Phóng sự - Ký sự

Những công trình lãng phí nguồn lực-Kỳ cuối: Không để thất thoát, lãng phí kìm hãm sự phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư, tài nguyên không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn kìm hãm sự phát triển của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đó xác định nguyên nhân, đề ra những giải pháp đủ mạnh để xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân từ cơ chế, chính sách

Trao đổi về việc người dân ở ngay cạnh công trình cấp nước tiền tỷ nhưng không có nước sạch để dùng, bà Trần Thị Thu Hiền-Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công trình nước sạch vận hành không hiệu quả, nhưng chủ yếu là do tiền điện cao hơn tiền nước thu của người dân sử dụng. “So sánh khối lượng nước bơm lên bồn với mức tiêu hao tiền điện phải trả nhiều đến như vậy thì có thể nghi ngờ nguồn nước bị thất thoát. Thời điểm công trình hoạt động không hiệu quả, xã đã có ý kiến ngay về vấn đề này. Gần đây, xã cũng có văn bản đề xuất hỗ trợ về kỹ thuật và khắc phục tồn tại như: kiểm tra chất lượng công trình; lượng nước bị hao hụt trong bể chứa, đường ống bị rò rỉ… nhưng đến nay chưa thấy chủ đầu tư hay đơn vị thi công và tư vấn giám sát phản hồi hay khắc phục”-bà Hiền nói.

 Công trình Thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) chưa phát huy hiệu quả do diện tích khu tưới còn nhỏ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công trình Thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) chưa phát huy hiệu quả do diện tích khu tưới còn nhỏ. Ảnh: Nguyễn Diệp


Trong khi đó, ông Hồ Duy Kiên-Phó Chủ tịch UBND xã Dun (huyện Chư Sê) thì cho hay: Toàn xã có 572 hộ thuộc 4 làng đã đăng ký đấu nối sử dụng nước sạch từ công trình gồm: Greo Pết, Greo Sek, Ring Răng và Queng Mép. Thế nhưng, khi đi vào hoạt động, một số vị trí đường ống bị bục gây thất thoát và không đảm bảo nguồn nước cho người dân sử dụng. Khi thấy chi phí trả tiền nước cao và phải trả cả tiền nước bị thất thoát nên người dân không đóng tiền nước, quay lại sử dụng nước giếng. “Vì thế, xã mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giá nước để người dân có điều kiện được sử dụng nước sạch từ công trình”-ông Kiên nói. Còn ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thì thông tin: Dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân 4 xã Dun, Hbông, Kông Htok, Ia Pal có tổng mức đầu tư 12,065 tỷ đồng không phát huy hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, khi đưa vào sử dụng, một số vị trí ống nước đoạn lắp đặt đồng hồ bị hỏng gây thất thoát nước; áp lực nước yếu nên không đưa đủ lên bồn cho người dân sử dụng. Cùng với đó, đời sống còn khó khăn nên người dân vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng để đỡ chi phí mua nước.

Đối với công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), theo ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện, sự thay đổi về chính sách, pháp luật về bảo vệ phát triển rừng của Nhà nước dẫn đến công trình chưa phát huy hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đầu tư. “Khó khăn nhất hiện nay là việc chuyển đổi 4.757 ha đất có rừng sang mục đích đất nông nghiệp để khai hoang đồng ruộng phục vụ người dân sản xuất phải chờ Quốc hội quyết định cho chuyển đổi hay không. Nếu chuyển đổi được thì công trình sẽ phát huy hiệu quả, còn không thì sẽ rất thiệt thòi cho người dân nơi công trình đứng chân. Không những vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực này hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn”-ông Tú nói.

Nói về tình trạng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên bỏ không sau khi giải thể, ông Vũ Đức Hạnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Ayun Pa-cho biết: Sau khi giải thể thì Trung tâm bàn giao tất cả cơ sở vật chất cho Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã quản lý để xây dựng Đề án nâng cấp thành Trường THCS và THPT. Thị xã cũng đã hoàn thiện Đề án trình Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT nhưng đến nay chưa có ý kiến trả lời. Sau khi khảo sát, UBND thị xã đã đồng ý cho sửa chữa lại thành các phòng học bộ môn cho Trường THCS Dân tộc Nội trú nhằm hướng đến đạt chuẩn quốc gia vào năm 2024. Cũng theo ông Hạnh, công suất sử dụng các bể bơi thông minh cấp cho các đơn vị, trường học không cao có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động tập thể buộc phải tạm dừng, bể bơi không sử dụng trong thời gian dài dẫn đến hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, các đơn vị không có đủ kinh phí thuê nhân công vệ sinh, tiền điện, tiền nước, trả công giáo viên thể dục.

Không để lãng phí làm mất cơ hội phát triển

Những vị trí “đất vàng” của TP. Pleiku bỏ không như hiện nay không những gây lãng phí nguồn tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng đến cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư, sự phát triển của đô thị trẻ. Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: “Đối với các vị trí đất tại số 89 Hùng Vương và số 02 Trần Hưng Đạo, tỉnh đang đề nghị Bộ Xây dựng cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ TP. Pleiku, chuyển mục đích sử dụng các vị trí đất này từ đất công sở, cơ quan thành đất thương mại-dịch vụ mới tiếp tục kêu gọi đầu tư. Trường Cao đẳng Nghề (cũ) đã được Sở GD-ĐT bố trí cho Trường THPT Hoàng Hoa Thám sử dụng làm cơ sở 2. Đối với vị trí đất Chi cục Thuế TP. Pleiku (cũ), Sở Giao thông-Vận tải đã bố trí thành nơi làm việc của Đội Thanh tra Giao thông số 2, 3”.

Tràn xả lũ hồ chứa nước Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tràn xả lũ hồ chứa nước Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Diệp



Còn theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh, việc nhiều dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại (COD) và đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia đang gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, các chủ đầu tư dự án điện gió đang rất mong chờ được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành cơ chế để tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, phát huy được hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Công trình thủy lợi Ia Mơr chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư rất lớn là điều thấy rõ. Do đó, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các cấp, ngành của tỉnh đang nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục, nâng diện tích tưới từ công trình. Theo ông Hoàng Bình Yên-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy lợi Ia Mơr: Để công trình phát huy hiệu quả, các cấp, ngành của tỉnh đang lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư hạng mục còn lại phục vụ tưới khoảng 4.898 ha với điều kiện phải chuyển đổi 4.757 ha đất có rừng sang làm khu tưới. “Đồng thời, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 cũng đang phối hợp với địa phương để tiếp tục triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến kênh nhánh tiếp nối hệ thống kênh chính phục vụ tưới 2.279 ha đất nông nghiệp đang được người dân canh tác không vướng vào đất rừng… Nếu chuyển đổi thành công 4.757 ha đất có rừng sang làm khu tưới thì Ia Mơr sẽ là cánh đồng Ayun Hạ thứ 2 của tỉnh”-ông Yên so sánh.

 

Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác số 2 thuộc đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Gia Lai vào cuối tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho rằng: Nhiều quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, đối với quy hoạch tỉnh chưa có căn cứ chính thức về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng phân bổ không gian phát triển quốc gia hoặc vùng để cụ thể hóa trên địa bàn. Ngoài ra, Luật Đấu thầu chưa quy định cụ thể công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng-chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu. Do đó, cần bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán các hoạt động đấu thầu cụ thể hơn, chặt chẽ hơn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm trong đấu thầu.

Theo kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 723.156,38 ha, chiếm 46,62% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, giảm 18.097,18 ha so với trước đây; cả 3 loại rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng có nhiều diện tích bị thay đổi. Cụ thể, rừng đặc dụng 82.208,33 ha, chiếm 11,37% diện tích đất lâm nghiệp (tăng 23.007,32 ha so với Nghị quyết số 100/NQ-HĐND về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai); rừng phòng hộ 150.374,48 ha, chiếm 20,79% diện tích đất lâm nghiệp (tăng 5.867,13 ha); rừng sản xuất 490.573,57 ha, chiếm 67,84% diện tích đất lâm nghiệp (giảm 46.971,63 ha).

Đối với rừng tự nhiên, tại Công văn số 2594/UBND-NL ngày 9-11-2022 gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc bổ sung thông tin phục vụ lập Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh báo cáo bổ sung diện tích 6.200,53 ha rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Để công trình phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục khảo sát những diện tích, khu vực đất nông nghiệp người dân đang canh tác không vướng đất lâm nghiệp đầu tư xây dựng kênh mương cấp 2 và kênh nội đồng phục vụ nước tưới cho người dân sản xuất. Bên cạnh đó, khảo sát những vùng cao su kém hiệu quả thì thiết kế kênh dẫn nước chuyển đổi cây trồng. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương trình Quốc hội, Chính phủ xem xét cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang đất nông nghiệp để khai hoang đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm