Một ngày cuối tháng bảy, chúng tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò với những người lính K52 trong khuôn viên của đơn vị tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Trung tá- bác sĩ Nguyễn Xuân Đốc nói với chúng tôi rằng: “Mỗi mảnh xương của đồng đội còn quý hơn vàng”, song rõ ràng sự so sánh ấy có phần hơi khập khiễng bởi sự hy sinh, mất mát trước nay đã không gì so sánh được. Và câu chuyện mà Trung tá Đốc kể với chúng tôi xoay quanh công việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ mùa khô năm 2008-2009 tại tỉnh Stung Treng (Vương quốc Campuchia).
…Mùa khô năm 2009-2010, họ tiếp tục quay trở lại với khu rừng nguyên sinh thuộc xã Ocharalong- tỉnh Stung Treng. Lần này, người cựu chiến binh ấy vì sức khỏe không cho phép nên đành lỗi hẹn cùng đồng đội. Cuộc hành trình bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối các chiến sĩ K52 mới tìm đến đúng vị trí căn hầm- nơi mà ông Huân đã xác định từ mùa khô năm trước. Rừng núi âm u, khí hậu ngột ngạt, ngày đầu tiên chưa tìm thấy bộ hài cốt nào đã có chiến sĩ bị sốt rét hành hạ. Không nản chí, các anh vẫn miệt mài tìm kiếm. Khi bộ hài cốt đầu tiên được tìm thấy, tất cả đều xúc động đến rơi nước mắt. Thông tin về bộ hài cốt đầu tiên được tìm thấy đã được “truyền” về cho ông Huân, không giấu được niềm vui ông đã không ngừng nhắn nhủ bác sĩ Đốc: “Đốc ơi! Người nào xương nhỏ, áo xanh là chị Tư Long An; còn người có chiếc răng vàng là anh Tô Điệu đấy!…”.
Rừng thiêng nước độc, sợ anh em bị sốt rét, nên mỗi tuần đơn vị lại luân chuyển cán bộ, chiến sĩ để anh em trở lại bìa rừng hít thở không khí trong lành. Sau chuyến công tác này, nhiều người bị sốt rét rừng hành hạ. Kết thúc mùa khô, tại khu vực này, đơn vị đã tìm thấy 71 bộ hài cốt liệt sĩ.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hiệp- Đội trưởng, người có 7 năm gắn bó với Đội K52 tâm sự: “Lạc rừng, bể thuyền giữa dòng Mê Kông là chuyện cơm bữa! Mặc dù đảm nhận việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ tại 3 tỉnh khó khăn nhất của nước bạn Campuchia song với tất cả tấm lòng, không quản ngại khó khăn gian khổ, chúng tôi luôn nhắc nhở những người đồng đội mình hãy làm việc gì để tri ân, để bù đắp cho người mẹ, người cha mất con, người vợ mất chồng, con mất cha…”.
Phương Dung