là do họa sĩ hoặc người thân của họa sĩ tự lên tiếng, chủ yếu thông qua mạng xã hội như Facebook. Các cơ quan quản lý, ngành chức năng, các chuyên gia thẩm định, nhà phê bình nghệ thuật, ai sẽ bảo vệ cho các nghệ sĩ và những đứa con trí tuệ của họ trong cuộc chiến này? Có lẽ sẽ còn khá lâu mới tìm được câu trả lời thỏa đáng!

MINH AN (sggp)

Có thể bạn quan tâm