Phóng sự - Ký sự

Nhớ một thời vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Càng đi, càng thấy có thêm nhiều con đường mới, có lúc chúng tôi còn gặp những tuyến đường cắt ngang đi xuống các chiến trường và gặp cả đường ô tô, xe, người ra vào nườm nượp. Có đi đến đây mới thấy được sự gian nan vất vả của các chiến sĩ giao liên đường dây 559, thấy được sự vĩ đại của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh-con đường thống nhất Bắc-Nam”.

Sau 4 tháng củng cố ở xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), cuối tháng 11-1971, Tiểu đoàn 16 chúng tôi tiến hành đợt sinh hoạt chính trị quán triệt nhiệm vụ đã được Đại hội Đảng bộ Sư đoàn 320 lần thứ VI xác định: “Đi lâu-Đi sâu-Đi xa-Đi đến thắng lợi hoàn toàn”. Tuy chưa rõ nhiệm vụ cụ thể và chiến trường sắp có mặt, nhưng qua học tập, mỗi chúng tôi đều thấy rõ thời cơ mới của cách mạng, vị trí của Sư đoàn trước thời cơ ấy. Trước ngày xuất quân, Thượng tướng Văn Tiến Dũng-Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn-về động viên, giao nhiệm vụ cho Sư đoàn, chúng tôi càng tin lần này sẽ được đến nơi có điều kiện đánh to thắng lớn, góp phần mau chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Ảnh: internet

13 giờ ngày 8-12-1971, Tiểu đoàn làm lễ xuất quân. Tiếng hô “Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!” của hàng quân cùng lúc vang lên làm rung động cả núi rừng. Sau mệnh lệnh hành quân của Tiểu đoàn trưởng Vũ Cối, từng đại đội về vị trí xếp xe, sau đó cả tiểu đoàn lên đường. Xe lao nhanh về phía Nam để lại phía sau những xóm làng quen thuộc.

Hết đoạn đường cấp phối, xe vào quốc lộ 1, rẽ phải tiến về hướng Nam. Chả mấy chốc, trước mặt đã là đèo Ngang. Xe lên đèo, tự dưng mỗi chúng tôi thấy rưng rưng một niềm vui xen lẫn xúc động rất lạ thường. Đúng lúc ấy, anh Ngô Đức Hậu-Trung đội phó, quê ở xã Thạch Bắc, huyện Thạch Hà ngồi ở giữa xe, có lẽ do chuẩn bị qua khỏi ranh giới Hà Tĩnh quê hương gợi cho anh niềm xúc cảm mạnh mẽ mà anh cất lên tiếng hát: “Xe ta bon trên dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao núi đèo đồi nương, mà xe ta băng ra chiến trường…”, thế là chúng tôi cùng hát theo. Lời ca và âm điệu hùng tráng của bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ  Ánh Dương rất trùng hợp với cảm xúc và cảnh vật lúc này nên chúng tôi hát rất say sưa.

Đến đoạn “Vượt đèo Ngang nào bạn ơi, tay lái ta dồn lên lời ca…” tiếng hát càng to và vang xa. Thấy vậy anh em ở các xe sau cũng hát theo. Tiếng hát của chúng tôi-tiếng hát của những người ra trận đã làm cho những người đi đường, anh chị em thanh niên xung phong đang sửa đường rất xúc động. Nhiều người đang đi đã dừng lại bên đường vẫy tay, vẫy nón tươi cười chào đoàn quân; có chị em còn đưa 2 ngón tay lên miệng ra dấu gửi nụ hôn nồng thắm của mình đến chúng tôi. Hết đèo Ngang, đến địa phận Quảng Bình, xe tiếp tục chạy theo quốc lộ 1. Vẫn là những con đường hồi đầu năm chúng tôi vào chiến trường Đường 9-Nam Lào đã đi qua. Xe qua phà Ròn, phà Gianh, vào đường 20 Quyết Thắng. Đến trạm Cự Nẫm, chúng tôi xuống xe, nhận thêm lương thực, thực phẩm để bắt đầu hành quân bộ.

Chúng tôi hành quân trong khối trực thuộc gồm các Tiểu đoàn 14 pháo cối, 16 súng máy cao xạ 12,7 mm, 19 đặc công và 25 vận tải do Chính ủy Phòng Hậu cần Sư đoàn Nguyễn Văn Vị chỉ huy. Những ngày đầu, thời gian hành quân cũng vừa phải, cứ 6 giờ sáng xuất phát đến khoảng 2-3 giờ chiều là đến trạm nghỉ và cứ hành quân liên tục 5 ngày thì được nghỉ 1 ngày. Vị trí nghỉ đã được bố trí sẵn, có hầm trú ẩn tránh phi pháo. Các đơn vị chỉ triển khai chỗ ở cho bộ đội. Tuy chỉ nghỉ lại một đêm nhưng chúng tôi vẫn làm chỗ ăn ở gọn gàng sạch đẹp, đường đi lối lại đến các khẩu đội, trung đội đều có lan can bằng những cọc gỗ chắc chắn được liên kết với nhau bằng dây rừng vừa đẹp mắt vừa rất tiện cho việc đi lại trong đêm tối. Vì vậy, Tiểu đoàn chúng tôi luôn dẫn đầu khối về ăn ở và chấp hành các quy định.

Sang Tây Trường Sơn khí hậu khá khô hanh, ngày thì nắng nóng nhưng đêm lại lạnh thấu xương. Đường hành quân chủ yếu đi dưới tán cây những cánh rừng đại ngàn. Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp từng nhóm người dân Lào đi lại trên đường, trong đó có những cô gái Lào Thơng da trắng hồng đẹp như những cánh lan rừng. Từ đây, cũng đã nghe được tiếng bom, pháo địch uỳnh oàng phía trước vọng lại. Đường đi thì chia thành nhiều ngả, nhiều nhánh nếu không bám sát đội hình thì rất dễ bị nhầm.

Đi thêm mấy chặng nữa thì thấy dấu tích của những trận đánh phá của địch và tiếng bom đạn ngày càng gần hơn. Trên trời, máy bay trinh sát các loại của địch suốt ngày nhòm ngó, tiếng động cơ của nó ì èo nghe nhức cả tai. Càng đi vào sâu, thấy địch đánh phá càng quyết liệt nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nhiều đoạn phải đi theo đường vòng để tránh trọng điểm đánh phá của địch. Cũng có ngày chúng tôi phải hành quân vượt qua những bãi bom B52 dài hàng cây số, cây cối đổ ngổn ngang, khói lửa còn cháy nghi ngút, khét lẹt. Đường hành quân từng ngày như dài thêm, hành quân suốt ngày mệt nhọc, đến chỗ nghỉ lại phải làm lán nửa nổi nửa chìm và hầm trú ẩn tránh phi pháo địch, người mệt bã. Đến Trạm 22, chúng tôi được thông báo, đêm trước B52 rải bom trúng đội hình trú quân của Trung đoàn 48 làm một số cán bộ, chiến sĩ thương vong, trong đó có Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Nguyễn Chuyển đi cùng đã hy sinh.

Từ Trạm 34, rừng thưa dần do địch dùng bom đạn và chất độc hóa học hủy diệt nhưng núi non, đèo dốc ngày một nhiều. Những ngọn núi cao hàng ngàn mét, đường đi chênh vênh len lỏi qua những vách đá, có chỗ lại bị khe, rãnh cắt ngang như chặn lối. Có ngày từ sáng đến trưa mới lên được đỉnh núi, nghỉ ăn trưa xong tụt xuống lưng chừng núi bên kia là trạm nghỉ. Các chiến sĩ đặc công chỉ có các loại súng gọn nhẹ mà cũng bở hơi tai, cánh hỏa lực chúng tôi thì cực hết chỗ nói, cứ phải co kéo nhau vượt qua, mồ hôi tóe ra ướt đầm đìa quần áo. Đường hành quân mỗi ngày thêm cực nhọc, khẩu phần ăn lại giảm dần do lượng lương thực dự trữ đã cạn, vì vậy sức khỏe của chúng tôi cũng giảm sút. Đã có những chiến sĩ bị sốt rét, bị ốm phải nằm lại các trạm giao liên và tiếp tục có người không chịu được gian khổ đã tự động quay lại phía sau.

Đến Trạm 63, gạo ăn dự trữ cho hành quân đã hết, Binh trạm vận chuyển chưa kịp vì lần đầu tiên phải đảm bảo cho một Sư đoàn hành quân qua nên khó mà trọn vẹn. Khẩu phần ăn của chúng tôi giảm dần, có ngày chỉ còn 3 lạng, chúng tôi phải kiếm rau rừng ăn thêm. Rừng Trường Sơn khá nhiều rau quả củ như chuối rừng, củ mài, vó ngựa, rau sam đá, rau tàu bay… giúp chúng tôi có thêm sức hành quân. Chiều ngày hôm sau, đến Trạm 65, được các đơn vị đến trước thông báo gần đây có cây mì chính nấu canh ăn rất ngon, chúng tôi vội phân nhau đi lấy. Đến nơi, thấy một cây khá cao to đã bị vặt hết lá, bên cạnh có một cây trông từa tựa, lá nhỏ và mềm như lá cây trứng cá nhưng màu sẫm hơn, một vài cành lá cũng đã bị vặt trụi, chúng tôi liền leo lên bẻ cành tuốt lá mang về. “Rau mì chính” có khác, chỉ cần rửa sạch cho nước suối vào đun sôi lên rồi cho thêm ít muối mà ăn ngọt còn hơn cho mì chính. Nhưng ăn vào, không hiểu sao, đêm ấy cả đại đội bị “Tào Tháo” đuổi.

Chiều 25-1-1972 , vừa đến trạm nghỉ thì Đỗ Văn Gồm ở Đại đội 3 sang báo tin cho tôi: “Đêm qua, Quang lên cơn sốt rét ác tính hy sinh rồi!”. Nghe Gồm nói vậy, tôi rụng rời chân tay. Tôi, Gồm và Quang cùng xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên), cùng nhập ngũ tháng 8-1970. Gồm ở thôn Phú Trạch nhưng lại lấy vợ ở thôn tôi, vợ Gồm-cô Lan là em họ về đằng ngoại của tôi, nên dù lớn hơn tôi mấy tuổi nhưng đối với tôi, Gồm luôn tự coi là phận dưới. Còn Nguyễn Văn Quang sinh năm 1952 ở thôn Phú Thị, người nhăng nhẳng, nhỏ nhắn. Bố Quang là bác Hạnh trước đây từng là chỗ quen biết với bố tôi nên chúng tôi khá thân thiết.

Tôi còn nhớ đợt đi B lần trước, một lần nghỉ giải lao trên lưng chừng núi, Quang đến giúi vào tay tôi lát sâm rồi ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh ngậm vào lấy sức mà leo dốc!”. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ, tôi chỉ nghe nói sâm bổ và hiếm lắm, giờ được cầm trong tay lại còn được dùng trong lúc mệt nhọc này nữa, thật quý hóa quá. Nhưng nhìn Quang gầy yếu, da xanh mét tôi thấy ái ngại, không đành, liền đưa lát sâm lại cho Quang: “Thôi, Quang để lại mà dùng, mình đi được mà!”. Quang vội đẩy lại: “Em còn nhiều. Mẹ em chuẩn bị cho đấy!”. Rồi Quang kín đáo luồn tay vào túi áo ngực lấy ra củ sâm Cao Ly màu vàng suộm đã cắt dở bọc trong túi ni lông chìa cho tôi xem. Rồi mới cách đây vài hôm, được nghỉ hành quân, tôi sang thăm Quang, thấy Quang vẫn khỏe và còn tươi cười nói: “Sao mấy hôm nay em nhớ nhà thế!”. Vậy mà giờ Quang đã đi xa. Tôi và Gồm đều buồn rượi trước sự ra đi đột ngột của Quang.

Càng gần tới đích núi càng cao và nhiều đèo dốc như muốn thử thách thêm sức trẻ của chúng tôi. Những ngày này, lương thực đã được cấp khá hơn nhưng thức ăn chủ yếu vẫn là rau rừng. Gian nan, cực khổ là vậy nhưng chúng tôi đều đã vượt qua. Và chính sự khó khăn thiếu thốn đó đã giúp chúng tôi quen dần với điều kiện của chiến trường sau này.

Chiều 27-1-1972 (tức 12-12 năm Tân Hợi), sau gần 2 tháng vượt Trường Sơn, chúng tôi vào đến vị trí tập kết ở gần ngã ba biên giới thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Tại đây, được quán triệt phổ biến nhiệm vụ, chúng tôi mới rõ: Chiến trường Tây Nguyên, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, rộng lớn, ác liệt, xa hậu phương là nơi đang cần sự có mặt của Sư đoàn chúng tôi. Sau ít ngày củng cố, ổn định tổ chức ở Tây Nam Chư Mom Ray, chúng tôi được cấp trên tổ chức cho ăn Tết Nguyên đán Nhâm Tý, rồi bước vào chuẩn bị và tham gia cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè 1972 ở Tây Nguyên. Tiếp đó là gần 1.200 ngày đêm chúng tôi bám trụ cùng đồng chí, đồng đội và đồng bào Tây Nguyên chịu đựng nhiều khó khăn thiếu thốn, ác liệt và hy sinh, chiến đấu cho đến ngày ca khúc khải hoàn, thực hiện trọn vẹn lời thề trước lúc lên đường.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm