Những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi người ở một địa phương khác nhau, hoàn cảnh gia đình không giống nhau, nhưng ở họ có chung những điểm tương đồng là trong quá trình làm nên sự nghiệp, họ đều cần cù, chịu khó, có ý chí vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình.
Sinh động những điển hình
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, chị Trần Thị Ngọc Giàu, Nhơn Thọ (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) hiểu hơn ai hết cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Trăn trở tìm cách thoát nghèo đã khiến chị Giàu bao đêm mất ngủ. Năm 2007, chị bàn với gia đình phải quyết tâm vay vốn để đầu tư làm ăn. Được gia đình chấp thuận, chị vay 130 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện để đầu tư trồng 2.000 cây cà phê, đồng thời trồng xen canh các loại cây ngắn ngày giải quyết lương thực trước mắt. 

Khi cà phê cho thu hoạch, có vốn trong tay, bằng ý chí và nghị lực, chị tiếp tục mở đại lý phân bón, thu mua cà phê, mì và các loại nông sản của bà con trong vùng. Gia đình chị tiếp tục mua thêm đất và trồng thêm 2.000 cây cà phê, 500 trụ tiêu và 3 ha các loại cây trồng ngắn ngày. 

Năm 2009, gia đình chị mở rộng kinh doanh sang ngành vật liệu xây dựng. Với tính cần cù, chịu khó, chị đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm miệt mài với công việc. Nhờ vậy, mỗi năm trừ các loại chi phí, chị thu về hàng tỷ đồng. Để làm ăn thuận lợi lâu dài, chị còn đầu tư phân bón cho 70 hộ gia đình có vườn cà phê khó khăn về vốn. Tháo vát, năng động trong cách nghĩ, cách làm, từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình chị Giàu đã trở thành người giàu nhất nhì trong xã. 
Năm 2010, chị đã hoàn trả được lãi vay và gốc đầy đủ, đồng thời hàng năm giải quyết việc làm cho 20 lao động nữ ở địa phương, hỗ trợ giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị Giàu kể: Mới đầu làm ăn bao giờ cũng gặp khó khăn nhưng đã quyết là làm. Ngoài số vốn đầu tư trồng cà phê, còn lại mình dành cho việc kinh doanh phân bón, đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm ăn. 

Khác với chị Giàu, con đường để chị Đặng Thị Thùy Trang- Xí nghiệp tư doanh Hoa Trang (TP. Pleiku) trở nên giàu có nhờ vào việc thu mua các mặt hàng nông sản, với phương châm kinh doanh là đặt “chữ tín” lên trên hết. Là người yêu thích kinh doanh, nhất là kinh doanh buôn bán hàng nông sản cà phê và tiêu. Chính vì vậy, chị Trang đã dành nhiều thời gian học nghề kinh doanh để biết cách xử lý các tình huống. Nghề này đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải luôn năng động, sáng tạo và có ý chí mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm để lãnh đạo doanh nghiệp phát triển đúng hướng dù thị trường ngành cà phê, hồ tiêu biến động từng giờ. 

Bà Trần Ngọc Chi- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Hiện nay ở tỉnh ta những chị biết làm kinh tế giỏi như các chị nêu trên không phải là ít. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh thống kê có 15.334 phụ nữ làm kinh tế giỏi với mức thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm, cá biệt có chị thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.

Nhưng chị đã chủ động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên thường xuyên tạo được uy tín với khách hàng và lòng tin đối tác. Hơn nữa, chị còn mạnh dạn đầu tư cho các hộ nông dân có tiềm năng, có trang trại và những hộ có diện tích cà phê lớn được ứng vốn trước để sản xuất kinh doanh. Nếu năm 2010, doanh thu đạt 451 tỷ đồng đồng, lợi nhuận trên 12 tỷ đồng thì đến năm 2012 tổng doanh thu đạt 1.410 tỷ đồng, lợi nhuận 18 tỷ đồng. 

Một bí quyết khác để tạo ra thương hiệu của Hoa Trang là xí nghiệp luôn thực hiện tốt chính sách, chế độ, quyền lợi cho người lao động. Toàn xí nghiệp có 21 nhân viên, trong đó có 8 nữ, đều được quan tâm đầy đủ các chế độ. Đây cũng là điều kiện để cho họ yên tâm, gắn bó với xí nghiệp. Nhờ vậy, nhiều năm liền chị được UBND tỉnh tặng bằng khen “Doanh nhân xuất sắc” và được Cục thuế tỉnh khen thưởng là doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vị thuế năm 2009-2012.
Cũng như chị Giàu, chị Trang hiện nay còn có khá nhiều chị nhờ mạnh dạn đầu tư sản xuất, biết học hỏi, sáng tạo đã không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên giàu có, hàng năm thu nhập hàng tỷ đồng như gia đình chị Đinh Thị Lý, thị trấn Kbang (huyện Kbang) từ vốn ban đầu buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ, đi khắp nơi thu mua nông sản trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, giờ gia đình chị mở rộng sang kinh doanh vận tải, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi. Tính riêng tổng doanh thu năm 2012 là gần 37 tỷ đồng. 

Điều đáng quý là trong số những chị điển hình làm kinh tế giỏi có khá nhiều chị là người dân tộc thiểu số, như chị Ksor Sina, xã Ia Rmok (huyện Krông Pa), chị Siu H’Hoan, thôn Tốt Biếc (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), chị Ngay, xã Kdang (huyện Đak Đoa)… tuy quy mô và loại hình kinh doanh của các chị chưa đa dạng, phong phú nhưng đây thực sự là những tấm gương sáng về ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Làm giàu không khó
Chị Nguyễn Thị Việt Hòa-phường Hội Thương-TP. Pleiku chuyên về kinh doanh ngành giải khát cà phê. "Nhiều người cho rằng kinh doanh ngành này là một nghề, cứ làm là thắng lợi nhưng không phải vậy. Lúc đầu chúng tôi cũng gặp không ít thất bại, thậm chí là lỗ trong giai đoạn đầu- không đủ trả lãi và tiền lương cho nhân viên", chị Hòa tâm sự. Nhưng sau một thời gian trăn trở, chị Hòa nghĩ làm sao đủ để trả lương cho nhân viên, làm sao để quản lý thành công con người, làm sao giữ được khách hàng, phục vụ khách hàng, để tăng doanh thu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Những câu hỏi đó, dần dần chị Hòa cũng tìm ra được giải pháp.
Từ đó, chị mạnh dạn đầu tư vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm và tiếp thu rất nhiều ý kiến khách hàng để khắc phục các tồn tại của mình. Hơn nữa, chị còn tổ chức mô hình kinh doanh phù hợp. Nhờ đó, những địa chỉ giải khát cà phê Hoàng Hà, cà phê Đen của chị đang được “dân ghiền” tìm đến như một thương hiệu quen thuộc vào mỗi buổi sáng và các ngày nghỉ-lễ trong tuần và năm. Chị Hòa đúc kết kinh nghiệm: Làm giàu không khó điều quan trọng là phải nỗ lực và năng động, sáng tạo. 
Với vốn ban đầu 30 triệu đồng từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội và vốn chị em cho vay không tính lãi, chị Siu H’Hoan, thôn Tốt Biếc, thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) đã trồng thử nghiệm 200 trụ tiêu trên đất rẫy sau nhiều năm bỏ hoang. Sau 3 năm đã cho chị thu nhập 68 triệu đồng. Chị Siu H’Hoan kể, đất có sẵn nhưng không có vốn nên không làm gì được. Phải thay đổi, mạnh dạn đầu tư mới thoát nghèo. Sau đợt trồng thử nghiệm tiêu thấy có hiệu quả, chị Hoan tiếp tục trồng thêm, nâng tổng số lên 850 trụ tiêu, 1.500 cây cà phê và 3 sào lúa nước, với mức thu nhập bình quân (đã trừ chi phí) được gần 300 triệu đồng/năm.  
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm