Mỗi vùng miền lại có một tục lệ phong tục ngày Tết khác nhau một chút. Các phong tục kiêng kỵ ngày Tết cũng như vậy.
Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền Việt Nam là một trong những ngày Tết đặc sắc nhất vẫn đang còn được gìn giữ, lưu truyền hằng năm. Ngày Tết cũng có rất nhiều nét văn hóa, phong tục lâu đời được lưu truyền cất giữ. Mỗi vùng miền đều có những điều kiêng kỵ trong ngày Tết riêng.
Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết ở miền Bắc
Trước Tết, nhà nào cũng quét dọn sạch sẽ nhà cửa để trong ba ngày đầu tiên của năm mới, cây chổi quét nhà không được động đến. Theo quan niệm, quét nhà là quét hết vận đỏ và lộc năm mới đi. Vì thế sẽ không ai quét nhà vào 3 ngày đầu năm. Kiêng quét nhà hót rác là một trong những điều kiêng kỵ trong ngày Tết miền Bắc nên được bỏ đi.
Kiêng hốt rác là một trong những điều kiêng kỵ trong ngày Tết |
Tục kiêng đổ rác xuất phát từ câu chuyện trong Sưu thần ký. Chuyện kể rằng, có một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng nàng hầu tên là Như Nguyệt. Ông trở nên giàu có, tiền bạc đầy nhà. Năm ấy, vào ngày mồng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi nhỏ, bị ông chủ đánh đập nên biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông lại nghèo như xưa.
Kiêng không treo những tranh không hay như đánh ghen, kiện tụng... mà phải tìm bằng được tranh lợn, gà, cậu bé. Những bức tranh của làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn.
Ngày mùng Một Tết, đừng đến xin lửa nhà người khác vì lửa đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may. Tương tự như vậy, tránh xin nước những ngày này.
Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với rất nhiều cách giải thích khác nhau. Đầu tiên, việc mua muối được xem là mua cái sự mặn mà về nhà cho cả năm. Còn vôi cũng có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, thể hiện qua 3 cách dùng: Xây nhà xây cửa, ăn trầu và rải 4 góc nhà đuổi tà ma. Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho ông bình vôi.
Những người "nặng vía", không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Một vài gia đình sẽ chọn người hợp tuổi với nhà mình để mời xông đất. Người gia đình có tang trong năm trước không đến chơi gia đình nhà khác vào dịp năm mới để tránh xui xẻo.
Những từ ngữ xui xẻo như chết chóc, ốm đau được tránh nói trong những ngày đầu năm.
Làm vỡ bát đĩa, cãi nhau, chửi nhau khiến không khí ngày Tết kém vui và bất hòa trong suốt cả năm, kiêng cữ để được vui vẻ cả năm dài.
Đầu năm mua muối - cuối năm mua vôi là nét đẹp người Việt |
Miền Trung
Người dân miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, thịt chó trong ngày Tết và cả tháng đầu năm. Người ta cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo. Một số vùng không ăn tôm vì sợ... đi giật lùi như tôm.
Ngày Tết kiêng mặc quần áo màu trắng, màu đen mà nên chọn những sắc màu vui tươi, đẹp mắt cho những ngày đầu năm mới.
Khách tới không được từ chối bữa ăn là kiêng kỵ người miền Trung |
Miền Nam
Trong những ngày Tết, khách đến chơi nhà vào bất kể giờ giấc nào, bất kỳ ai cũng được gia chủ dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít.
Đi đâu xa cũng phải về nhà trước giờ giao thừa. Ai không về kịp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn. Nhưng tục kiêng này giờ đây cũng không còn quan trọng nữa, vì giao thừa cả gia đình thường kéo ra đường về trung tâm xem pháo hoa cùng chào đón năm mới.
Nếu trong ngày Tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của cải.
Thực ra, ngày nay những điều kiêng kỵ trong ngày Tết ở cả 3 miền không còn được đặt nặng và thực hiện nghiêm túc như ngày xưa nữa. Nhưng ở một số vùng vẫn thực hiện rất nghiêm túc. Ông bà ta vẫn nói "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", chính vì thế mà nếu gia đình, vùng miền của bạn vẫn còn áp dụng các tục kiêng này thì các bạn trẻ cũng nên thực hiện nghiêm túc nhé! Các bạn có bổ sung tục kiêng gì của vùng miền, quê hương của mình.
GLO (st)