Phóng sự - Ký sự

Những chuyến "mở rừng" đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Mở rừng" cho một năm đầy hoa trái xung quanh ngọn núi Đắk Glong luôn được chuẩn bị tươm tất với một tinh thần phấn khởi, hào hứng. Chuyến đi khai xuân trong cái gió, cái nắng hanh hao ngập tràn mùi đất, mùi lá khô, mùi cỏ cây...
1. Núi rừng Đắk Glong (Đắk Nông) trong những ngày đầu xuân dường như đang thay áo. Cây cối trút lá xác xơ, tiêu điều để bắt đầu đón mùa đâm chồi nảy lộc. Trên con đường dẫn vào các xã Đăk Som, Đắk Rmăng, từng đoàn xe máy của thanh niên nam nữ vun vút đi chơi xuân.
Các chàng trai cố tỏ ra người lớn qua tiếng nói vỡ giọng ồm ồm, còn các thiếu nữ luôn ngại ngùng, e ấp, lấy tay che miệng chẳng dám cười. Cái không khí hò hẹn ngây ngô ấy lại là đích đến rất chóng vánh của những cuộc tảo hôn ở núi rừng này.
 
Những chuyến "mở rừng" đầu xuân mang ý nghĩa rất quan trọng.
Chỉ sau một lần chạm mặt ở chợ phiên, Thào Seo Bền đã kéo được cô gái 16 tuổi về làm vợ. Xuân này, cả hai đã chào đón đứa con gái đầu lòng. Bền làm bố ở tuổi 20. Mùa màng thất bát, giá cà phê, hồ tiêu lao dốc nên vợ chồng Bền ăn xong ba ngày Tết là dừng lại, không dám đi chơi xa.
Vợ ở nhà ru con ngủ, còn Bền đeo gùi lên rừng săn chuột. Chuột rừng luôn là món ăn khoái khẩu của đồng bào Mông và là đặc sản trên bàn nhậu. Những chú chuột săn về, Bền làm sạch, treo lên gác bếp cho khô rồi cuối tuần mang ra chợ phiên Đắk Rmăng bán với giá 50 ngàn/con. Chuyến "mở rừng" đầu năm, Bền kiếm được 5 chú chuột rừng, thu về 250 ngàn. Bền cho biết, mùa khô từ tháng Chạp đến 6 là thời điểm chuột rừng thường ra rẫy sắn của người dân tìm cái ăn nên đặt bẫy rất dễ.
Nghề săn chuột rừng đã nuôi sống cả gia đình của Bền trong những tháng giáp hạt. Đồ nghề săn chuột của Bền là hơn chục cái bẫy được chắp nối từ các thanh sắt vụn mua ở chợ với giá vài chục ngàn cùng vài củ sắn làm mồi. Bền vào rừng từ 5 giờ sáng cho tới 6 giờ chiều mới về. Hôm nào không có chuột thì Bền tranh thủ kiếm rau rừng và chặt bó củi về cho vợ nấu cơm.   
Bố mẹ Bền di cư từ Điện Biên vào Đắk Glong từ năm 2007. Cũng như những người đồng hương Tây Bắc, họ mang vào Tây Nguyên nét văn hóa truyền thống, trong đó, nghề đi rừng vẫn còn phổ biến. Với người Mông, cho dù ở đâu thì cuộc sống không thể tách khỏi núi rừng vì rừng cho thức ăn, nước uống và không khí trong lành.
Ông Giàng A Mu (58 tuổi), một người Mông di cư từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn bám rừng mà sống. Hằng ngày, ông A Mu đi vào rừng hái thuốc, tìm nấm. Ông đi để thỏa nỗi nhớ rừng chứ rừng bây giờ nghèo nàn sản vật lắm rồi. Rừng Tây Nguyên đã bị thu hẹp, lâm tặc và thợ săn ngày đêm rình mò hòng tàn phá rừng.
Ông A Mu cho biết, cứ qua một mùa xuân là người Mông phải làm lễ cúng rừng. Giữa bạt ngàn cây rừng nhưng bà con không ai dám chặt dù là một cây gỗ nhỏ để lấy đường đi mà chỉ cúi men theo lối mòn. Trước khi tổ chức lễ, già làng đến báo cáo với kiểm lâm chặt vài cây lồ ô để đựng thực phẩm trong lễ cúng.
 
"Lộc rừng" nhà ông A Mu đi hái về được phơi khô mang ra chợ phiên Rmăng bán.
Củi để nướng thịt cũng được bà con đi nhặt củi khô về nhóm lửa. Họ tuyệt đối không đụng vào bất cứ một cây sống nào của rừng bởi họ quan niệm nhựa cây chính là máu của thần linh. Máu đổ tức là thần linh nổi giận và sẽ trừng phạt nghiêm khắc. Nhờ quan niệm huyền bí ấy mà người Mông giáo dục con cháu ý thức bảo vệ rừng rất cao.
Lễ cúng rừng được tổ chức ngay trong khu rừng già. Tại vị trí một gốc cây cổ thụ tỏa bóng mát rợp trời, bà con tập trung từ sáng sớm, dọn dẹp sạch sẽ xung quanh gốc cây để lập một bàn thờ đặt mâm lễ vật cúng rừng. Lễ vật dâng thần rừng gồm 2 con gà sống, xôi nếp thơm, rượu, tiền vàng, gạo, trầu cau, thuốc lào...
Người chịu trách nhiệm chính trong lễ cúng rừng là thầy cúng. Thầy cúng phải là bậc cao niên và am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán của địa phương, được dân làng kính trọng, tín nhiệm. Trước khi tiến hành bài cúng, thầy cúng thắp hương, thắp đèn, rót rượu, mọi người đứng nghiêm trang chắp tay phía trước bàn thờ.
Trong bài khấn, thầy cúng nói những lời tạ ơn công đức của thần rừng quanh năm bao bọc, chở che và ban cho con người nguồn sống. Đồng thời, thầy cúng còn thay mặt cho dân làng nói lên quyết tâm sẽ bảo vệ rừng thiêng của bản, hằng ngày gìn giữ, chăm sóc và trồng thêm nhiều cây con, quyết tâm không phá hoại rừng. Bài cúng còn chứa đựng ước mong về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
2.Sau lễ cúng rừng, những người sống bám rừng như ông Giàng A Mu, Thào Seo Bền, bà Giàng Thị Son... sẽ thực hiện chuyến "mở rừng". Trong chuyến đi rừng đầu tiên của năm mới, họ bắt buộc phải mang một nắm cơm gói vào lá chuối và một chai rượu ngô tự nấu để cùng ăn cơm, cùng uống rượu với "thần rừng".
Mùa này rừng đang thay lá, ông A Mu đi đào vài loại rễ cây về làm thuốc và ngâm rượu, trong đó không thể thiếu loại rễ cây dùng để ủ rượu cần. Theo ông A Mu, nguyên liệu làm men rượu cần không thể thiếu loại rễ, thân và lá của cây này. Nhưng đây là bí mật nên ông không thể tiết lộ cho người ngoài biết.
Loại cây này phải lấy vào mùa xuân, thời điểm đẹp nhất là ngày "mở rừng" thì ché rượu cần ấp ủ mới thơm ngon được. Một số loại củ và rễ khác dùng để ngâm rượu chữa bệnh thì ông A Mu mang ra chợ phiên Đăk Rmăng bán. Mặt hàng ông bán chỉ những người am hiểu về thảo dược mới mua.
Ở chợ phiên Đăk Rmăng, có lẽ bà Giàng Thị Son là người duy nhất bán mỹ phẩm... rừng. Gùi mỹ phẩm của bà Son chỉ toàn là thân, rễ, lá, hoa, quả của một số loại cây rừng. Tác dụng của loại mỹ phẩm này theo quảng cáo của bà Son thì giúp tóc đen tự nhiên, làn môi đỏ mọng mềm và da mặt căng tràn, láng bóng.
Người mua phải mang về nhà tự chế tạo bằng cách đun, nấu, xông... Mặt hàng của bà Son, cũng chỉ những người có kiến thức, am hiểu về cây rừng mới dám mua. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn một tiếng, gùi mỹ phẩm của bà Son hết veo.
Bà Son quê ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Khi Nhà nước làm thủy điện Sơn La, gia đình bà cũng như hàng trăm hộ gia đình khác của bản phải rời tới nơi tái định cư. Vì đất đai ít, lại xa rừng nên con cái của bà quyết định đưa cha mẹ di cư vào Tây Nguyên.
 
Chợ phiên Đắk Rmăng mang hồn cốt văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Bắc tại Tây Nguyên.
Nhà bà Son mua rẻ được 2ha đất ngay tại bìa rừng xã Đắc Som. Như hổ được về với rừng, vợ chồng bà Son hồ hởi làm bạn với những người anh em nơi ở mới. Con cái trồng cà phê, cấy lúa, vợ chồng bà Son duy trì thói quen đi rừng như vốn dĩ họ thuộc về nơi này. Ông săn bắt, bà hái lượm. Cuộc sống ở khu rừng mênh mông Tà Đùng đã khiến hai con người cảm thấy thỏa mãn, thấy chẳng có gì hối tiếc về quyết định li hương của con cái.
6 năm sau, ông già qua đời sau một cơn bạo bệnh. Bà Son buồn mất hơn một năm rồi cũng xốc lại tinh thần, nghĩ là ông đã về với các bậc thần rừng, về với "Giàng", rồi ông sẽ vẫn dõi theo từng bước chân của bà Son để mà phù hộ.
Nắm giữ bí mật thảo dược làm đẹp, bà Son đang muốn truyền lại cho con dâu vì sợ một ngày nào đó mình nằm lại giữa cánh rừng thì sẽ mất đứt bài thuốc tuyệt vời. Nhưng khổ nỗi cô con dâu không mặn mà gì với cái nghề "nghèo rớt mồng tơi" của mẹ chồng. Cả tuần đi rừng, thêm 3 ngày phơi phóng, hong sấy bà Son mới có một chuyến ra chợ.
Bán hết gùi mỹ phẩm bà thu về 500 ngàn đồng, mỗi tháng bà chỉ kiếm được 2 triệu. Nhưng bà lại rất vui, nằng nặc không chịu ở nhà mặc dù con cái khuyên nhủ hết lời. Với người đàn bà quanh năm bám rừng, yêu rừng như máu thịt thì được là "sơn nhân" chính là lẽ sống, niềm vui lớn nhất của cuộc đời.
Những lần chợ phiên mở, bà Son được gặp bao nhiêu đồng hương, được thưởng thức bát mèn mén ăn với óc đậu do chính người quê mình làm ra. Cái hương vị hạt ngô thấm mồ hôi của núi đá, không thể lẫn vào đâu được, thơm ngon đến ngỡ ngàng. Bà còn mua được tấm vải thổ cẩm của đồng bào Mông về dệt khăn, may áo mặc cho ngày lễ.
Bà Son tâm sự, mỗi lần đi chợ phiên Đắk Rmăng, bà như được hòa vào cuộc sống của quê hương Tây Bắc, nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nó mới ấm áp làm sao. Chính điều đó đã khiến bà mê mệt với chợ phiên, chỉ ước có thật nhiều thứ mang đi bán.
Xuân này, bà Son đã bước sang tuổi 65 nhưng trông trẻ nhiều so với tuổi. Mồng 6 Tết bà "mở rừng" hái lộc. Đôi chân bà phăng phăng trèo núi, lội suối, đôi tay vẫn khỏe khoắn đào rễ, chặt cành. Người ta bảo, bà là "phù thủy" của cái đẹp, bà chế ngự được tuổi tác, điều khiển được sức khỏe...
Ngọc Thiện (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm