Thời sự - Bình luận

Những bức tượng nhắc nhớ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiến tranh kết thúc khá lâu, những hố bom giờ đã gần như không còn dấu tích trên mặt đất. Nhưng những vết thương lòng vẫn còn âm ỉ trong nhiều người. Nỗi nhớ, niềm đau cũng luôn nhắc nhớ, tôn vinh những hy sinh cao cả của những con người đã ngã xuống cho quê hương. Nhưng hơn hết, là sự ghi nhớ về những giá trị của hòa bình, thống nhất...
 Tượng Mẹ dũng sĩ Thanh Khê của tác giả Phạm Văn Hạng tại TP.Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hải
Tượng Mẹ dũng sĩ Thanh Khê của tác giả Phạm Văn Hạng tại TP.Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hải
1. Đã có người ví Càphê Eva, số 1, đường Phan Châu Trinh, TP.Kon Tum là một bảo tàng văn hoá Bana “sống”, là nơi lưu giữ sinh động những truyền thuyết, những trang sử về làng bản, về sự thăng trầm của đồng bào dân tộc Bana ở vùng rừng núi bắc Tây Nguyên. Nhưng với tôi, bức tượng “Chiến binh” mà gia chủ - cũng chính là tác giả, nghệ sĩ Nguyễn Lập Ẩn dựng giữa vườn nhà thật ấn tượng và đầy ám ảnh.
Một nửa vỏ bom sứt mẻ, nứt toác ông nhặt về, dựng giữa khu vườn. Thêm cái nón nhà binh đội trên mảnh bom ấy… ông gọi là tượng chiến binh. “Tôi không dựng tượng theo chủ đề đặt hàng. Tình cờ nhặt nhạnh được những mảnh vỡ này mang về bày biện theo suy tưởng của mình thôi” - ông Ẩn giải thích.
Ông Ẩn kể, ở phố thị ven đường Hồ Chí Minh này không đông đúc, sầm uất như miền xuôi. Nhưng du khách vãng lai, rất nhiều người là cựu binh, thăm lại chiến trường xưa hoặc tìm hài cốt liệt sĩ, tử sĩ từ cuộc chiến. Khách đến với quán càphê của ông có nhiều cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn, nhưng đôi khi là cựu binh Mỹ. Phần lớn, họ thích tượng chiến binh. Nhiều người ngồi đó, rít thuốc lá, ngắm tượng đăm chiêu. Họ không nói nhiều, nhưng có lẽ ký ức về cuộc chiến ngày xưa trên chính mảnh đất này đang sống lại trong họ. Và dù là người chiến thắng, thì họ đều bị mất mát. Chí ít đó là hy sinh tuổi thanh xuân, là sự ra đi vĩnh viễn của bạn bè, đồng đội. Chiến tranh là thế.
Từ Đà Nẵng theo đường Hồ Chí Minh vào Nam thì Kon Tum là đô thị đầu tiên của mảnh đất Tây Nguyên. Đất xưa cũng là chiến trường ác liệt với những tên địa danh mà chỉ nhắc tới thôi đã gợi bao nhiêu hy sinh, mất mát như Đắk Tô, Tu Mơ Rông...
2. Gần như năm nào, đến dịp 30.4, ngày thống nhất đất nước, cũng có nhiều đoàn cựu binh, hoặc những cá nhân âm thầm đi về chiến trường xưa để tưởng nhớ đồng đội và đôi khi cũng cho riêng mình.
Nhâm nhi ly càphê trong cái se lạnh của Tây Nguyên, ngắm nửa mảnh bom mà giờ đã hoá thân thành một chiến binh cô độc, thân mình đầy thương tích của ông Ẩn trong quán Eva tôi chợt nghĩ, những người lính không bao giờ cô đơn trong nỗi nhớ, niềm thương của gia đình, bạn bè, đồng đội và của quê hương đất nước của họ.
Nhìn tượng “chiến binh” của ông Ẩn, tôi nghĩ đến tượng Mẹ dũng sĩ Thanh Khê (Mẹ Nhu) ở Đà Nẵng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Đó là một trong những công trình đậm chất nghệ thuật, nặng ý nghĩa biểu trưng ở TP.Đà Nẵng. Tượng được đặt trang trọng tại ngã tư đường Điện Biên Phủ - Dũng Sĩ Thanh Khê, ngay cửa ngõ của thành phố. Công trình xây dựng từ năm 1983, hoàn thành năm 1985, cao 12m - được coi là một dấu son trong không gian văn hoá Đà Nẵng. Điều đặc biệt, cả pho tượng được làm hoàn toàn bằng… vỏ đạn đồng. Theo tác giả Phạm Văn Hạng, ông phải mất nhiều tháng để thu gom hàng chục nghìn vỏ đạn loại 150mm, 125mm, đủ để dựng khối tượng lớn như vậy.
Khi tôi tìm hiểu viết về tượng đài này, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng có giải thích lý do dùng chất liệu từ vỏ đạn đồng rất đơn giản, rằng sau giải phóng, đất nước còn nghèo, nhưng vỏ đạn bom thì vương vãi khắp nơi. “Điều đầu tiên tôi nghĩ, đó là vật liệu dễ tìm, phương án lựa chọn khả thi nhất. Mặt khác, những vỏ đạn kia đã giết bao nhiêu con người trong cuộc chiến, cũng là chừng đó nỗi đau những người mẹ, người vợ, người chị… phải gánh chịu. Hình hài của tượng Mẹ cũng chính là chứng nhân lịch sử”.
Với người nghệ sĩ, khi gom vỏ đạn để dựng tượng đài như công trình Mẹ dũng sĩ Thanh Khê của tác giả Phạm Văn Hạng hay tượng chiến binh của nghệ sĩ Nguyễn Lập Ẩn thì đều có ý nghĩa một nhân chứng lịch sử. Nó không chỉ là không gian văn hóa mang nhiều suy tưởng, mà còn luôn nhắc nhớ mọi người về giá trị của hòa bình. “Trân quý hòa bình” - một trong những ý nghĩa quan trọng của dịp lễ 30.4 cũng là vậy.
Theo THANH HẢI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm