Phóng sự - Ký sự

Những cây tiêu "khủng" ở Tiên Phước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dây tiêu, cây tiêu thường chỉ to cỡ ngón tay, cho năng suất cao ở tuổi dưới 10 năm.

Nhưng ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam có ông Nguyễn Văn Lăng ở xã Tiên Hiệp trồng được những gốc (choái) tiêu nay 41 năm tuổi, thân to bằng bắp tay người lớn.

Đó là giống tiêu bản địa, gọi là hồ tiêu Tiên Phước. Hiện 1 kg hồ tiêu Tiên Phước có giá 600.000 đồng/kg, trong khi giá tiêu thường chỉ khoảng 100.000 đồng/kg khô bán tại vườn.

Điều đặc biệt là giống hồ tiêu này tưởng đã tuyệt chủng, may mà ông Lăng gầy giống được.

 

Ông Lăng bên choái (gốc) tiêu 41 năm tuổi, to như bắp tay người lớn.
Ông Lăng bên choái (gốc) tiêu 41 năm tuổi, to như bắp tay người lớn.

Vườn tiêu gốc

Ông Lăng chỉ vườn tiêu nói: đã 41 tuổi rồi đó! Ông kể năm ngoái khi đến đây, GS.TS Nguyễn Thanh Bình ở Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam thấy mấy dây tiêu to, rắn chắc như dây chảo thừng "đã gọi vườn tiêu của tui là vườn tiêu gốc".

Bò quanh cây chủ là lồng mức, những dây tiêu của vườn ông Lăng có đường kính bằng bắp tay, bò cao tới 10m.

Leo cao, xây rộng, có tuổi đời lớn, những dây tiêu Tiên Phước của ông Lăng luôn cho năng suất cao: từ 30 năm nay, mỗi năm bốn gốc tiêu cố cựu này cho từ 8-10kg tiêu khô/gốc.

Ngoài bốn gốc tiêu cao niên đầy sức sống, trong vườn tiêu 400 choái của ông Lăng còn 40 gốc có tuổi 20 năm.

Mỗi năm ông thu chừng 200kg tiêu khô Tiên Phước. Cái hạn chế của tiêu Tiên Phước là năng suất thấp nhưng thơm và chắc hạt.

Ông Tống Phước Thuần - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước - cho biết vườn tiêu của ông Lăng được coi là có tuổi thọ cao nhất ở huyện Tiên Phước hiện nay, được các nhà nông học nhiều nơi đến tham quan, tìm hiểu.

Việc nhiều năm nay ông Lăng cung cấp tiêu giống thuần chủng cho người trồng tiêu ở Tiên Phước và các huyện lân cận được coi là một thành tựu về nông nghiệp của địa phương trong bảo tồn, phát triển một loài bản địa có giá trị cao.

Chăm tiêu như chăm người

Trước đây đã có lúc người ta tưởng giống tiêu Tiên Phước bị tuyệt chủng, bởi có một giai đoạn không hiểu sao cứ giâm xuống một thời gian là dây lụi đi. Người dân địa phương dù quý giống tiêu nhưng nhiều người cũng nản lòng bỏ cuộc.

Ông Lăng lúc đó cũng vậy nhưng ông không nản. Ông tự mày mò tìm cách nuôi cây. Sau đó ông phát hiện cách chăm sóc hết sức đơn giản, tiêu lại khỏe mạnh và xanh tốt.

Ông kể một giáo sư nông học chuyên về hồ tiêu khi dẫn đoàn tập huấn kỹ thuật trồng hồ tiêu đến tham quan vườn của ông đã khuyên ông nên bón thêm dinh dưỡng cho tiêu vì thấy chúng không mấy được tươi tốt. Ông nghe nhưng không làm theo.

 

Cây giống non nảy mầm từ gốc

Ngọn (lương) giống mọc từ những gốc tiêu già là nguồn cây con dồi dào.
Ngọn (lương) giống mọc từ những gốc tiêu già là nguồn cây con dồi dào.
Những ngọn tiêu nảy ra từ gốc và bò trên mặt đất được gọi là lương, bò dày mặt đất chỗ gốc mẹ. Đây chính là nguồn ngọn giống ông Lăng bán ra từ hơn 20 năm nay.

"Tui mới cắt ngọn ở một gốc tiêu lớn bán được 7 triệu đồng hồi tháng trước. Mỗi ngọn dài từ 7 tấc đến 1m, giá 10.000 đồng" - ông cho biết.

Theo ông Lăng, vườn tiêu quý của ông nhân ra được chừng này, dây nào cũng khỏe mạnh là do được... cho ăn ít.

"Không nên cho dây tiêu ăn nhiều, tức là mình không vô (bón) phân nhiều. Cũng như con người, ăn thúc thì dễ mập nhưng cũng dễ sinh nhiều bệnh, chết sớm thôi". Ông nói: dục tốc bất đạt, làm gì cũng hợp lý mới có hiệu quả. Để có được kinh nghiệm này, rất nhiều dây tiêu của ông trước đó đã chịu... chết sớm.

Ông cũng có cách chăm vườn tiêu khác lạ: không dùng các chế phẩm nông nghiệp mà tự tay làm phân chuồng bón cho cây.

Từ ngày trồng tiêu đến nay đã 40 năm, vườn tiêu khởi đầu từ bốn choái rồi nay là 400 choái của ông không bị bệnh tật.

Dù được khuyến khích sử dụng các chế phẩm hữu cơ sinh học nhưng ông vẫn chưa dùng đến vì "mình làm theo cách ông cha mình đã làm, cũng như tự tìm ra được cái tính nết của dây tiêu Tiên Phước trên cái đất Tiên Phước quê mình, chưa cần dùng tới những loại sản phẩm khác".

Ông Lăng vừa làm vừa mở rộng vườn tiêu với một mong muốn: "Mình vừa sẵn có đất vườn, sẵn có choái, có giống, sẵn có kinh nghiệm mà không trồng thêm thì uổng lắm. Mình làm cũng là để bà con tới coi ngó, rút tỉa kinh nghiệm, không để giống tiêu quý bị thất truyền".

Huỳnh Văn Mỹ/tuoitre

Có thể bạn quan tâm