Phóng sự - Ký sự

Nhọc nhằn 'gánh tết'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vất vả chồng vất vả khi công việc của phu gánh dưa chỉ được thực hiện vào ban đêm.

7 giờ tối, công việc của những phu gánh dưa bắt đầu. Ảnh: ĐỨC NHẬT
Cứ vào dịp giáp tết hằng năm, khi những vựa dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch, hàng trăm lượt người từ Bình Định, Phú Yên lại lũ lượt tìm về Kon Tum làm phu gánh dưa. Vất vả chồng vất vả khi công việc của họ chỉ được thực hiện vào ban đêm.
Ngày ngủ đêm làm
Chiều một ngày cuối năm, trong cái se lạnh của trời đông, phố xá trở nên sôi động bởi những ngày gần tết. Ngồi ở một quán nước lề đường, chúng tôi bị thu hút bởi đoàn người đi xe máy, chở theo quang gánh cùng đôi sọt tre phía yên sau.
Những người đàn ông mặc bộ áo quần bạc thếch hối hả lao về phía ngoại ô TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Họ là những người phu gánh dưa đang tìm đường trên đất lạ để kiếm tiền sắm tết. Phải khó khăn lắm mới đuổi kịp đoàn người, vì hành trình của họ thường rất vội vã.
Kéo nhẹ tay ga ở một khúc cua tay áo, ông Hồ Văn Tuấn (45 tuổi, ở H.Tuy An, Phú Yên) nói vội: “Bọn tui đi từ 6 giờ sáng, ở Phú Yên vòng qua Bình Định lên Gia Lai rồi mới đến được Kon Tum. Bữa đầu đi nên lạc đường hơn 20 km. Giờ phải vòng về để kiếm đường qua vựa dưa”. Câu chuyện đứt mạch ở đấy khi đoàn người rẽ vào một con đường đất bụi mù.
Sau 30 km bám đuổi theo đoàn người, chúng tôi cũng đến được vựa dưa hấu tại thôn 5 (xã Hòa Bình, TP.Kon Tum). Trời về chiều, những người đàn ông đứng ngồi lố nhố, ai cũng muốn tìm cho mình một góc khuất để tránh cái lạnh trời đông. Một người đàn ông chỉ kịp trải tấm bạt xuống đất rồi ngả lưng "kéo gỗ". Chặng đường quá dài khiến cả đoàn người như lả đi. Nỗi mệt nhọc hiện lên trên khuôn mặt từng người.

Bữa cơm chiều đạm bạc được nấu từ ban sáng của anh Huỳnh Tấn Minh
“Ông bầu” Nguyễn Văn Tình (48 tuổi, ở H.Tây Sơn, Bình Định) có dáng người vạm vỡ và nước da bánh mật. Vì có kinh nghiệm hơn 20 năm gánh dưa thuê nên ông Tình đứng ra lập nhóm đi hái dưa. Ông bảo rằng cứ đến mùa thu hoạch dưa hấu là lại vượt hơn 200 km lên các tỉnh Tây nguyên kiếm việc làm. Những người gánh dưa được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm đều có một người được gọi là “ông bầu”. Ông bầu sẽ liên hệ với các chủ dưa ở khắp các vùng để tìm mối rồi chia việc cho từng người tùy theo diện tích ruộng dưa và yêu cầu của chủ vườn để quyết định số người trong một nhóm.
Cũng theo ông Tình, gánh dưa thuê là một nghề rất đặc thù, bởi thường xuyên phải làm việc về đêm, còn ban ngày ngủ để lấy lại sức. Vì vậy mà những người gánh dưa đặt cho nó cái tên là nghề “Ngày ngủ đêm làm”.
“Nếu cắt dưa ban ngày, quả dưa bị ánh nắng mặt trời hâm nóng. Ruột dưa sẽ mau bị thối, bởi vậy chủ vựa thường cắt dưa vào ban đêm. Họ cắt xong là mình đến gánh ra xe luôn. Có những ruộng lớn phải gánh suốt đêm để sáng hôm sau kịp bốc lên xe”, ông Tình chia sẻ.
Gánh tết
Hôm nay ông Tình dẫn theo 20 người từ Bình Định, Phú Yên tìm lên Kon Tum gánh dưa. Công việc kéo dài một vài đêm. Vườn dưa nào lớn thì gánh trong 4 - 5 đêm là hết. Sau khi gánh xong ở tỉnh này, các anh lại theo tiếng gọi của chủ vựa tìm đến các tỉnh thành khác.
“Tùy theo khoảng cách từ ruộng ra bãi đậu xe mà tiền công có giá 300.000 - 500.000 đồng/sào. Hôm nào gánh được 2 sào thì cũng có tiền thật đấy nhưng cực lắm, còn nếu gặp ruộng lớn, ít người gánh được chừng 5 sào thì cũng phải nghỉ ngơi 1 - 2 ngày lấy sức rồi mới gánh lại được. Có hôm, ruộng trơn tuột mà đèn pin soi không rõ đường nên bị trượt ngã liên tục. Ráng gánh năm bữa nửa tháng thì cũng kiếm được ít tiền tiêu tết. Chứ ở nhà mùa này làm gì cho ra tiền”, ông Tình tâm sự.
Chọn cho mình một góc khuất gió, anh Huỳnh Tấn Minh (41 tuổi, ở H.Tuy An, Phú Yên) lục trong chiếc sọt tre lấy ra đùm cơm nguội. Anh bảo rằng sợ chồng đói dọc đường, ghé quán cơm thì tốn kém nên vợ anh đã chuẩn bị sẵn bữa cơm nấu từ rạng sáng. Bữa cơm đạm bạc chỉ với cá kho và rau sống cũng đủ để lấp đầy chiếc bụng đang cồn cào.
"Sáng sớm vợ tui nấu nhiều cơm để mang theo ăn dọc đường. Cơm nhà vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm một khoản chi phí. Chiều nay chủ vườn nấu cơm đãi mọi người, nhưng tôi còn cơm nên ăn nốt kẻo phí. Nếu còn cơm, tối gánh dưa xong cũng ráng ăn cho lại sức", anh Minh nói.

“Khách sạn ngàn sao” giữa vườn cao su của những người tha phương cầu thực
Theo anh Minh, đây là năm đầu tiên anh lên Tây nguyên gánh dưa. Mới đây, anh qua Đắk Lắk gánh dưa 17 ngày. Tuy nhiên, vườn dưa ít, nhân công nhiều nên tiền công chẳng được bao nhiêu. Anh vừa trở về nhà thì được người quen rủ lên Kon Tum gánh dưa để kiếm tiền tiêu tết. Hành trang “gánh tết” của anh là quang gánh, đôi sọt tre, chiếc võng, chăn, vài bộ quần áo cùng một ít gạo, cá khô. Đây là những vật dụng cần thiết của anh Minh trong cuộc mưu sinh đầy mệt nhọc trên đất khách.
Sau bữa cơm chiều, tranh thủ chút thời gian ít ỏi, những người đàn ông kéo nhau về lô cao su cạnh vườn dưa treo võng nằm nghỉ. Những ngày dưa vào chính vụ này, vườn cao su thôn 5 (xã Hòa Bình) trở thành “nhà trọ ngàn sao” của những người gánh dưa đến từ Phú Yên, Bình Định. Ngày cao điểm, nơi đây có khoảng hơn 40 người tá túc qua đêm.
Loay hoay mãi mới treo được 2 đầu võng lên cây, anh Minh cho hay, ở Phú Yên đi làm thuê ngày được khoảng 200.000 đồng. Nhưng công việc không đều đặn nên chẳng đủ lo cho cuộc sống gia đình. Gần tết việc càng ít nên anh lặn lội hàng trăm ki lô mét lên Kon Tum với hy vọng có cái tết đủ đầy hơn.
Tha phương cầu thực
7 giờ tối, đoàn phu gánh dưa bắt đầu công việc. Cả nhóm thu vội chiếc võng cất gọn gàng lên xe máy rồi quảy gánh ra vườn. Gió lạnh tràn về nhưng những người đàn ông này vẫn cởi bỏ những lớp áo quần trên mình cho đỡ vướng víu. Trên trán họ là chiếc đèn pin le lói như những cánh đom đóm giữa màn đêm. Đêm nay, nhóm sẽ gánh 40 sào dưa, trung bình mỗi người gánh khoảng 2 sào.
Cẩn thận xếp những trái dưa vào sọt, ông Nguyễn Đình Phong (48 tuổi, ở H.Tây Sơn, Bình Định) chia sẻ, gia đình ông chỉ canh tác được vài sào lúa. Mỗi năm cũng thu được gần 1 tấn thóc. Những ngày nông nhàn ông đi làm phụ hồ nhưng công việc bấp bênh không ổn định.
8 năm nay ông tìm đường đi gánh dưa để kiếm thêm thu nhập.
“Mình đi xa một chút nhưng thu nhập cao hơn hẳn. Nói thì nói vậy chứ nhiều lần cũng mò lên tận vườn rồi nhưng lại về công cốc. Như năm ngoái, chủ vườn gọi anh em tui lên gánh dưa. Khi đến nơi giá dưa rẻ rề, chủ vườn xác định cắt là lỗ nên bỏ luôn cả vườn. Vậy là anh em tui lại về nhà tay trắng”, ông Phong nói rồi thoăn thoắt đôi chân sải đi trên cánh đồng. Gánh dưa nặng hơn 70 kg lắc lư kĩu kịt trên đôi vai người đàn ông nhỏ thó.
Những bóng người cứ thế lần mò đường đi trong đêm tối qua chiếc đèn pin đội đầu, trên vai là gánh dưa nặng trĩu. Cuộc mưu sinh cứ thế kéo dài ra theo từng bóng người dưới ánh trăng bàng bạc. Giờ giải lao, họ kể nhau nghe những chuyện vui buồn trong đời mình đã trải. Những người nông dân vốn ở các vùng khác nhau hội ngộ nơi xứ lạ, họ ngồi sát nhau chia từng hơi ấm trong đêm. Trong nhóm gánh dưa, mỗi người mang theo một số phận khác nhau nhưng họ đều chung cảnh ngộ tha phương cầu thực nên rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Ông Hồ Văn Tuấn chia sẻ: “Vừa rồi bọn tui gánh dưa ở Đắk Lắk, nay về gánh ở Kon Tum. Khi nào xong lại xuôi về Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai). Hái xong về nhà ăn tết là vừa. Ở đây, nhiều muỗi mà lạnh nữa nhưng đi gánh dưa về ai cũng mệt lả nên đặt lưng xuống là ngủ thiếp luôn. Anh em làm nghề này đa phần là nhà nghèo, ruộng ít nên ở đâu có việc là phải lăn lộn đi làm ngay. Lúc gánh mệt quá chẳng nghĩ gì, chỉ biết làm sao để gánh cho xong. Đến lúc nghỉ, nghĩ lại mới thấy tủi thân. Người ta ngủ cả rồi còn mình vẫn phải vật vã kiếm tiền giữa đồng không mông quạnh”.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm