Phóng sự - Ký sự

Những đảng viên “hào phóng” với buôn làng - Kỳ 1: “Kỳ tích” dòng nước mát lành trên đỉnh Cư Tông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đến cuối tháng 7/2023, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 85.867 đảng viên. Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đảng viên tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhưng ở loạt bài này, chúng tôi dành để nói về một số đảng viên với những việc làm bình dị mà cao quý.

Họ có thể là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ quản lý, cán bộ công an hay nông dân chân chất. Tuy nhiên, điểm chung rất đáng trân quý ở họ là sự lăn xả, dấn thân và “hào phóng” công sức, nhiệt huyết của mình với người dân, cộng đồng, buôn làng.

Nếu chỉ nghe nói thì chắc chẳng ai tin nổi chuyện một ngôi làng có mấy chục hộ dân lại có thể tự làm được công trình dẫn nước dài hơn 10 km từ đỉnh núi cao chót vót về sử dụng. “Kỳ tích” ấy lại được viết nên trên đỉnh Cư Tông bởi những cán bộ, đảng viên và người dân thôn 5, xã Cư San (huyện M’Drắk).

Anh Ma Seo Lữ chỉ về hồ nước trên đỉnh Cư Tông, nơi cấp nước về cho buôn làng.

Anh Ma Seo Lữ chỉ về hồ nước trên đỉnh Cư Tông, nơi cấp nước về cho buôn làng.

Cái khó ló cái khôn

Người dân xã Cư San đa phần từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào. Trước đây, vùng này như “ốc đảo” thu nhỏ giữa núi rừng, giao thông cách trở, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khổ nhiều, nhưng không có cái khổ nào bằng nỗi khổ thiếu nước, đặc biệt là cụm dân cư thôn 5. Ở đây, bà con sử dụng nước bằng giếng đào ở vùng thấp gần bìa ruộng. Mùa mưa, nhiều lúc nước giếng đục ngầu, mùa khô thì bị cạn kiệt, người dân phải xách thùng đi gánh về, tằn tiện từng xô nước để ăn uống, sinh hoạt. Đỉnh điểm là cơn đại hạn kéo dài 8 tháng vào năm 2014, giếng đào của nhà nào cũng cạn trơ đáy. Nguồn nước duy nhất của cả làng được dẫn từ khe suối về bằng cái ống chừng ngón chân cái, chảy yếu, người dân phải thay nhau hứng từng giọt về sử dụng. Cả làng khô héo, quay quắt trong cơn khát.

Đưa được dòng nước mát về làng không chỉ là sự sáng tạo mà phải có sự đồng lòng, đoàn kết rất lớn của người dân” - ông Trần Thanh Bình, Nguyên Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Cư San (huyện M'Drắk).

Những người có công đầu trong việc đưa nguồn nước mát về làng là ông Liều Seo Diêu (một trong những người Mông đầu tiên di cư đến mảnh đất này) và ông Vàng Văn Sương (Trưởng thôn 5 lúc ấy). Sau nhiều đêm trăn trở, bàn tính với nhau, hai lão nông chỉ tay về phía dãy núi cao, nói với dân làng: “Mình ở ngoài Bắc thiên nhiên khắc nghiệt, chấp nhận rời bản làng di cư vào đây để có cuộc sống tốt hơn, chả lẽ phải chịu đựng mãi cơn khát. Quanh làng hết nước, thì trên kia sẽ có”. Nói “liều” vậy để động viên bà con chứ trong lòng các ông nghĩ trên những đỉnh núi cao vút, đi bộ mỏi chân mới đến nơi, nếu có nước thật thì làm sao đưa về làng. Vậy mà cuối cùng, “kỳ tích” về hành trình tìm nguồn nước đã được tạo nên bằng tinh thần đoàn kết, đồng lòng và khát vọng chinh phục thiên nhiên vì cuộc sống ấm no.

Theo ông Trần Thanh Bình, nguyên Bí thư Chi bộ thôn 5 (nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Cư San), do đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước, các đoàn chuyên gia cũng về đây khảo sát để xây dựng công trình cấp nước tập trung, nhưng cũng "bó tay" vì không khả thi. Chi bộ thôn cũng như Đảng ủy, chính quyền xã rất trăn trở cho nỗi khổ thiếu nước của người dân nơi đây. Ý tưởng táo bạo dẫn nước từ đỉnh núi về làng đưa ra bàn bạc trong Chi bộ thôn và được cấp ủy thống nhất. Mục đích là cùng làm, cùng hưởng lợi nên khi họp dân, bà con ai cũng đồng thuận, hưởng ứng. Các đồng chí trong cấp ủy, ban tự quản thôn cũng bắt tay vào làm, động viên và hỗ trợ thêm vật chất, tinh thần.

Sau khi “dự án” được “phê duyệt”, những người am tường địa hình, giỏi đi rừng và thanh niên khỏe nhất được chọn đi khảo sát địa hình. Đỉnh núi cao chót vót, họ băng qua không biết bao nhiêu cánh rừng, lội qua các con suối lớn nhỏ khác nhau. Khi gối mỏi, chân run, cũng là lúc lên đến đỉnh núi. Phát bụi rậm để nghỉ tạm, những người đi tìm nước ngỡ ngàng khi thấy mạch nước lớn, trong vắt. Mạch nước ấy nằm trên đỉnh Cư Tông cao chừng gần 2.000 m, thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), là thượng nguồn sông Giang (phụ lưu chính của sông Cái). Vục tay uống ngụm nước ngọt, mát lạnh khác hẳn nước ở giếng quanh làng, ông Liều Seo Diêu dứt khoát: Đây là nguồn nước của dân làng!

Người dân thôn 5, xã Cư San (huyện M'Drắk) kiểm tra đường ống dẫn nước từ đỉnh núi Cư Tông về làng.

Người dân thôn 5, xã Cư San (huyện M'Drắk) kiểm tra đường ống dẫn nước từ đỉnh núi Cư Tông về làng.

Đồng lòng khơi dòng nước mát

Theo ông Diêu, tìm ra nguồn nước "khó một" thì đưa được nước về làng "khó mười", bởi đường xa, địa hình phức tạp. Nhóm thực địa lại lên núi theo nhiều hướng khác nhau để tìm đường ngắn và thuận lợi nhất. Việc khảo sát, dọn hành lang ròng rã mất hai tháng trời, người bị muỗi chích, vắt cắn đỏ tấy, có người tứa máu, xây xát khắp cơ thể vì trượt ngã.

“Bà con ở đây ăn uống, sinh hoạt đều nhờ nguồn nước trên núi dẫn về. Năm nào nắng hạn cũng không lo thiếu nước” - chị Vàng Thị Trà, người dân thôn 5, xã Cư San (huyện M'Drắk).

Khi tìm được hướng tuyến tối ưu, những nông dân lại mày mò tự thiết kế bản vẽ để lắp đặt đường ống dẫn nước về làng. Đầu năm 2015, công trình dẫn nước từ đỉnh Cư Tông về được bắt đầu.

Phương án cụ thể là xây bờ quanh mạch nước trên đỉnh núi rồi cho hạ sơn. Để thực hiện, 60 hộ dân trong thôn đồng thuận đóng góp mỗi nhà 5 triệu đồng. Vật liệu, ống nước phải sang huyện Krông Bông mua về thi công. Đàn ông cả thôn được huy động lên núi.

Người già thì phát cây cỏ tạo lối đi, thanh niên thì vác ống nước, đào mương. Một số chị em cũng tham gia phụ giúp những việc nhẹ. Có những người mang theo cả gạo, muối và võng nghỉ lại luôn trên núi. Những đoạn có đá tảng, không đào được thì ống nước cho chạy nổi, còn vị trí khác thì chôn ống dưới đất. Hơn một tháng trời gian khổ giữa rừng núi, đường ống chừng 6 km dẫn nước từ đỉnh núi đã kéo về tận thôn trong niềm vỡ òa sung sướng của bà con.

“Việc khó như thế mà cả thôn chung sức làm được nên ai cũng vui. Từ đó đến nay nước dẫn về làng chưa bao giờ ngừng chảy”, ông Liều Seo Diêu tự hào về công trình minh chứng cho sự đoàn kết, sáng tạo của bà con thôn mình.

Người dân xã Cư San (huyện M’Drắk) sửa chữa ống dẫn nước về buôn.

Người dân xã Cư San (huyện M’Drắk) sửa chữa ống dẫn nước về buôn.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, đường ống nước bắt đầu “trở chứng”, liên tục bị nứt gãy, bể, nước về làng yếu hẳn. Năm 2018, người đảng viên trẻ Ma Seo Lữ (hiện đang là Trưởng thôn 5, xã Cư San) đứng ra cùng người dân làm lại hệ thống dẫn nước. Sau nhiều ngày đêm mày mò, anh nhận ra ống nước bị vỡ là do việc lắp đặt ban đầu chưa hợp lý, nhiều đoạn ống trên núi chạy theo hướng thẳng đứng nên không chịu được áp lực lớn. Anh Lữ và một số thanh niên đi những đường mòn khác nhau để khảo sát lại địa hình, đo đạc, tính toán nhằm chọn tuyến đường khả thi. Anh tổ chức họp dân và đồng thuận đóng thêm mỗi hộ 2,5 triệu đồng, còn những hộ tham gia mới thì đóng 10 triệu đồng để mua vật liệu. Rút kinh nghiệm lần trước, anh Lữ cho lắp đặt ống nước theo đường vòng, thoải nhằm giảm áp lực nước; đồng thời, cách một đoạn sẽ có điểm nối ống để dễ dàng kiểm tra, sửa chữa. Sau ba tuần thực hiện, đường ống dẫn nước dài 11 km, với đường kính 60 mm được hoàn thành thay thế cho công trình cũ.

Nguồn nước từ đỉnh núi Cư Tông được đưa về hai bể chứa ở hai đầu làng để dễ dàng kéo về từng gia đình. Hiện nay, có gần 100 hộ dân được thụ hưởng nguồn nước này, ngoài người dân thôn 5, còn có một số hộ dân ở thôn 6 và thôn 7; trong đó, nhà xa nhất cách bể chứa hơn 1 km. Để vận hành hệ thống dẫn nước, 6 người đàn ông được bà con cử ra luân phiên trông nom, kiểm tra công trình; mỗi hộ đóng 100.000 đồng/năm để bảo dưỡng ống nước.

(Còn nữa)

-----------------

Kỳ 2: Điểm tựa của người dân vùng biên

Có thể bạn quan tâm