Phóng sự - Ký sự

NHỮNG "CHIẾN BINH" CHỐNG NCOV (*): Trắng đêm chờ âm tính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
30 y - bác sĩ Khoa Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy đã chữa thành công cho 2 cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (nCoV) đầu tiên phát hiện tại Việt Nam.
"Làm việc tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã 15 năm, nhiều lần chứng kiến cảnh bệnh nhân nhập viện rồi khỏe mạnh, xuất viện. Nhưng lần này, cảm giác tôi không thể diễn tả bằng lời vì niềm vui này không chỉ riêng tôi mà còn là của cả tập thể trong cuộc chiến chống lại virus corona" - nữ điều dưỡng Trần Thị Hải (SN 1980) rưng rưng nước mắt, nói.
Lơ con để chống dịch
Có 2 con nhỏ, chị Hải vừa chăm sóc cho gia đình trọn vẹn niềm vui ngày Tết vừa sắp xếp công việc chia sẻ cùng đồng nghiệp. Khi nghe có bệnh nhân nhập viện do mắc virus corona chủng mới chưa thuốc đặc trị, chị cũng hơi run. Thế nhưng, nỗi lo ấy bị guồng công việc cuốn đi. Chị lo canh giờ giấc chăm sóc; cho bệnh nhân ăn uống, cho thuốc đúng thời gian như bác sĩ (BS) đã kê. Mỗi lần vào chăm sóc cho bệnh nhân, khi ra ngoài, các điều dưỡng phải tắm gội rất kỹ, có đêm chị phải tắm đến 5 lần.
Một trong những khó khăn khi chăm sóc bệnh nhân là sự bất đồng ngôn ngữ. Ban đầu, anh Li ZhiChao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) còn điều trị thì anh giao tiếp bằng tiếng Anh, có thể nói chuyện với điều dưỡng, bác sĩ. Khi anh xuất viện, ở bệnh viện còn người bố chỉ biết tiếng Trung Quốc. Lúc này bắt đầu xảy ra vài trục trặc nhỏ.
"Nhưng không sao, tụi tôi dùng hết khả năng sẵn có, quơ tay quơ chân giao tiếp với ông cụ. Vậy mà ông cụ cũng hiểu, cũng làm theo. Nếu khó quá thì tụi tôi dùng Google dịch, miễn sao cụ hiểu là thành công rồi" - chị Hải chia sẻ.
Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bộ đồ bảo hộ rất nặng, khẩu trang chuyên dụng cũng kín đến nỗi đôi khi các điều dưỡng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Thế nhưng, họ đã lần lượt vượt qua mọi nỗi lo, những khó khăn để chăm lo chu toàn cho người bệnh. Và trái ngọt đã thu hái khi kết quả xét nghiệm 2 cha con hoàn toàn âm tính với virus corona.
Còn điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm phải mặc kín đồ bảo hộ để vệ sinh, chăm sóc cho bệnh nhân lớn tuổi. Mỗi lần vào phòng cách ly, anh ở cùng bệnh nhân suốt 10 giờ để phục vụ việc truyền thuốc, ăn uống, tắm rửa cho bệnh nhân.
Khi chăm sóc bệnh nhân, phòng cách ly là nơi có thể dễ dàng nhiễm bệnh nên điều dưỡng, BS vào chăm sóc bệnh nhân phải cảnh giác cao độ. Là một người cha, đôi lúc sau ca làm việc, anh Tâm muốn ôm con, hôn con nhưng trong thời gian điều trị cho bệnh nhân, anh đành lơ đi cảm giác ấy. Cũng như bao điều dưỡng khác, anh Tâm cũng nghẹn ngào khi chứng kiến anh Li ZhiChao cầm bó hoa và được trao giấy chứng nhận xuất viện từ BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy.
"Chỉ cần như vậy là quá vui rồi, bệnh nhân xuất viện trở về với cuộc sống bình thường là điều tụi tôi mong mỏi. Đó còn là động lực cho tôi làm việc và sẵn sàng ứng phó nếu có bệnh nhân tiếp theo vào điều trị" - anh Tâm nói.
Khoảnh khắc thót tim
Gần 3 giờ ngày 7-2, tài khoản Facebook "Huu Khanh Truong" đăng một status "Phụ huynh phòng cách ly trước vào rất căng thẳng - sau khi ổn định hỏi bé thế nào: "Ở đây sướng lắm bác, một mình một phòng không ai làm phiền, bé ngủ rồi". Âm tính rồi".
Ít ai biết trước status đó là một đêm đầy hồi hộp của BS Trương Hữu Khanh, người điều hành Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 và cũng là nhân vật chủ chốt trong công tác tiếp nhận cách ly - điều trị bệnh nhân nghi nhiễm nCoV cùng rất nhiều đồng nghiệp tại BV.
Người họ hướng về là một cháu bé mới 8 tháng tuổi, một ca được đánh giá là oái oăm. Ban đầu bé nhập viện một khoa khác nhưng sau khi khai thác bệnh sử, mới lộ ra bé là đối tượng nguy cơ, với các triệu chứng bệnh hô hấp rất giống bệnh do virus cornona chủng mới. Bé nhập vào Khoa Nhiễm lúc chiều tối. Sau các thủ tục ban đầu, mẫu được chuyển tới Viện Pasteur TP HCM. Khuya hôm ấy, kết quả được thông báo về BV Nhi Đồng 1.
"Tất nhiên ban đầu tôi phải báo cáo trong hệ thống trước, rồi báo cho phụ huynh, mọi việc xong xuôi mới có thời gian lên Facebook báo cho cộng đồng. Đây là bé thứ 3 nghi nhiễm virus corona mới được đưa vào cách ly tại BV chúng tôi, may mắn cả 3 đều âm tính. Có thể nói, một kết quả âm tính là sự chờ đợi lớn của nhiều người, của cha mẹ các bé, của nhiều người thân không may đã tiếp xúc bệnh nhi, của các BS chúng tôi và của cả xã hội" - BS Khanh bộc bạch.
Anh cũng là người giữ tổng đài tư vấn về virus corona của BV Nhi Đồng 1, mỗi ngày vài chục cuộc bất kể giờ giấc. Đôi khi, nghe giọng anh qua điện thoại, trong những cuộc phỏng vấn vội mà nghĩ anh có lẽ đang nghe bên hành lang Khoa Nhiễm, chúng tôi biết anh mệt. Nhưng anh vẫn trả lời, vẫn nhận lời "lên sóng", vẫn dành thời gian cập nhật những dòng trạng thái phân tích đúng, đủ về những thông tin quan trọng lên Facebook cho cộng đồng, quan trọng hơn là túc trực bên các ca cách ly. Bởi lẽ, là người kinh qua nhiều cuộc chiến chống chọi với đại dịch, anh hiểu hơn ai hết vai trò của truyền thông sức khỏe, giúp người dân biết cách tự bảo vệ.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), thì không quên được chiều mùng 8 Tết vừa rồi, khi ông nhận được cuộc gọi thông báo âm tính, rồi thông báo lại với các đồng nghiệp. "Ai cũng vui chứ không chỉ gia đình bệnh nhân!" - BS Tiến nói.
Mùng 7 Tết, BS Tiến, người nhận nhiệm vụ điều hành chủ chốt khi có ca nghi nhiễm nCoV yêu cầu nhập viện, đã nhận được cuộc gọi từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho ngoại kiều International SOS về một gia đình 5 người quốc tịch Pháp, trong đó có 3 người nghi nhiễm là người mẹ và 2 trẻ lớn. Mọi quy trình được vận hành trơn tru, vì BV này từ khi nhận nhiệm vụ là 1 trong 5 nơi tiếp nhận điều trị cách ly người nghi nhiễm nCoV, đã xây dựng đầy đủ từ hệ thống phòng cách ly áp lực âm cho đến lối đi riêng cho các ca nghi nhiễm. Mọi thứ đã sẵn sàng từ trước Tết âm lịch.
Tuy nhiên, ít ai biết, để phòng xa, cho dù mọi quy trình đều vận hành hoàn hảo, nhân viên y tế được bảo hộ đúng chuẩn khi tham gia tiếp nhận và điều trị cách ly, nếu bệnh nhân dương tính, toàn bộ các BS, điều dưỡng đó vẫn bị cách ly! Vì vậy, âm tính đồng nghĩa với việc hàng loạt nhân viên y tế thở phào nhẹ nhõm và được về với gia đình. 
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-2
Theo Phạm Dũng - Anh Thư (ThanhNiên)

Có thể bạn quan tâm