“Mấy bữa nay Sài Gòn xe cộ đông đúc rồi nha! Chắc ngày kẹt xe không còn xa đâu. Mà lạ, giờ thèm cảm giác kẹt xe. Trà sữa, bánh tráng trộn, bún bò, hủ tíu, cơm tấm, cứ cần ăn là shipper giao tận cửa, thích lắm! Mừng ghê, vậy là Sài Gòn của tụi mình đã trở lại…”. Gửi đoạn tin nhắn bấm vội cho cô bạn thân ở Tiền Giang xong, chị Lê Ngọc Trường (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) thay đồ, khai báo y tế, dắt xe đi làm.
Nhiều người đến Đường sách TP Hồ Chí Minh sau hơn bốn tháng đóng cửa. |
Những điều không trở lại
Từ ngày mở cửa tiệm rau củ, gia vị trở lại, như một thói quen, cứ 4 giờ sáng, chị Trần Thị Thanh Ngọc (quận Bình Thạnh) soạn sẵn túi hàng cho khách mối. Rồi giật mình nhận ra khách mua hàng quen thuộc của mình đã mất vì Covid-19, chị Ngọc thở dài. Chị Nga, bạn hàng của chị Ngọc là chủ một tiệm bán bún cả chục năm nay. Ngày Sài Gòn còn giãn cách, thi thoảng hai chị gọi điện hỏi thăm nhau, nghe vẫn ổn là mừng. “Chị ấy mới 47 tuổi, khỏe lắm, đâu ai ngờ… Làm ăn với nhau nhiều năm thân thiết như bạn bè, giờ đùng một cái chị ra đi, tôi hụt hẫng lắm. Hôm rồi chạy xe ngang nhà thấy anh chồng thẫn thờ ngồi trước cửa, bảng hiệu vẫn chưa gỡ xuống, thương vô cùng. Đợt dịch này mất mát nhiều quá, giờ tôi chỉ cầu mong mọi thứ sớm bình thường trở lại”, chị Ngọc trải lòng.
Làm việc tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, quán sữa tươi Mười trên đường Phùng Khắc Khoan từ lâu đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của chị Lê Thanh Tâm và đồng nghiệp. Mấy cái ghế nhựa, vài ly sữa thêm muỗng cà-phê, bữa nào sang hơn gọi thêm dĩa bánh bông lan nho ngồi ngắm Sài Gòn yên bình, một ngày của chị Tâm thường bắt đầu nhẹ nhàng như thế. Hơn 20 năm nay, nhiều thực khách ghé đến góc quán quen này cũng chỉ vì muốn đón nhận những điều thân quen như thế. Ngày nghe công ty sắp đi làm trở lại, Tâm còn nhắn trong nhóm chat “Mình sẽ khao cả nhóm uống sữa Mười tới no luôn”. Có biết đâu lời hứa đó chẳng còn dịp thực hiện khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu những ngày “bình thường mới”. Tâm tiếc góc quán quen, tiếc những món nước, dĩa bánh mà chị hay gọi vui là “Ngon nhất Sài Gòn”.
Tâm nói, rồi chị và đồng nghiệp sẽ tìm quán mới gần công ty để uống nhưng không hiểu sao lòng cứ chông chênh. Đâu riêng sữa tươi Mười mà rất nhiều quán ăn, hàng uống có tiếng, cửa hàng trước kia vốn tấp nập người ghé thăm tại TP Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa hẳn vì nhiều lý do. Hồ Con Rùa, địa điểm quen thuộc của giới trẻ, giới văn phòng Sài Gòn cả tháng nay xuất hiện nhiều bảng “Cho thuê mặt bằng”. Dọc khu vực trung tâm thành phố, không ít mặt bằng trống trơn, phía trước dán chi chít giấy kèm thông tin cho thuê nhà với đủ số điện thoại. Chỗ dán giấy đó trước kia là quán cà-phê nổi tiếng ở Sài Gòn, là quán ốc mà cứ đến 12 giờ trưa đã chật nêm người đợi hay quán mì mấy chục năm. Dịch tới, cuốn theo quá nhiều thứ, trong đó có cả ký ức của người Sài Gòn về những điều vốn đã thân quen.
Chạy ngang qua trường đại học cũ xem cô bán bánh tráng trộn quen thuộc đã “mở hàng” khi thành phố dần chuyển sang bình thường mới chưa, tự dưng, đôi bạn trẻ Thủy - Trà thấy buồn khi nghe tin cô vẫn mắc kẹt ngoài quê, chưa vào được. Trà nói, lúc còn ngồi ghế giảng đường, bánh tráng trộn Nhân Văn, cà-phê bệt Nhà thờ Đức Bà, tàu hũ Trương Định, ốc chợ Bàn Cờ là những món thuộc tốp đặc sản. Sau giờ học, Trà hay cùng bạn lê la quán xá, trò chuyện rôm rả. Thói quen đó vẫn được nhóm bạn duy trì khi đã đi làm, đủ chuyện bận rộn. “Dịch bệnh lấy đi của thành phố nhiều thứ quá. Hàng quán giờ thưa thớt, tụi mình nhớ sự nhộn nhịp, đông đúc trước kia. Có những thứ mãi thay đổi chỉ trong vài tháng nên thật sự mình chưa thể thích nghi. Mình thấy nhớ, đôi lúc chông chênh”, Trà nói vội trước khi lên xe rời đi.
Nhưng cũng trở lại những điều giản đơn
Giữa cái nắng trong veo của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh những ngày cuối thu, chị Trường tạt ngang Đường sách Nguyễn Văn Bình vì có cuộc hẹn với đối tác. Trường nói, công việc đòi hỏi tương tác, trao đổi liên tục với khách hàng nhưng mấy tháng ròng chỉ gặp nhau qua điện thoại, facebook, zoom, cảm thấy ức chế vô cùng. “Vậy nên, được ra ngoài gặp nhau thì dù phải đứng cách xa mấy mét với lớp khẩu trang dày trên mặt, đôi tay cứ chút chút lại sát khuẩn cũng thấy lòng hân hoan. Cảm giác lần đầu cầm lại ly cà-phê sữa đá sau mấy tháng “vắng bóng” khó tả lắm, như chạm tay người yêu cũ. Mấy nay đi làm xong tôi đều tranh thủ dạo phố mấy vòng cho đỡ nhớ”, Trường lắc nhẹ ly cà-phê “mang đi” trong tay, nheo mắt cười qua lớp khẩu trang y tế.
Đường sách TP Hồ Chí Minh đang dần đông khách. Nhiều người tới tìm mua mấy đầu sách đã ghi chú sẵn trong tờ giấy từ lâu. Có người tạt ngang vì thèm cảm giác nhâm nhi cà-phê giữa không gian rợp bóng me, thi thoảng nghe tiếng chuông từ Nhà thờ Đức Bà vọng lại. Ở góc nọ, người đàn ông trung niên thư thả đọc cuốn sách anh vừa mua từ cửa hàng yêu thích, lâu lâu lại ngước mắt nhìn người qua lại, gật gù. Anh nói, từ ngày dịch xong bỗng thấy nhiều điều giản đơn trước kia trở nên quý giá. Việc còn khỏe, được ngồi đây, hít thở chút không khí trong lành, lật mấy trang sách với anh thật sự là món quà sau quá nhiều ngày chỉ biết ở trong nhà lo âu. Cách đây một tháng, anh còn tự hỏi “Bao giờ mình được ra đường để ngắm nhìn thành phố?”.
Không còn đợi tổ trưởng đi chợ giúp theo tuần, chẳng phải cấp đông từng cọng hành, miếng bí như tháng trước, hơn hai tuần nay, bữa cơm của gia đình chị Đoàn Thị Kim Oanh (TP Thủ Đức) đã phong phú như xưa. Rổ rau sống đủ loại ăn cùng thịt luộc, mắm tỏi ớt, tô canh cá nóng hổi ngập sắc mầu thơm cà, hành lá. Nhớ lại giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, F0 khắp nơi, cả xóm phong tỏa mấy tuần liền, chị Oanh thấy quý phút giây bình yên hiện tại. Khép cửa mấy tháng liền, nhiều thói quen của gia đình chị đã thay đổi, giờ đang tập lại như trước kia, vừa thấy lạ, vừa thấy vui. “Như hồi cuối tuần rồi nghe tiếng người ta rao hủ tíu, tự dưng mình bật khóc. Thấy thương Sài Gòn, thương tụi mình quá đỗi. Lúc khó nhất, đâu dám nghĩ sẽ có thể vượt qua. Giờ thấy cuộc sống dần được nới lỏng, thấy mọi thứ đang dần hồi sinh, hạnh phúc quá chừng”, chị Oanh nói như khoe.
Ở góc nhà của nhiều người dân TP Hồ Chí Minh, bên cạnh mấy món thuốc thông dụng giờ đặt thêm chai cồn, mấy hộp khẩu trang. Đi tới đâu, họ đều mất thêm mấy phút để khai báo y tế, hàng quán chỉ bán mang về, vẫn thiếu món này, món kia nhưng chẳng mấy ai than thở. Câu người Sài Gòn hay nói với nhau bây giờ nhất là “Được vậy mừng rồi”. Dịch diễn tiến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, mấy tháng ròng mọi thứ trở nên ngột ngạt. Giờ người ta được đi cắt tóc, dạo phố, đi làm, mua hoa quả, thịt cá trong tất cả siêu thị chứ không cần đợi phát phiếu như trước kia. Ai thích thì tạt ngang quán quen đặt ly trà sữa, tô bún đem về nhà thưởng thức. Ăn ở nhà cũng được miễn gặp lại hương vị thân thuộc của phố xá.
Gần 90 tuổi, tiêm đủ hai mũi vaccine, đeo khẩu trang cẩn thận, 10 ngày nay, mỗi sáng, ông Tú (quận 3) dành một tiếng đồng hồ để dạo quanh Công viên Tao Đàn. Tay cầm tờ báo vừa mua tại sạp trên đường tới công viên, ông tìm chiếc ghế tựa, chậm rãi đọc tin tức. Ông khoe, sáng nay nhà ông ăn bánh mì chỗ tiệm quen, ngon lắm: “Mấy chục năm nay tôi chỉ ăn chỗ cô đó bán, rồi dịch tới phải ngưng mấy tháng tự dưng thấy nhớ vô cùng. Trải qua chiến tranh, chứng kiến nhiều mất mát nhưng dịch bệnh lần này đúng là quá bất ngờ với tôi. Bạn bè hôm trước còn nói chuyện, hôm sau đã nghe đi cách ly rồi xa nhau mãi. Chưa bao giờ thấy những ngày bình thường quý giá như vậy”.
Nghe tin thành phố sẽ tính toán phương án để hàng quán sớm được phục vụ tại chỗ, vé số bán trở lại, nhiều người phấn khởi. Cô Hoa (quận Gò Vấp) cũng không ngoại lệ. Vợ chồng cô từ Bình Định vào TP Hồ Chí Minh đã 7 năm nay. Cô lượm ve chai, chồng bán vé số, tiết kiệm tối đa cũng đủ tiền nuôi hai con ăn học ngoài quê. Rồi dịch bùng phát dữ dội, hai vợ chồng ngồi bó gối trong căn phòng trọ chật chội, ẩm ướt, sống nhờ sự hỗ trợ của mọi người. Ngày được ra đường lượm ve chai trở lại, cô Hoa thấy đôi tay mình sao lạ quá. Quãng đường đi về mỗi ngày trước kia đôi lúc khiến cô Hoa khó chịu vì nhạc từ mấy quán cà-phê cứ xập xình, toàn thanh niên cười nói ồn ào. Vậy mà giờ vắng lại thấy thiếu. Bắc vội nồi cơm, rim chút cá khô cùng canh lá giang ngoài quê vừa gửi vào, chồng cô Hoa nhìn ra cửa, trầm tư: “Ai hỏi mong gì, tôi giờ chỉ mong được đi bán vé số trở lại, dành dụm tiền Tết về thăm hai đứa nhỏ. May mà mình vẫn còn đây, khỏe mạnh”.
Được sống, được bình an, được thấy lại những điều quen thuộc với rất nhiều người Sài Gòn giờ là niềm hạnh phúc. Họ trân quý hơn những thứ chung quanh mình. Như hôm rồi cô Hoa nói với sang phòng trọ kế bên, dặn: “Bữa nào cơm tấm chỗ con hay mua mở lại thì nhắn cô nha. Cô chú sẽ tới đó, gọi hai dĩa thập cẩm ăn cho đã đời. Ăn mừng Sài Gòn khỏe lại”.
Theo Bài & ảnh: Mỹ Dung (NDĐT)