Nhọc nhằn nghề bảo vệ chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, tại các trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tỉnh tỉnh Gia Lai, lượng hàng hóa đã đổ về nhiều hơn. Để bảo vệ tài sản cho các tiểu thương, lực lượng bảo vệ ở đây phải vất vả với những đêm thức trắng…  

 Chợ đêm Pleiku.
Chợ đêm Pleiku.

Khi màn đêm buông xuống, Phố núi Pleiku lạnh tê tái khiến không ai còn muốn ra khỏi nhà thì trong bóng tối nhập nhoạng tại Trung tâm Thương mại Pleiku, người bảo vệ già vẫn cặm cụi đi kiểm tra từng gian hàng. Ông là Lê Văn Thủy-người đã có thâm niên 25 năm làm bảo vệ tại đây. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Trung tâm Thương mại, dù đã bước qua 20 giờ nhưng ở đây vẫn còn nhiều tiểu thương nán lại sắp xếp, dọn dẹp hàng hóa, ông Thủy giải thích: “Theo quy định thì 19 giờ các hoạt động buôn bán phải tạm dừng, nhưng thời điểm giáp Tết nên cũng phải thông cảm vì lượng hàng hóa về nhiều”. Dừng chân ở khu nhà lồng, ông cùng tổ bảo vệ đêm cẩn thận đi kiểm tra từng công tắc điện, từng ổ khóa ki-ốt, vì đây là khu vực chứa nhiều hàng hóa có giá trị và dễ cháy nên tổ bảo vệ của ông Thủy phải đặc biệt lưu tâm.

Sau khi kiểm tra xong, ngồi nghỉ chân trên chiếc sạp mà tiểu thương dùng để bày bán trái cây, chúng tôi có dịp được nghe những người làm công tác bảo vệ ở Trung tâm Thương mại Pleiku trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề của họ: “Công việc có vẻ nhẹ nhàng và nhàm chán nhưng vất vả lắm, nhất là dịp cuối năm và những ngày mưa bão. Một tổ trực đêm chỉ từ 6 đến 7 người, phải lo tuần tra đảm bảo an toàn cho hàng trăm gian hàng trong khuôn viên gần 15.000 m2 từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Vì vậy, những người làm nghề như chúng tôi phải thay đổi cuộc sống theo kiểu lấy đêm làm ngày và đôi khi còn hy sinh cả những hạnh phúc riêng tư”-anh Nguyễn Công Phúc chia sẻ. Như được cởi nút thắt trong lòng, anh Phan Quang Thành góp thêm: “Vất vả thì anh em chúng tôi chịu được, nhưng khi xui rủi xảy ra sự cố mất mát hàng hóa, ngoài việc phải đền bù thì còn nhận những ánh mắt hoài nghi, thậm chí những lời lẽ không hay”.

Công việc của những bảo vệ ở Trung tâm Thương mại Pleiku vất vả thì công việc bảo vệ chợ ở huyện nghèo như Kông Chro cũng không kém phần gian nan. Dù với quy mô hơn 5.000 m2 và hơn 200 gian hàng, ki-ốt, nhưng ở đây chỉ có một bảo vệ chính thức và hai nhân viên vệ sinh môi trường kiêm nhiệm. Trong khi đó, khối lượng công việc ngồn ngộn khi phải vừa trực 24/24 giờ để bảo vệ tài sản và nhắc nhở tiểu thương từ công tác phòng cháy, chữa cháy đến vị trí buôn bán; giữ gìn an ninh trật tự, nên hầu như không có thời gian rảnh rỗi. Ông Nguyễn Ngọc Sơn-Trưởng ban Quản lý chợ huyện Kông Chro cho biết: “Anh em bảo vệ chợ phải chịu áp lực công việc rất lớn, nhưng vì cuộc sống họ đều cố gắng vượt qua. Dù vậy, nghề này đôi khi vẫn chưa được các tiểu thương và mọi người xem trọng, nên nhiều lúc anh em cũng cảm thấy chạnh lòng…”.    

Trong những câu chuyện về nghề của những người bảo vệ mà chúng tôi đã tiếp xúc thì được biết thu nhập từ nghề này còn khá thấp chỉ khoảng 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng vì hầu hết họ là nhân viên hợp đồng, ngay cả người có thâm niên 25 năm công tác như ông Thủy cũng chỉ ký hợp đồng 6 tháng một lần. Cũng chính vì vậy, sau mỗi trực đêm làm việc cật lực, họ ngủ qua loa để lấy lại sức rồi phải đi làm thêm những công việc khác để mưu sinh.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm