Những câu chuyện buồn trong bệnh viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những khuôn mặt đau khổ, những ánh mắt trĩu nặng âu lo, những câu chuyện buồn đến tái tê lòng. Đấy là những điều dễ dàng nhìn thấy từ người thân của những nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Mỗi vụ tai nạn giao thông đều để lại những nỗi đau khôn nguôi. Ảnh: Tiến Dũng
Mỗi vụ tai nạn giao thông đều để lại những nỗi đau khôn nguôi. Ảnh: Tiến Dũng

Gần một tuần đã trôi qua song khi nhắc lại vụ TNGT của cậu con trai, ông Nguyễn Hội (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông kể, tối 12-11, vợ chồng ông đang ở nhà thì có người gọi điện đến báo tin con trai ông-em Nguyễn Ngọc Cầm-gặp nạn trên đường đi học thêm về và hiện đã được người dân đưa tới Khoa Cấp cứu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Vội vàng chạy ra bệnh viện, vợ chồng ông như chết lặng khi thấy con trai mình máu me đầm đìa, nằm bất động trên băng ca. Sau hơn một ngày sống trong tâm trạng lo sợ, vợ chồng ông Hội thở phào khi thấy con trai mình tỉnh lại. Thế nhưng cảm giác âu lo về những ngày sắp tới thì vẫn còn đó, nhất là khi mấy ngày nay Cầm thường xuyên bị cơn đau đầu hành hạ, hậu quả của việc chấn động não sau vụ tai nạn.

Ông Hội tâm sự: “Chỉ còn 2 tuần nữa là thi học kỳ (Cầm đang học lớp 12 Trường THPT Pleiku-P.V), chẳng biết nó có theo kịp được không? Cũng chẳng biết vết thương ở đầu có để lại biến chứng gì không nữa?”. Buồn lo là vậy nhưng ông Hội ít nhiều vẫn cảm thấy chút an ủi: “Nhìn những ca TNGT nhập viện liên tục mấy ngày qua mới thấy con mình còn may mắn”.
 

Ảnh: Tiến Dũng
Ảnh: Tiến Dũng

Kể ra thì con trai ông Hội đúng là vẫn còn may mắn, ít nhất là so với trường hợp anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế). Theo ông Nguyễn Văn Hùng, bác ruột anh Tuấn (trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho biết: Cách đây gần một năm, anh Tuấn từ quê vào Chư Sê ở nhờ nhà một người bà con để đi làm thợ hồ. Chập tối 16-11, trên đường đi làm từ xã Ia Hlốp về, anh Tuấn và người em họ bị một chiếc xe máy tông vào. Thấy hai thanh niên ngã xuống đường bất tỉnh, người gây tai nạn hoảng sợ vứt xe bỏ chạy. Hơn một tiếng đồng hồ sau vụ tai nạn, gia đình mới biết tin và chạy đến hiện trường đưa anh Tuấn đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Chư Sê. Sau khi sơ cứu, nhận thấy vết thương quá nặng, ngay trong đêm, gia đình phải tức tốc đưa anh Tuấn lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo hồ sơ bệnh án, anh Tuấn nhập viện trong tình trạng tỉnh chậm, nôn mửa, sưng bầm vùng mắt trái, chảy máu mũi và có vết thương ở vùng trán. Kết quả chụp CT của Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác định, anh Tuấn bị tụ máu ngoài màng cứng thái dương đỉnh bên trái, dập não trán bên trái và vỡ lún sọ trán.

Sau ca phẫu thuật tiến hành ngay trong đêm, anh Tuấn đã qua được cơn nguy kịch. Nhưng chưa bàn đến chuyện anh Tuấn sẽ hồi phục được đến đâu, chỉ riêng chuyện tiền bạc để chữa trị cho anh trong những ngày sắp tới cũng đã là gánh nặng quá lớn đối với gia đình và người thân của anh.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, gia đình anh Tuấn ở quê rất vất vả, bố bị tai biến nằm một chỗ, mẹ bị bệnh tim không còn khả năng lao động. Anh Tuấn có một người anh, hai người chị đã lập gia đình và ở riêng nhưng gia cảnh người nào cũng khốn khó. Trong khi đó, họ hàng của anh Tuấn ở Chư Sê cũng chẳng ai khá giả gì. “Hôm Tuấn phẫu thuật, do quá gấp nên gia đình phải khất nợ đợi bà con ở Chư Sê gom góp tiền bạc mang lên sau. Còn bây giờ, chúng tôi đang thông báo cho bà con, họ hàng quyên góp giúp đỡ để cho Tuấn nằm điều trị”-ông Hùng chia sẻ.

Những câu chuyện buồn như trên là điều quá dễ dàng bắt gặp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo một lãnh đạo Bệnh viện, hầu như không ngày nào bệnh viện không phải tiếp nhận những ca liên quan đến TNGT, ngày ít thì 5-6 ca, ngày nhiều có khi lên đến ba bốn chục ca. Trong số này, khoảng 80% có biểu hiện sử dụng rượu bia. Đa phần các nạn nhân của TNGT nhập viện đều rơi vào các chấn thương nặng như: chấn thương sọ não, gãy chân, gãy tay, chấn thương vùng ngực, bụng… Cũng vị lãnh đạo này cho biết, nhiều gia đình bệnh nhân khó khăn đến mức không có khả năng chi trả tiền cấp cứu, điều trị cho người thân. Những trường hợp đó, bệnh viện phải tự bỏ ngân sách ra để thanh toán. Tuy vậy, đối với tất cả các ca TNGT, dù có người nhà hay không, bệnh viên cũng vẫn tiến hành cấp cứu.

Chỉ một buổi chiều có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chứng kiến những đau đớn về thể xác mà những nạn nhân của TNGT phải chịu đựng, sự lo lắng, khó khăn mà người thân của họ đang trải qua, dễ hiểu tại sao TNGT lại được coi là một thảm họa. Không kể những người đã tử nạn, ngay cả những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần thì những thương tật do TNGT gây ra cũng trở thành nỗi ám ảnh suốt đời. Bên cạnh đó, TNGT còn đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ về kinh tế, tổn thương về tinh thần.

Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm