Nhìn từ Pleiku: "Ai không học là lùi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, khi cả nước đang sôi nổi diễn ra các hoạt động của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, tôi bỗng nhớ đến những điều đã đọc trong cuốn sách “Khuyến học” nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi-người được coi là “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại. Ngay trong phần mở đầu cuốn sách, Fukuzawa Yukichi đã khẳng định: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”. Rồi ông mở rộng thêm: “…con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ”.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có lẽ không phải đến khi Fukuzawa Yukichi viết ra cuốn “Khuyến học” loài người mới coi trọng giá trị của học vấn trong cuộc sống. Bằng chứng là từ xa xưa, ở nhiều quốc gia, dân tộc (nếu không muốn nói là tất cả), người trí thức luôn rất được xã hội tôn trọng. Ở Việt Nam thời phong kiến, trong “tứ dân” (4 tầng lớp dân, gồm: sĩ-nông-công-thương) thì trí thức (sĩ) được xếp ở vị trí đầu tiên. Bởi đề cao giá trị học vấn như vậy nên dễ hiểu tại sao người Việt lại rất chịu khó học tập và dần hình thành, hun đúc nên truyền thống hiếu học qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Dù vậy nhưng trong thực tế, từ xưa đến nay, một số người Việt vẫn quan niệm việc học tập chỉ là nhiệm vụ trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và học là để đi thi. Ở thời phong kiến, người ta thi để làm quan; bây giờ thi để có bằng cấp. Quan niệm như vậy nên với một số người, khi có đủ bằng cấp hay đã có một vị trí công việc ổn định, họ mặc nhiên coi rằng “học như thế là đủ”, không cần tiếp tục nữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cho rằng: “Sự học là vô cùng”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” và “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời (…). Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Còn nhà bác học nổi tiếng người Đức Albert Einstein cách đây mấy chục năm từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”. Ngay cả tỷ phú người Mỹ Bill Gates, người vẫn hay được nhiều người dẫn ra làm bằng chứng cho việc “không học vẫn có thể thành công”, cũng đúc kết: “Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời”.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bác học Albert Einstein hay tỷ phú Bill Gates-những người được coi là thiên tài của nhân loại-khẳng định hẳn đủ để những ai quan niệm “học như thế là đủ” phải nhìn lại bản thân mình. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, khi tri thức nhân loại đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, những kiến thức đã học trong một giai đoạn nhất định, dành cho những đối tượng nhất định sẽ khó giúp mỗi chúng ta, không chỉ riêng tầng lớp trí thức, theo kịp xu thế phát triển. Bởi vậy, nếu không tự học, học liên tục, bất cứ ai cũng có nguy cơ tụt hậu, không chỉ không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của bản thân mà còn trở thành gánh nặng cho tập thể và xã hội.

Chính bởi điều này, năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam… đã phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” với thông điệp “Học tập suốt đời-Chìa khóa của mọi thành công”. Từ đó đến nay, cứ vào đầu tháng 10 hàng năm, trên cả nước lại đồng loạt diễn ra các hoạt động sôi nổi của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”. Dù chủ đề mỗi năm có sự thay đổi song tựu trung lại, mục đích của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” là khuyến khích mỗi người trong chúng ta tự nỗ lực học tập để nâng cao trình độ, hoàn thiện nhân cách, nâng cao hiệu quả làm việc, góp phần đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm