Phóng sự - Ký sự

Nhớ đại hội Đảng trong chiến khu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho đến tận bây giờ, ấn tượng về những kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai đầu tiên ở khu căn cứ cách mạng vẫn đọng lại trong tâm khảm của các cán bộ lão thành. Để rồi, giữa thời khắc cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh nhà đang hân hoan hướng đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), từng dòng ký ức trong họ lại hiện về, vẹn nguyên, xúc động.
 

Trong căn nhà tại số 07 Nguyễn Du (TP. Pleiku), ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy chậm rãi kể về những cột mốc quan trọng của Đảng bộ tỉnh trong thời chiến tranh, đặc biệt là 5 kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh diễn ra ở khu căn cứ cách mạng (thuộc huyện Kbang ngày nay) mà ông tham dự. Ấy là Đại hội lần thứ I (tháng 12-1959) và lần thứ II (tháng 7-1965) trong vai trò Bí thư khu 5; lần thứ III (tháng 8-1969) trong vai trò Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Kinh tài, Chủ tịch Hội đồng cung cấp tiền phương; lần thứ IV (tháng 9-1971) và lần thứ V (tháng 10-1973) với chức danh Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn, Phó Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh. Sau Đại hội lần thứ V, ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy cho đến ngày giải phóng.

 Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành kể về công tác chuẩn bị cho các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh ở khu căn cứ. Ảnh: H.T
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành kể về công tác chuẩn bị cho các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh ở khu căn cứ. Ảnh: Hồng Thi


Theo ông Ngô Thành, các kỳ đại hội Đảng trong thời kỳ chiến tranh chủ yếu phân tích tình hình, bàn các giải pháp để tổ chức đấu tranh, quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Mỗi kỳ đại hội đều để lại một dấu ấn riêng, song ông nhớ nhất là Đại hội lần thứ II và lần thứ III.

Cả 2 kỳ đại hội này đều diễn ra vào thời điểm sau khi quân và dân cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; giải phóng một vùng rộng lớn ở nông thôn; làm suy sụp tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền và đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” rồi đến “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Điều đó đã mang đến cho đại hội một tâm thế vô cùng phấn khởi. Đại hội cũng đã tích cực thảo luận, đề ra nhiều quyết sách đúng đắn để lãnh đạo phong trào cách mạng thu được nhiều thắng lợi hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III (tháng 8-1969) cũng để lại nhiều điều đáng nhớ trong ông Phan Anh Tuấn-nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Bởi lẽ, đây là kỳ đại hội đầu tiên ông được tham dự với vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn H15.

“Đại hội năm ấy tập trung bàn luận về vấn đề phải đánh đế quốc Mỹ như thế nào vì trước đó chúng đã chính thức nhảy vào tham chiến tại Gia Lai với quân lực hùng hậu và phương tiện chiến tranh cực kỳ hiện đại. Trong khi cuộc thảo luận đang diễn ra sôi nổi thì Đại hội vô cùng phấn khởi khi nhận được tin báo từ cơ sở rằng 2 du kích Bahnar ở khu 2 đã bắn chết 1 tên giặc Mỹ bằng tên tẩm thuốc độc và bắn rơi máy bay trinh sát của chúng bằng súng trường. Niềm tin đánh thắng giặc Mỹ của mọi người dường như được nâng lên gấp bội. Sau này, tôi còn tiếp tục dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV và thứ V nhưng cảm xúc và khí thế ban đầu ấy vẫn cứ vẹn nguyên”-ông Phan Anh Tuấn tâm sự.

Ông Phan Anh Tuấn-nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-nhắc nhớ về kỳ đại hội Đảng đầu tiên mà mình tham dự trong chiến khu. Ảnh Hồng Thi
Ông Phan Anh Tuấn-nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-nhắc nhớ về kỳ đại hội Đảng đầu tiên mà mình tham dự trong chiến khu. Ảnh: Hồng Thi


Trong hồi ức của những cán bộ cách mạng, đại hội Đảng tổ chức nơi chiến khu khá giản đơn về mặt hình thức. Cơ sở vật chất phục vụ đại hội gồm 1 hội trường tạm được dựng lên bằng tranh tre và lá rừng cùng mấy chục bộ bàn ghế được đóng bằng tre nứa. Chỗ nghỉ ngơi của đại biểu là những chiếc võng dù cột song song nhau trên 2 cây gỗ giữa rừng, bên trên mắc tấm ni lông để che mưa nắng. Việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ đại hội được cân nhắc kỹ càng trước đó để không bị thiếu hụt, nhất là gạo. Mãi đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V diễn ra tại thị trấn Dân Chủ (nay là xã Krong, huyện Kbang), cơ sở vật chất mới được cải thiện và đủ đầy hơn.

“Công tác đảm bảo an toàn trong suốt thời gian đại hội diễn ra cũng được đặt lên hàng đầu. Không ít lần đại hội, chúng ta bị địch uy hiếp, càn quét, thả bom đánh phá ở vùng ven nhưng chưa lần nào đại hội phải hoãn. Ngoài ra, công tác bầu cử nhân sự khóa mới cũng được tiến hành thông qua hình thức biểu quyết bằng tay thay vì bỏ phiếu kín. Tất cả anh em đều rất tin tưởng vào năng lực lãnh đạo, điều hành của những người được chọn”-ông Ngô Thành hồi tưởng.

Còn ông Phan Anh Tuấn xúc động nói: “Chiến tranh ác liệt nên anh em chẳng mấy khi có cơ hội gặp nhau. Vì vậy, mỗi lần tham dự đại hội cũng là lúc đồng chí, động đội trở nên gắn bó, thân thiết hơn. Chúng tôi cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác, chiến đấu và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Và cũng bởi tình cảm khắng khít như thế nên khó tránh khỏi sự hụt hẫng, đau lòng khi người còn-người mất qua các kỳ đại hội. Không ít bạn bè, đồng đội của chúng tôi đã hy sinh và bị bắt bớ, tù đày. Họ đã góp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục kiên cường chiến đấu và giành chiến thắng”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) diễn ra trong không khí hân hoan, phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Dù tuổi cao, sức khỏe đã suy giảm nhưng ông Ngô Thành, ông Phan Anh Tuấn vẫn rất quan tâm dõi theo sự kiện quan trọng này. Hơn ai hết, các ông đều tin tưởng và kỳ vọng Đại hội sẽ tiếp tục đề ra những quyết sách đúng đắn, đồng thời sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài bầu vào Ban Chấp hành khóa mới để lãnh đạo tỉnh nhà tiếp tục phát triển bền vững, đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm