Phóng sự - Ký sự

Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Đắp chiếu chờ… khai tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dù được đầu tư tiền tỉ, nhưng hàng loạt dự án cấp nước sinh hoạt tại Đắk Lắk lại đắp chiếu triền miên, không phát huy được tác dụng, gây lãng phí ngân sách, một số khác thì chờ khai tử vì hư hỏng, khó khắc phục.

“Treo” đường ống vì nhà máy nước “cà giật”

Cuối năm 2017, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Cư M’gar (H.Cư M’gar, Đắk Lắk) được khởi công xây dựng. Công trình do UBND H.Cư M’gar làm chủ đầu tư, với kinh phí xây dựng gần 12 tỉ đồng nhằm phục vụ cấp nước cho 478 hộ dân ở 3 buôn của xã Cư M’gar. Tháng 12.2018, công trình trên được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Thế nhưng, trong quá trình vận hành, công trình phải nhiều lần tạm ngưng hoạt động và đến nay vẫn đắp chiếu.

Ghi nhận thực tế, bên trong công trình cấp nước xã Cư M’gar cỏ dại mọc um tùm, hoang phế. Nhiều hộ dân sống xung quanh công trình được lắp đặt ống nước đến tận nhà, nhưng gần cả năm qua không có một giọt nước. Chị H’Ra Mlô ở buôn Bling, xã Cư M’gar, dẫn chúng tôi ra xem chiếc đồng hồ đo nước của nhà mình, thì thấy chỉ số nước sử dụng dừng ở mức 3 m3. “Nhà tôi lắp đường ống nước từ khi công trình đi vào hoạt động từ 3 năm trước, nhưng do hệ thống thường xuyên gặp sự cố, cấp nước không đều nên tôi bỏ hẳn để dùng nước giếng”, chị H’Ra nói.


 

Công trình cấp nước tại buôn Drai Hling, xã Hòa Xuân bị bỏ hoang 2 năm nay
Công trình cấp nước tại buôn Drai Hling, xã Hòa Xuân bị bỏ hoang 2 năm nay


Cũng vì lý do tương tự nên 3 năm qua, anh Y Sá Auyn (cùng trú buôn Bling) mới sử dụng được 5 m3 nước từ công trình cấp nước xã Cư M’gar. Theo anh Y Sá, dù sống bên công trình cấp nước được đầu tư hàng chục tỉ nhưng cứ đến mùa khô, giếng cạn, anh cùng nhiều hộ dân khác phải đi lấy nước suối hoặc mua nước bình về dùng. “Công trình chẳng hiệu quả gì, cứ dăm bữa nửa tháng là gặp sự cố, cấp nước không ổn định nên tôi đành sử dụng nước giếng. Mùa khô giếng cạn thì qua xin hàng xóm, khi giếng hàng xóm cũng cạn thì ra suối lấy nước”, anh Y Sá ngán ngẩm.

Ông Nguyễn Quang Dáp, Phó chủ tịch UBND xã Cư M’gar, cho biết năm 2020, xã nhận bàn giao công trình nước sạch trên và lập tổ quản lý gồm 3 trưởng buôn để vận hành, thu tiền. Tuy nhiên, bà con sử dụng nước không ổn định, khấu hao cao nên thu không đủ chi, mấy tháng liền các trưởng buôn phải bỏ tiền túi để bù vào tiền điện. Công trình có hơn 470 đầu nối phục vụ cấp nước cho 478 hộ dân, nhưng thực tế chỉ có khoảng 280 hộ sử dụng, còn lại bà con dùng nước giếng hoặc nguồn nước khác.

Trước tình hình trên, UBND xã Cư M’gar đã phối hợp cùng một doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động cấp nước, là Công ty CP xây dựng - thương mại Toàn Phát (Công ty Toàn Phát) để vận hành công trình, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả như ý.

“Khó khăn ở chỗ mùa khô, giếng cạn thì bà con mới dùng nước từ công trình, còn mùa mưa thì ít sử dụng nên vận hành cấp nước thu không đủ chi. Mới đây, phía điện lực gửi thông báo để đòi nợ tiền điện tại công trình cấp nước của xã. Hiện chúng tôi đang tính toán các phương án để có hướng khắc phục, phát huy hiệu quả của công trình cấp nước”, ông Dáp thông tin.

Theo chia sẻ của một đại diện Công ty Toàn Phát, từ tháng 1.2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp vận hành công trình cấp nước tại xã Cư M’gar, nhưng vì lượng người dùng nước quá ít, không đủ trả tiền điện nên phải dừng nhiều tháng.

“Trước đây, hệ thống nhiều lần gặp trục trặc, nên bà con không thể phụ thuộc vào công trình mà phải sử dụng nước giếng khoan. Đến nay, vài ki lô mét đường ống mới có một người dùng, nhiều hộ không dùng nước thì chôn luôn đồng hồ xuống đất nên tìm không thấy, gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi. Mỗi tháng, bình quân phải mất khoảng 3 triệu đồng tiền điện để vận hành công trình, nhưng chỉ thu về hơn 1 triệu đồng tiền nước”, đại diện Công ty Toàn Phát nói.


 

Công trình cấp nước sạch gần 12 tỉ đồng tại xã Cư M’gar đắp chiếu triền miên. Ảnh: Hoàng Bình
Công trình cấp nước sạch gần 12 tỉ đồng tại xã Cư M’gar đắp chiếu triền miên. Ảnh: Hoàng Bình


Nhiều công trình chờ khai tử

Nếu như công trình cấp nước tại xã Cư M’gar nói trên đang đắp chiếu, thì nhiều công trình cấp nước khác được triển khai từ nhiều năm trước tại địa bàn TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lại chờ khai tử vì xuống cấp trầm trọng.

Trong đó, tại xã Hòa Xuân có tới 3 công trình nằm ở thôn 1, thôn 2 và buôn Drai Hling; xã Hòa Phú có 1 công trình ở buôn Tuar... Những công trình cấp nước này đều có quy mô nhỏ, phạm vi cấp nước cho từng thôn, buôn hiện đã bị bỏ hoang, các bồn chứa nước, hệ thống đài đỡ… đều bị hoen rỉ.

Chị H’Pốk Byă (trú buôn Tuar, xã Hòa Phú) xót xa khi chứng kiến công trình cấp nước cạnh nhà mình bị bỏ hoang nhiều năm nay. Theo chị, khoảng năm 2006, người dân cùng góp tiền để xây dựng công trình cấp nước của buôn, nhưng do cấp nước không ổn định, người dân ai nấy đều phải tự đào giếng để chủ động nguồn nước sinh hoạt.

Theo ông Y Ver Ktuar - trưởng buôn Tuar, công trình cấp nước buôn Tuar được xây dựng từ nhiều năm trước theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Công trình đã xây dựng từ lâu nên ông Y Ver không nhớ rõ số tiền đầu tư. Cách đây hơn 1 năm, do người dân ít sử dụng, tiền nước không đủ bù tiền điện nên công trình phải ngưng hoạt động cho đến nay.

Theo tìm hiểu, những năm 2003 - 2004, xã Hòa Xuân được đầu tư hơn 2,6 tỉ đồng để xây dựng 7 công trình cấp nước nhằm phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân tại 8 thôn, buôn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, đã có ít nhất 3 công trình ngưng hoạt động rồi bỏ hoang cho đến nay. Một người dân sống gần công trình cấp nước thôn 1, xã Hòa Xuân, cho biết công trình này đã ngưng hoạt động gần 10 năm nay vì thiếu nước. Hơn thế, chất lượng nước từ công trình cũng không đảm bảo, thường có màu đục nên người dân không sử dụng.

Ông Từ Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, cho rằng những công trình cấp nước kể trên tại địa bàn xã đã được xây dựng từ lâu. Ban đầu, hầu hết các công trình đều hoạt động, nhưng nhiều năm nay đã bỏ hoang vì hư hỏng.

“Các công trình đã xây dựng từ lâu nên tôi không nhớ cụ thể vốn đầu tư. Đến nay, địa phương đã được lắp đặt đường ống nước sạch khác nên không có ý định sẽ khôi phục, sửa chữa những công trình cấp nước đã hư hỏng vì chi phí cao, không phù hợp với điều kiện hiện tại”, ông Hợi nói.

Ông Phạm Ngọc Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện toàn tỉnh có 122 công trình nước sạch; trong đó 36 công trình đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

 


Bỏ lửng trách nhiệm

Từ năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quy định về phân cấp quản lý vận hành (QLVH) khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, quy định đơn vị được giao QLVH công trình chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu quả QLVH các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Có trách nhiệm xử lý kịp thời những sự cố, khôi phục nhanh nhất công trình cấp nước sạch để đảm bảo nhu cầu cho người sử dụng. Yêu cầu đơn vị QLVH công trình khắc phục việc cấp nước khi công trình có sự cố...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong khi hàng loạt công trình cấp nước sạch trên địa bàn Đắk Lắk bị hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động, bỏ hoang, lãng phí đầu tư lớn trong những năm qua, nhưng chưa có chủ đầu tư hoặc đơn vị QLVH công trình nào bị xử lý trách nhiệm hoặc bồi thường thiệt hại cho người dân theo quy định trên.

Theo HOÀNG BÌNH (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm