Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những cô giáo say mê "nghiệp viết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày đứng trên bục giảng, đêm miệt mài bên giáo án, thế nhưng, nhiều nữ nhà giáo trẻ vẫn tranh thủ thời gian để viết báo, sáng tác văn chương. Ngoài thỏa mãn đam mê của bản thân, các cô còn mong muốn lan tỏa lối sống tích cực, tình yêu quê hương cho học trò thông qua các trang viết.

1. Chị Tạ Ngọc Điệp-Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) là cái tên khá quen thuộc với giới văn chương và báo chí tỉnh nhà. Chị chia sẻ, từ nhỏ, bản thân có sở thích viết nhật ký, blog yahoo nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sáng tác văn chương hay viết bài cộng tác với các tờ báo, tạp chí. Cơ duyên đầu tiên đưa chị đến với “nghề tay trái” là năm 2004, khi đang theo học chuyên ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Lao động Xã hội. “Thời điểm đó, nhà trường tổ chức cuộc thi viết về chủ đề sinh viên năm nhất và cuộc sống xa nhà. Tôi đã chọn viết một lá thư gửi mẹ để tham gia dự thi. Tác phẩm sau khi đạt giải được nhà trường gửi đăng trên báo Hoa Học Trò. Mãi đến khi tòa soạn gửi báo biếu kèm nhuận bút về trường, tôi mới biết và cảm thấy rất vui. Các bạn tôi chuyền tay nhau tờ báo để đọc, còn tôi thì photocoppy bài viết gửi về tặng mẹ”-chị Điệp nhớ lại.

Chị Tạ Ngọc Điệp tại lễ trao giải cuộc thi viết “Về nhà” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn-Chi nhánh miền Nam phối hợp cùng Cổng thông tin điện tử vanvn.vn (Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Ảnh nhân vật cung cấp


Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2009, chị Điệp nhận công tác tại Văn phòng UBND huyện Mang Yang rồi chuyển về Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Thời gian này, trên cương vị Bí thư Chi Đoàn Hội Chữ thập đỏ-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chị có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những người làm báo, viết văn. Năm 2010, được người bạn là phóng viên động viên và hỗ trợ, chị Điệp mạnh dạn gửi bài tạp bút cho Báo Gia Lai nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 với tựa đề “Gia đình-nơi gắn kết yêu thương”. Chị chia sẻ: “Khi biết bài được đăng, tôi vô cùng hạnh phúc, hơn cả thời sinh viên vì lần này tôi chủ động gửi cộng tác và hồi hộp chờ đợi nhiều ngày liền. Đến nay, dù đã có không ít bài viết được đăng trên các báo và tạp chí, song cảm xúc ban đầu ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên”.

Ngoài tạp bút, truyện ngắn, Tạ Ngọc Điệp còn thử sức với thể loại phản ánh vấn đề, sự kiện hay nghiên cứu khoa học. Từ năm 2013, khi chuyển về làm giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai), chị đã có nhiều bài viết cộng tác với Báo Gia Lai và các tờ báo, tạp chí khác liên quan đến lĩnh vực công tác xã hội và hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chị còn tham gia các cuộc thi viết do các tờ báo trong nước tổ chức và đạt được nhiều giải thưởng như: giải ba cuộc thi viết “Quê hương tôi” và giải khuyến khích cuộc thi viết về “phở” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức; giải khuyến khích cuộc thi viết “Tôi chọn nghề” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức; giải ba cuộc thi viết "Về nhà" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn-Chi nhánh miền Nam phối hợp cùng Cổng thông tin điện tử vanvn.vn (Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Đặc biệt, bài báo chị viết về một học sinh vượt khó học giỏi ở huyện Mang Yang đã được Ban tổ chức cuộc thi viết “Bạn tôi-Người vượt khó” của Báo Tuổi Trẻ chọn trao học bổng để em có thể tiếp tục đến trường. Chị cũng là 1 trong 5 nữ tác giả của Gia Lai được mời tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra từ ngày 17 đến 19-12-2021 tại TP. Đà Nẵng. Đầu tháng 1-2022, chị đã cho ra mắt truyện ngắn đầu tay “Chuyện trên núi cao” với nội dung xoay quanh chủ đề về người dân tộc thiểu số và rừng, được nhiều độc giả trân trọng đón nhận.

“Viết lách là niềm đam mê bất tận của tôi và giờ đây nó đã trở thành nghề tay trái giúp tôi có thêm một khoản thu nhập nhất định. Tôi mong muốn qua những bài viết có thể lan tỏa đến học sinh, sinh viên của tôi nói riêng và cộng đồng nói chung những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, về những hành động đẹp, sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau và cả tình yêu, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng mình có thể góp phần nhỏ trong việc tuyên truyền cho đơn vị và lĩnh vực mình đang công tác, giúp nhiều người hiểu rõ và tiếp cận nhiều hơn với trường”-chị Điệp cho hay.

2. Nếu là độc giả thường xuyên của Báo Gia Lai, ắt hẳn nhiều người sẽ nhớ đến cái tên Nguyễn Thị Diễm với những bài tạp bút giàu cảm xúc như: “Mùa nắng tươi lan”, “Cà phê một mình”, “Hương phố mùa hè”, “Đồng hoa thương nhớ”, “Phố sương”... hay các bài viết giới thiệu về du lịch như: “Săn mây trên núi lửa Chư Đang Ya”, “Bồng bềnh ươi bay”, “Ngược dòng Sê San”, “Bốn mùa trên đỉnh tháp”, “Nơi ấy là Kon Mahar”, “Sen hồng giữa lòng phố”... Cô giáo dạy Ngữ văn của Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) này rất đều đặn viết cho các báo bởi như tâm sự của chị, bản thân đã trót yêu “nghiệp viết” suốt nhiều năm qua.

Ngoài giờ lên lớp và chuẩn bị giáo án, chị Nguyễn Thị Diễm-giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) thường dành thời gian cho việc viết lách để thỏa đam mê. Ảnh: Mộc Trà


“Tôi rất thích đọc báo. Vì thế, từ khi còn là học sinh, tôi thường xuyên ghé sạp báo trước Nhà Thiếu nhi tỉnh (nay là Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku) để mua báo Nữ sinh, Mực Tím, Hoa Học Trò... về đọc. Qua đây, tôi biết nhiều bạn cùng trang lứa cũng thử sức viết báo và có nhiều tác phẩm hay. Năm lớp 10, tôi cũng quyết định sáng tác vài mẩu truyện cười gửi cộng tác với báo Mực Tím. Có truyện được đăng, có truyện không nhưng đổi lại, bản thân cảm thấy rất vui”-chị Diễm chia sẻ.

Nhiều năm sau đó, vì xoay vần với công việc nên chị Diễm không còn viết lách nữa. Mãi đến năm 2018, được sự giới thiệu từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm trong việc cộng tác với các tờ báo, chị Diễm đã gửi bài tạp bút “Sạp báo tuổi thơ” cho Báo Gia Lai và được đăng tải. Từ sự khởi đầu này, chị bắt đầu cộng tác thường xuyên hơn ở thể loại tạp bút và các bài viết giới thiệu điểm đến du lịch, ẩm thực. Chị Diễm cho biết: Sau giờ lên lớp và chuẩn bị bài giảng, tôi thường dành thời gian cho việc viết lách. Vì không được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên tôi chủ yếu viết thiên về cảm xúc, sự nhìn nhận chủ quan của cá nhân; đồng thời tích cực đọc các bài viết trên báo mỗi ngày cũng như so sánh bài của mình trước và sau khi được đăng để học hỏi, rút kinh nghiệm. Tôi thích viết xoay quanh về chủ đề đất và người, cuộc sống... của phố núi Pleiku-nơi tôi sinh ra và trưởng thành hoặc một số địa điểm thú vị mà tôi có dịp đặt chân đến.

“Là giáo viên, tôi hoàn toàn tự tin và chủ động giảng bài trước hàng chục, thậm chí hàng trăm học trò. Thế nhưng, khi chọn viết các đề tài về du lịch để đăng báo, tôi lại gặp khó và e ngại khi tiếp cận, trao đổi với các nhân vật. Phải mất một thời gian làm quen, tôi mới có thể khai thác đủ thông tin để phục vụ cho bài viết. Tuy vậy, công việc này cũng đã cho tôi thật nhiều trải nghiệm thú vị và những mối quan hệ mới. Mỗi tuần, tôi đều cố gắng cộng tác với Báo Gia Lai 1 bài vừa để duy trì niềm đam mê của mình, vừa trau dồi thêm vốn từ và trải nghiệm thực tế nhằm phục vụ cho việc giảng dạy khi thể loại tản văn được đưa vào môn Ngữ văn lớp 7 (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) trong năm học tới”-chị Diễm vui vẻ tâm sự.

Nhà thơ Văn Công Hùng-nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai: Giáo viên, nhất là giáo viên văn, gần gũi với văn chương nhất. Vì thế, việc họ sáng tác văn chương là điều vừa tự thân vừa khách quan, như một thôi thúc, dẫu không phải ai viết cũng thành công; bởi để có một tác phẩm còn dựa vào rất nhiều yếu tố. Ở Gia Lai có một đội ngũ giáo viên viết văn và tôi vẫn thường đọc họ. Họ góp vào văn chương và cả báo chí Gia Lai những giọng điệu mới, trẻ, đa dạng. Đọc báo Gia Lai, tôi thấy họ xuất hiện khá đều, trở nên quen thuộc với bạn đọc. Bởi họ có tìm tòi, có chiều sâu, có những lóe sáng sau chữ và cũng đã có những thành công nhất định. Tôi hy vọng ở những tỏa sáng tiếp theo của họ.

MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm