Những cảnh đời dưới chân núi Cư Bung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nơi thung lũng dưới chân núi Cư Bung (thuộc xã Ia Le, huyện Chư Pưh) có 79 nóc nhà của các hộ dân di cư tự do và xâm canh làm rẫy. Điều kiện sống ở đây rất khó khăn nên họ đang mong chờ được huyện đưa về khu tái định cư. 
Long đong phận người
Khu Cư Bung nằm cách trung tâm xã Ia Le hơn 20 km và hiện có 79 hộ dân sinh sống. Đây là những hộ di cư tự do và xâm canh làm rẫy. Để đến được nơi này, chúng tôi phải đi xe máy hơn 45 phút trên con đường đất ngoằn ngoèo.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là của ông Lê Văn Thịnh. Trong ngôi nhà nhỏ thưng ván, mái lợp tôn rộng chừng 20 m2, ông Thịnh bộc bạch: “Tôi quê ở Thái Bình. Do số phận kém may mắn nên tôi bỏ đi khắp cả nước làm ăn. Cuối cùng, tôi vào Bình Dương làm công nhân, lấy vợ, nhà cửa không có phải ở trọ. Năm 2012, khi nghe ngoài này bán lại 3 ha đất chỉ khoảng 100 triệu đồng, vợ chồng tôi chạy vạy cho đủ để mua với hy vọng cuối đời còn có mảnh đất cắm dùi. Mua xong đất, tôi chuyển ra đây ở hẳn làm rẫy còn vợ vẫn ở trong đó thuê trọ, làm công nhân nuôi 2 đứa con ăn học. Với 3 ha đất, tôi trồng hồ tiêu, điều, cây ăn quả, mì nhưng thu nhập chẳng là bao. Chỉ sướng là được ở và làm trên mảnh đất do mình làm chủ”.
Ông Lê Văn Thịnh (bìa phải) trò chuyện cùng P.V trong ngôi nhà nhỏ. Ảnh: H.S
Ông Lê Văn Thịnh (bìa phải) trò chuyện cùng P.V trong ngôi nhà nhỏ. Ảnh: H.S
Cũng theo ông Thịnh, cả khu này có 79 hộ với 262 khẩu. Trong đó có 55 hộ với 181 khẩu là di dân tự do, số còn lại là xâm canh làm rẫy. “Nơi này toàn dân tứ xứ. Họ ở thành từng cụm như: cụm người Thái ở Thanh Hóa; cụm người dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ; cụm tổng hợp gồm các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Thái Bình, Đak Lak, Đak Nông… Có hộ ở một mình trên đỉnh núi”-ông Thịnh cho hay.
Cụm 18 hộ dân tộc Thái quê huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cách nhà ông Thịnh khoảng 500 m. Ông Vi Thanh Duẩn chuyển vào khu Cư Bung từ năm 2013. Ông chia sẻ. “Năm 2012, con trai tôi là Vi Văn Khải vào đây mua được 3 ha đất với giá 90 triệu đồng. Thấy đời sống trong này đỡ hơn ngoài quê, vợ chồng tôi cùng mấy đứa con cũng chuyển vào mua đất làm rẫy”.
Cách nhà ông Thịnh chừng 1 km là nơi ở của những hộ người miền Tây Nam Bộ. Đói nghèo khiến họ phải từ bỏ quê hương đến vùng đất mới mưu sinh. Anh Lê Hoàng Minh (quê huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) kể: “Chúng tôi đi khắp nơi làm ăn rồi nhưng chẳng ra sao. Trên này đất rộng, dù còn khó khăn nhưng đỡ hơn ở quê”.
Ngóng ngày về khu tái định cư 
Mùa này, thung lũng dưới chân núi Cư Bung nóng như lửa đốt. Mặt đất khô cứng. Cây cối héo quắt vì thiếu nước. Gió ràn rạt thổi cuốn theo bụi đất bay mù trời. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà các hộ dân di cư tự do, ông Thịnh ngậm ngùi: “Tất cả các hộ dân ở đây đều dùng nước hồ tự đào để tưới cây và giặt giũ; còn ăn uống thì mua nước bình đóng chai. Đường sá không có nên nông sản làm ra bị ép giá. Trường học, trạm y tế cũng không có. Chợ xa nên một tuần chúng tôi đi mua sắm thức ăn 1 lần”.
Gia đình anh Vi Văn Khẩn di cư tự do vào khu Cư Bung từ năm 2012. Ảnh: H.S
Gia đình anh Vi Văn Khẩn di cư tự do vào khu Cư Bung từ năm 2012. Ảnh: H.S
Ở khu dân di cư tự do này có 40 đứa trẻ. Anh Vi Văn Khải cho biết: “Ở đây chỉ có 20 đứa đi học, chủ yếu là ở bậc tiểu học. Con cái đi học khó khăn quá. Nhà tôi không muốn con thất học nên thuê một ngôi nhà ở bên xã Chư Phả (huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak) rồi vợ tôi qua đó ở nuôi 2 đứa con ăn học, cuối tuần chở nhau về lấy lương thực, đầu tuần sang lại. Vợ chồng em gái tôi thì gửi con về quê ở với ông bà nội để đi học”.
Nhằm giúp các hộ di dân tự do ở Cư Bung có cuộc sống ổn định hơn, huyện Chư Pưh đã xây dựng dự án di dời 55/79 hộ ra định cư ở làng Ia Brêl, xã Ia Le. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 6 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho biết: “Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng xong dự án di dời 55 hộ dân khu Cư Bung và đang trình UBND tỉnh xem xét. Khu vực đó có 79 hộ dân sinh sống, làm rẫy nhưng qua rà soát thì chỉ có 55 hộ đủ điều kiện được chuyển về khu tái định cư. Trong số này, có 54 hộ đã đồng ý ra khu tái định cư”.
Cuộc sống của di dân Cư Bung còn nhiều khó khăn. Ảnh: H.S
Cuộc sống của di dân Cư Bung còn nhiều khó khăn. Ảnh: H.S
Những người dân ở khu Cư Bung đang khấp khởi mong chờ ngày được chuyển về khu tái định cư. Chị Vi Thị Chon bộc bạch: “Khi nghe được chuyển ra khu tái định cư mới ở làng Ia Brêl, dân trong này mừng lắm. Được ra đó ở sẽ thuận tiện cho việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày và cho con cháu học hành. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm triển khai dự án”.
Theo ông Lê Văn Thạch-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pưh: “Huyện đã trích hơn 430 triệu đồng mua 2,6 ha đất tại làng Ia Brêl để làm khu tái định cư cho các hộ dân di cư tự do ở xã Ia Le. Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương san ủi mặt bằng, xây dựng đường giao thông khu tái định cư, đường giao thông ra khu sản xuất; còn các hạng mục khác sẽ đầu tư bằng nguồn vốn khác. Hiện nay, chúng tôi đang chờ ý kiến của lãnh đạo tỉnh”.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm