Những công trình ý nghĩa ở huyện nghèo Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 năm (2016-2017), Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Krông Pa đã triển khai thi công nhiều công trình giao thông nội thôn, đường vào khu sản xuất và công trình kết nối cấp huyện. Các công trình này đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong vùng hưởng lợi.

Giúp người dân đi lại thuận lợi

Đường vào khu sản xuất của các buôn: Ma Nhe A, Ma Nhe B,  Ma Hing (xã Đất Bằng) dài hơn 2 km trước đây đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa thu hoạch mì. Để giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Krông Pa đã làm hồ sơ đề xuất dự án hỗ trợ bê tông hóa tuyến đường này.

 

Thi công đường liên xã Ia Mlah-Đất Bằng.                                                   Ảnh: H.T
Thi công đường liên xã Ia Mlah-Đất Bằng. Ảnh: H.T

Năm 2016, khi dự án đồng ý hỗ trợ làm 1.044 m tuyến đường này, bà con ai cũng mừng. Niềm vui tiếp tục nhân lên khi năm 2017, dự án hỗ trợ nối dài thêm 255 m con đường vào khu sản xuất. Đang trên đường đi làm về, ông Đinh Lơk (buôn Ma Nhe A) hồ hởi khoe: “Đường đi vào khu sản xuất của người dân trong buôn nay đã được đổ bê tông, đi lại rất thuận lợi. Trước đây, đường khó đi, xe công nông chạy còn ì ạch nhưng giờ thì xe tải, xe máy đều chạy bon bon”.

Được biết, trong 2 năm (2016-2017), thực hiện Hợp phần I: Phát triển hạ tầng cấp xã và thôn làng, 5 xã: Đất Bằng, Chư Ngọc, Ia Hdreh, Ia Rmok, Krông Năng đã được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 35 công trình. Nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn đem lại nhiều lợi ích cho người dân như: công trình xây mới đường giao thông nông thôn buôn Blang kết hợp cầu bản (xã Chư Ngọc); công trình xây mới đường vào khu sản xuất tập trung buôn Ji A, Ji B, buôn Jú và công trình đường tràn liên hợp đi ra khu sản xuất buôn Tối và buôn Tăng (xã Krông Năng); công trình đường tràn trên đường nội thôn Blang (xã Chư Ngọc).

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ xây dựng 3 công trình kết nối cấp huyện, gồm: công trình nâng cấp đường giao thông liên xã vùng dự án Ia Mlah-Đất Bằng; xây dựng mới đường liên xã buôn H’Lối (xã Krông Năng) đến buôn Tring (xã Ia Hdreh) và đường giao thông liên xã từ buôn Hvứt (xã Ia Hdreh) đến buôn Kơ Niê (xã Ia Rmok). Hầu hết công trình đã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, phục vụ sản xuất, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và kết nối thị trường, tiếp cận dịch vụ công.

Dân làm, dân giám sát

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Vân-cán bộ tư vấn đấu thầu Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Krông Pa, cho biết: “Thông qua việc triển khai Hợp phần I: Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, làng và Hợp phần III: Kết nối cấp huyện đã giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện. Các công trình triển khai xây dựng đều khuyến khích sử dụng lao động địa phương, nhất là các công trình thuộc Hợp phần I, nhờ đó đã tăng cường vai trò của Ban Giám sát xã trong giám sát hoạt động thi công, đảm bảo thời gian cũng như chất lượng công trình”.

Khi triển khai các công trình này, dự án đã áp dụng các chính sách đặc thù như: nguyên tắc phát triển do cộng đồng định hướng, tăng cường phân cấp, phân quyền cho cấp xã, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người hưởng lợi, khuyến khích sử dụng lao động địa phương, tăng cường vai trò. Vì vậy, thực hiện Hợp phần I: Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, làng, các công trình có yêu cầu kỹ thuật đơn giản, có tổng vốn đầu tư nhỏ (dưới 300 triệu đồng) do cộng đồng đề xuất và tự thực hiện thông qua hình thức đấu thầu. Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Krông Pa đã hướng dẫn Ban Phát triển xã triển khai đến các hộ dân được thụ hưởng để họ tham gia quyết định hoàn toàn từ việc lựa chọn đầu tư cho công trình, tham gia đấu thầu thi công, giám sát, nghiệm thu. Tất cả các công đoạn đều do người dân cùng bàn bạc và triển khai thực hiện, có sự hướng dẫn hỗ, trợ của cán bộ dự án.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-thành viên Ban Giám sát xã Chư Ngọc, cho biết: “Từng giám sát nhiều hạng mục công trình ở địa phương nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia một công trình hoàn toàn do người dân chủ động từ khâu đề xuất ban đầu đến lập kế hoạch, tham gia đấu thầu, tự thi công và tự giám sát”. Theo ông Hùng, với cách triển khai này, nguồn lực của người dân vùng dự án được huy động một cách tối đa, công trình không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn khích lệ tinh thần, huy động sự vào cuộc tích cực của họ.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm