Những 'cái nhất' không ai muốn nhận ở Ayun (Gia Lai)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo lẽ thường, vị trí thứ nhất là thứ hạng mà mọi người đều mong muốn đạt được hoặc sẽ rất tự hào khi đạt được điều đó. Thế nhưng, với người dân xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thì lại rất buồn phiền mỗi khi người khác nhắc đến cái nhất của mình… Cũng phải thôi, vì nơi đây vốn được mệnh danh là xã nghèo nhất tỉnh Gia Lai, thậm chí nghèo nhất Tây Nguyên.
 
Ayun là xã nghèo nhất tỉnh Gia Lai
Cửa nhà không cần khóa
Cách thị trấn Chư Sê 15 km, xã Ayun là một lòng chảo nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ, nó như một ốc đảo tách biệt khỏi thế giới bên ngoài bởi con đèo mang tên Tung Keng. Nơi đây có đến 98,3% người đồng bào thiểu số đang sinh sống. Xã nghèo đến mức không có nổi một cái chợ, cửa các nhà không bao giờ phải khóa vì chẳng có tài sản nào đáng giá...
Nhìn từ đỉnh đèo Tung Keng, xã Ayun hiện ra với một màu ảm đạm, héo úa của cỏ cây. Con đường độc đạo đầy những sỏi đá nhấp nhô dẫn vào xã càng làm cho nơi này thêm xa xôi, diệu vợi. Vào đến trung tâm xã, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn vách gỗ dột nát, xập xệ.
Giữa cái nắng như nung người, làng Hrung Hrang 1 vắng teo. Chỉ có vài em bé ở truồng lê lết chơi đùa dưới bóng cây kơ nia. Một vài nhóm khác, với đôi chân trần, các em bước vội trên con đường nóng dẫy để ra nương phụ giúp bố mẹ nhặt phân bò. Những người già không đi đâu được đành lặng lẽ ngồi tựa bậu cửa nhìn ra khoảng trời nắng cháy.
Buổi trưa, khi những người lớn bắt đầu đi làm về, chúng tôi ghé vào căn nhà sàn rộng chừng 18m2 của gia đình anh A Lơ (40 tuổi) ở đầu làng Hrung Hrang 1. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài vài cái nồi nhôm.
Anh Lơ giơ chiếc nồi chứng minh trong nhà hết gạo
 
Anh Lơ bảo “Nhà mình chỉ trồng được một vụ lúa Đông xuân thôi, vụ còn lại không được trồng đâu, hạn quá mà. Một năm 2 sào lúa nhà mình thu được 10 bao, ăn hết rồi đi vay nợ quán. Hằng ngày, cả nhà bốn người đều phải đi bắt cá, nhặt phân bò, đi làm thuê kiếm tiền. Hôm nay nhà mình cũng vừa hết gạo”, nói rồi anh Lơ giơ cái nồi không ra chứng minh câu nói của mình.
Rời căn nhà của anh Lơ, chúng tôi sang căn nhà dột nát không kém của gia đình chị M’Loh (38 tuổi) bên làng Hrung Hrang 2. Chị đang cho đứa con út bú, hai đứa lớn chừng 4-5 tuổi giành nhau gói mì tôm vì trưa nay nhà hết gạo.
“Nhà mình hết gạo miết miết mà. Nhà trồng có 1 sào lúa thôi. Chồng mình thường ngày đi làm thuê cho người ta. Hôm nay không có việc nên nó đi nhậu rồi. Mình thường ngày cũng đi nhặt phân bò, 2 ngày nhặt một bao bán lại cho người ta được 40 ngàn. Nhưng hôm nay đứa nhỏ bị ốm nên phải ở nhà với nó.” Chị Loh chỉ vào đứa con út giọng buồn rầu.
Vùng đất cằn khô
Nhà chị Nguyễn Thị Dung là một hộ buôn bán hàng hóa ở làng Tung Keng. Buổi trưa vắng khách, chủ nhà uể oải dọn lại mấy thứ hàng treo trên sợi dây vắt qua cửa nhà.
Chị kể: “Chỉ có tí vốn còm, mà bà con còn mua nợ từ đầu năm đến cuối năm mới trả. Thôi thì ai cũng nghèo, nên cũng đành cho họ khất. Dân ở đây còn nghèo lắm mà đất đai thì bạc màu, khí hậu thì khắc nghiệt người dân chẳng thể làm gì ngoài nhặt phân bò và làm thuê cả”. Tài sản lớn nhất của người dân xã Ayun có lẽ là đàn trâu bò, nhưng không ai dám bán lấy tiền tiêu mà như của để dành phòng lúc ốm đau, bất trắc. Hỏi sao không phát triển thêm đàn trâu, bò để có thêm thu nhập?
Ông A Lức bộc bạch: “Chừng đó là đủ rồi, nuôi thêm lấy gì cho nó ăn. Xã này hạn hán cả năm lấy đâu ra cỏ cho bò ăn chứ. Cũng có người đưa cỏ về trồng mà không có nước tưới nên cỏ cứ chết dần chứ không ra nổi lá cho trâu bò nhai”. Người xã Ayun ngoài cái ăn cái mặc, còn ngày ngày đối mặt với mối lo thiên tai hạn hán.
Toàn xã luôn đứng trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nơi đây là một vùng đất cằn khô, khắc nghiệt. Giữa lòng chảo này người dân không thể trồng được bất cứ loại cây gì ngoài lúa một vụ và củ mì cao sản. Trong đợt hạn hán vừa qua, huyện Chư Sê đã phải trích kinh phí từ ngân sách hơn 350 triệu để vận chuyển nước về “giải hạn” cho Ayun.
Vùng đất cằn khô này chỉ có thể trồng củ mì cao sản và lúa 1 vụ
 
Nói về tình hình kinh tế của xã, ông Phạm Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND xã Ayun thở dài rồi liệt kê ra một dãy các con số buồn: Ayun là một xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Toàn xã có 831 hộ với khoảng 3700 khẩu thì đến 83,4% là hộ nghèo. Trong đó, 100% người đồng bào thiểu số là hộ nghèo. Toàn xã chỉ mới đạt 8 chỉ tiêu nông thôn mới.
“Các cấp chính quyền rất quan tâm đến đời sống bà con nhưng đây là một vùng khí hậu khắc nghiệt, khó phát triển kinh tế. Trong khi đó nội lực của xã không có, chủ yếu dựa vào ngân sách của huyện nên phát triển kinh tế là việc rất khó khăn. Về lâu dài chúng tôi đang thực hiện đưa mô hình chăn nuôi tới những hộ có khả năng thoát nghèo. Phấn đấu sao cho mỗi năm trên địa bàn xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6%. Bên cạnh đó huyện cũng đang xây dựng một số đề án để phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân ở đây”, ông Thanh cho biết thêm.
Địa hình trắc trở không chỉ khiến kinh tế của xã trở nên nghèo nàn mà hành trình đến với chữ viết của con em các buôn làng cũng gian nan. Từ sau giải phóng đến nay, toàn xã chỉ có 4 người đậu tốt nghiệp THPT và 1 trường hợp duy nhất đậu đại học chính quy. Theo ông Thanh, nguyên nhân chủ yếu khiến cho tỉ lệ đậu tốt nghiệp thấp là do trường THPT ở xa nên các em học sinh có tâm lý ngại đi học. Thêm vào đó, ý thức về vấn đề học tập của gia đình và học sinh chưa cao.
Các em nhỏ tận dụng thời gian rảnh đi nhặt phế liệu
 
Chia tay chảo lửa Ayun ra về, cây cối hai bên vệ đường vẫn một màu vàng cháy, thỉnh thoảng có vài cô bé đang phụ giúp bố mẹ liền quay đi chỗ khác thẹn thùng khi bắt gặp ống kính máy ảnh. Những đứa trẻ vẫn trần truồng đùa giỡn dưới chân nhà sàn đầy bụi đất. Chẳng biết đến bao giờ cuộc sống bà con nơi đây mới thôi chông chênh?.
Nguyễn Luật (Pháp Luật VN)

Có thể bạn quan tâm