Phóng sự - Ký sự

Những cột mốc biên cương - Bài 1: Trên chốt gác lộng gió, mù sương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ khi có dịch Covid-19, quân số các đồn biên phòng đều phải rải khắp biên giới, đóng chốt những điểm quan trọng, túc trực 24/24 giờ để đảm bảo cao nhất việc hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Trong hàng trăm chốt biên phòng trên tuyến biên giới Tây Bắc, có những chốt đã được xây dựng bán kiên cố nhưng phần nhiều vẫn là nhà bạt, lều tạm đơn sơ. Nhiều điểm chốt không có điện, không sóng di động, đường sá đi lại vô cùng hiểm trở.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Y Tý phát và hướng dẫn đồng bào các dân tộc đeo khẩu trang, phòng dịch Covid-19. Ảnh: ĐBP
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Y Tý phát và hướng dẫn đồng bào các dân tộc đeo khẩu trang, phòng dịch Covid-19. Ảnh: ĐBP
LTS: A Mú Sung là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt ở tỉnh Lào Cai. Sì Lở Lầu là điểm cực Bắc của tỉnh Lai Châu giáp Trung Quốc. Hơn một năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, bất kể khó khăn, khắc nghiệt núi cao, rừng thẳm, ngày cũng như đêm, những người lính biên phòng trên tuyến biên giới nơi đây không chỉ nỗ lực, quyết tâm ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, mà còn bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của bộ đội biên phòng, đời sống của bà con các dân tộc vùng biên cương cũng đang thay đổi ngày một tốt đẹp hơn. 
2 cái tết xa nhà, xa vợ con
Chớm hè, trời đã bớt lạnh, nhưng vẫn mưa phùn ẩm ướt, tỉnh lộ 158 ngược sông Hồng lên đồn biên phòng A Mú Sung (ở huyện Bát Xát, Lào Cai) nhiều đoạn mây mù giăng kín. Sau những cái bắt tay ấm áp, Trung tá Lý Sín Sẩu, Chính trị viên Đồn biên phòng A Mú Sung, liền dẫn chúng tôi lên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngay cổng đồn. Hơn 20 năm gắn bó với biên cương, Trung tá Lý Sín Sẩu từng công tác tại nhiều đồn biên phòng ở Lào Cai, trước khi về A Mú Sung, anh là Chính trị viên phó Đồn biên phòng Y Tý, nơi xa nhất của huyện Bát Xát. Tuy nhiên, A Mú Sung lại có vị trí vô cùng đặc biệt, chính là nơi con sông Hồng bắt đầu chảy vào đất Việt (ở thôn Lũng Pô). 
Cuối giờ chiều, chúng tôi tới chốt kiểm soát số 4 ở thôn Lũng Pô, ngay gần cột cờ Lũng Pô bên đầu nguồn sông Hồng. Thiếu tá Nguyễn Trung Khoa, hơn 30 năm tuổi quân, đón chúng tôi trong chốt gác lợp tôn vừa mới hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Phía sau chốt là một vườn rau nhỏ và chuồng nuôi gà, vịt để anh em tăng gia sản xuất. Lúc này, tại chốt chỉ có 2 người là Thiếu tá Nguyễn Trung Khoa và Đại úy Giang Hoài Khanh, những anh em khác đi tuần tra chưa về. Chia sẻ với chúng tôi, anh Khoa cho biết, chốt có nhiệm vụ quản lý từ mốc 90+450 tới mốc 91, dù chỉ có hơn 5km đường biên, nhưng địa hình hiểm trở, một bên núi cao, một bên sông suối, lại nhiều đường mòn lối tắt nên việc canh gác, bảo vệ biên giới, phòng chống người xuất nhập cảnh trái phép rất vất vả. Anh em trong chốt phải chia nhau tuần tra, kiểm soát, từ sáng sớm cho tới khuya. 
Không chỉ thiếu thốn, vất vả về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt mà tình cảm gia đình với các anh cũng trở thành thứ xa xỉ. Hơn 1 năm nay, anh Khanh chưa được về quê thăm cha mẹ, còn anh Khoa đã trải qua 2 cái tết xa nhà, xa vợ con. “Anh em ai cũng bảo nhau phải cố gắng vượt qua để bảo vệ biên giới và phòng chống dịch bệnh cho đất nước. Dù có khó khăn gian khổ thế nào, anh em đều quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ”, Thiếu tá Nguyễn Trung Khoa khẳng định.
Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Đồn trưởng A Mú Sung cho biết, địa bàn đồn quản lý, bảo vệ có hơn 27km đường biên giới trên 2 xã A Mú Sung và Nậm Chạc, với 4 cột mốc (từ cột mốc 90 đến 93) trong đó có những nơi đi lại rất vất vả. Do đường biên giới dài, phức tạp nên trên địa bàn đồn quản lý có 6 chốt kiểm soát dịch bệnh được lập ra. Đến nay, có 4 chốt được dựng nhà tôn bán kiên cố, còn 2 chốt ở Phù Lao Chải vẫn là nhà bạt, không có nước sinh hoạt, sóng điện thoại chập chờn. Cùng với đó là tình hình an ninh trật tự ở khu vực biên giới tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là việc tổ chức đưa người trái phép sang Trung Quốc làm thuê. 
Khó khăn, vất vả như vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi “sông Hồng chảy vào đất Việt” đã chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa bảo vệ biên giới, vừa phòng chống dịch Covid-19 và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Không chỉ có tuần tra bảo vệ biên giới khép kín 24/24 giờ mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng với chính quyền địa phương còn thường xuyên vận động, tuyên truyền cho bà con địa phương về phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới, đấu tranh lại với các thế lực thù địch kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Đơn vị đã tổ chức được gần 100 buổi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản có liên quan đến biên giới cho gần 3.000 lượt người. 
Mênh mông trời mây Y Tý
Rời A Mú Sung, qua Trịnh Tường, chúng tôi lại vượt những đèo dốc quanh co để đến với Y Tý luôn mịt mù trong sương gió. Nếu như đường từ A Mú Sung lên tới Y Tý đã vất vả khó khăn thì đường từ Đồn biên phòng Y Tý lên các chốt kiểm soát trên biên giới ở các thôn Hồng Ngài, Sim San, Sín Chải, Chin Chu Lìn… còn gian nan gấp bội. Hầu hết là đường cấp phối, đường đất, trời khô thì đi xe máy được, còn mưa chỉ có thể đi bộ. Sau hơn một giờ vượt chặng đường khoảng 10km lổn nhổn đất đá, một bên núi cao, một bên vực sâu, chúng tôi cũng đến được chốt kiểm soát số 2 ở thôn Sim San 1. Gọi là chốt nhưng thực ra chỉ là căn lán lợp tre nứa xung quanh quây bằng bạt giữa bốn bề núi non, gió lạnh lùa hun hút, sương mù ẩm ướt. 
Phụ trách chốt, Thiếu tá Bùi Ngọc Bài, quê Hưng Yên, có gia đình ở xã Trịnh Tường cách đồn khoảng 70km, nhưng nhiều tháng nay anh chưa một lần về thăm gia đình. Hơn 30 năm quân ngũ, nếm trải mọi gian khổ, nhưng với Thiếu tá Bùi Ngọc Bài, các chốt kiểm soát ở Y Tý vẫn là nơi khắc nghiệt, thử thách lòng người nhất. Địa bàn quản lý rất rộng, hiểm trở, gồm cả thôn Sim San và Hồng Ngài với hơn 150 hộ dân và gần 10km đường biên giới tới sát đất Phong Thổ, Lai Châu. Chốt kiểm soát không điện, không nước, điện thoại di động nhiều khi phải để một điểm cố định ở chốt may ra mới liên lạc được. Ngay tại chốt kiểm soát cũng thường bị gió lốc thổi tung vì nằm ở điểm giao giữa vùng khe suối Lũng Pô với núi đá Ngải Thầu. Lúi húi nhóm củi, chuẩn bị bữa cơm chiều chờ anh em đi tuần biên về, Chốt trưởng Bùi Ngọc Bài ngậm ngùi tâm sự: “Anh em bám chốt suốt hơn 1 năm qua, gian khổ, thiếu thốn quen rồi, chỉ mong dịch bệnh sớm qua, để anh em được về thăm gia đình”. 
Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu, Chính trị viên đồn Y Tý cho biết, xã Y Tý nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, ở lưng chừng dãy núi Nhìu Cồ San được coi là đỉnh trời, quanh năm mù sương. Đây cũng là xã xa xôi, cách trở nhất ở huyện Bát Xát, phần lớn dân số là người Hà Nhì nên bà con thường ví von: “Gió Ngải Thầu, vầu Sim San” (gió ở Ngải Thầu rất mạnh, thổi quanh năm và măng vầu ở Sim San rất nhiều) để nói về sự khắc nghiệt của vùng đất này. Chính sự gian khó của vùng đất là chất keo để cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng với bà con dân tộc và chính quyền địa phương luôn gắn bó chặt chẽ, tăng thêm sức mạnh bảo vệ vững chắc biên giới. 
Thời gian qua, đồn đã phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền và tổ chức cho hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn ký cam kết không vượt biên, không nhập cảnh trái phép… “Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, đồn đã lập 5 chốt chặn trên biên giới. Cán bộ, anh em chiến sĩ luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, ngày đêm tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới, kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp xuất nhập cảnh trái phép”, Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu cho biết.
Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn biên phòng Y Tý luôn chăm lo cho bà con có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, biên giới hòa bình và phát triển. Công tác giúp đỡ hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, thoát nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đồn biên phòng. Bằng các giải pháp cụ thể như hỗ trợ cây giống, vật nuôi, hướng dẫn các kỹ thuật canh tác, sản xuất hiện đại, nhiều hộ dân trở nên khá giả hơn nhờ vào tính cần cù, chịu khó làm ăn của bà con và sự giúp đỡ tận tình của bộ đội biên phòng. 
Đặc biệt, với khí hậu thổ nhưỡng ở Y Tý rất thuận lợi cho phát triển cây dược liệu, những người lính mang quân hàm xanh cùng chính quyền địa phương đã vận động, giúp đỡ bà còn mở mang đất đai thâm canh trồng sâm hoàng sin cô và thảo quả. Tính đến hết năm 2020, xã Y Tý có gần 30ha sâm hoàng sin cô, bình quân mỗi hécta cho năng suất 20 - 25 tấn củ. Hơn nữa, với lợi thế về cảnh quan, khí hậu mà Y Tý đang dần trở thành một Sa Pa thứ 2 ở Lào Cai. Vì thế, phát triển du lịch đang là hướng quan tâm đặc biệt của địa phương này.
TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH - ĐỖ TRUNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm