Những dòng sông chảy dọc theo những buôn làng của người dân tộc bản địa mang dòng nước mát lành, chở nặng phù sa góp phần dệt nên diện mạo và bản sắc văn hóa nơi mảnh đất huyền bí này.
Sông Krông Ana băng qua cánh rừng đại ngàn len lỏi qua vùng núi non hiểm trở rồi đổ xuống bồi phù sa phì nhiêu sinh ra bao cánh đồng màu mỡ cùng những buôn làng, thôn xóm dọc đôi bờ. Dòng sông đã nuôi dưỡng và tạo nên nền văn hóa đặc trưng, riêng biệt.
Thấm đẫm văn hóa tộc người
Từ thành phố Buôn Ma Thuột ngược về thị trấn Buôn Trấp, (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), tôi đi trong nắng vàng như rót mật giữa tiết trời se lạnh trên cung đường uốn lượn, hai bên là những thửa ruộng một màu xanh ngắt.
Chị H Lâm hướng dẫn các bé gái đánh chiêng |
Buôn đồng bào Êđê Bih nằm nép mình bên dòng sông Krông Ana. Điều làm nên nét đẹp thơ mộng cho vùng đất này là cánh đồng lúa trải dài bất tận xa tít chân trời cùng dòng sông uốn lượn. Đi sâu vào buôn, những ngôi nhà sàn gỗ, hay nhà cấp 4 xen lẫn giữa mảng màu xanh mướt mà thiên nhiên ưu ái, tạo nên bức tranh bình dị, mộc mạc, say đắm lòng người.
Buôn đồng bào Êđê Bih thú vị hơn qua câu chuyện của già Y Chôh Niê (SN 1948) tên thường gọi Ama Sơn bên bếp lửa cuối ngôi nhà sàn, trong câu chuyện ấy là tấm lòng người Êđê Bih hồn hậu, chân tình, cùng giúp nhau vượt qua gian khó, tính cộng đồng thêm bền chặt. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, cánh đồng lúa vàng ươm trở thành nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần họ.
Già Ama Sơn cho biết, buôn Trấp có 565 hộ dân, người Êđê Bih chiếm 70%. Đối với người Êđê trước đây, chỉ có nhánh Êđê Bih là cho phép người nữ đánh chiêng, còn ở các nhánh Êđê khác, việc đánh chiêng chỉ dành cho nam giới. Nhiều năm qua, đội chiêng Jhô buôn Trấp được mời đi diễn tấu ở nhiều lễ hội trong và ngoài nước. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk khai giảng lớp truyền dạy đánh chiêng Jhô của người Êđê Bih ở thị trấn buôn Trấp. |
Từ một vùng lau sậy, sình lầy một cánh đồng trù phú bạt ngàn đã hình thành, đem lại ấm no cho hàng ngàn người dân. Trong những ngày tháng gian khổ ấy, dòng sông mẹ vỗ về nuôi dưỡng bao phận người khó nhọc cần lao. Bao đời nay, người dân bám vào dòng sông sinh sống bằng việc đánh bắt tôm, cá, sản xuất lúa nước trên cánh đồng nặng phù sa. Gắn bó cả đời người, những hoài niệm của già Ama Sơn về dòng sông mẹ hiền hòa xa xưa vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ. Ngày ấy, bà con sống rải rác quanh sông ở đồi Ma Trưng, buôn Kduh , buôn Choah… Sợ bà con nuôi giấu anh em cách mạng nên năm 1969, Mỹ dồn dân lập ấp về đây (buôn Trấp bây giờ).
Nằm trong lưu vực của dòng sông Krông Ana, buôn Trấp là một địa danh cổ gắn liền với nơi cư trú chủ yếu của các buôn Êđê Bih (một nhánh của người Êđê). Buôn Trấp theo tiếng Êđê nghĩa là vùng đất sình lầy. Họ có nhiều nét văn hóa tương đồng nhưng cũng khác biệt so với chính người Êđê trong cùng khu vực. Các buôn làng Êđê Bih sớm biết trồng lúa nước. Ngày ấy mỗi gia đình khai hoang khoảng vài ba sào làm lúa. Họ sử dụng công cụ giản đơn như cày, cuốc cùng con trâu phục vụ nông nghiệp.
Đội chiêng nữ buôn Trấp |
Nhìn ra dòng sông đang cuồn cuộn chảy, già Ama Sơn chia sẻ, trước đây, có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và nắng. Mùa mưa nơi đây như một biển nước, mùa này bà con giăng câu, thả lưới đánh cá. “Ngày đó cá nhiều đến nỗi, đứng trên thuyền đưa rổ xúc là có ngay cá ăn. Người Êđê Bih dùng thuyền độc mộc tự chế tìm đến các buôn làng khác trao đổi và mua bán hàng hóa. Thời bấy giờ, 4 con cá lóc, hoặc cá trê to đổi được 1 kg gạo. Từ ngày có các đập thủy điện, không còn cảnh nước dâng trong thời gian nửa năm”, già Ama Sơn nói.
Níu giữ văn hóa riêng biệt
Từ rất lâu, nép mình bên dòng sông Krông Ana, người Êđê Bih bao đời nay vẫn duy trì đội chiêng nữ buôn Trấp. Đây là dàn chiêng nữ duy nhất với phong tục khác lạ. Ngày ấy, bà con trong buôn sáng ra ruộng, chiều quăng chài trên sông kiếm cá và tối về trước khi ngủ phải nghe một bài chiêng. Họ yêu tiếng chiêng, quyết gìn giữ bảo tồn giá trị tinh thần trước cuộc sống hiện đại hóa của buôn làng.
Trong bạt ngàn nắng gió, trước sân nhà cộng đồng buôn, tiếng chiêng vang lên như tiếng lòng người phụ nữ nói với đất trời, gia đình. Già Ama Sơn cho biết: “Mỗi năm hè về, các bà, các chị tập hợp lũ trẻ dạy đánh chiêng, để lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình”. Đang miệt mài tập chiêng cho lũ trẻ, chị H Lâm Hmok (thành viên đội chiêng) chia sẻ, toàn bộ hoạt động diễn tấu dàn chiêng Jhô đều do phụ nữ thực hiện. Dàn chiêng Jhô có 6 chiếc được phân ra thành 3 cặp: cặp chiêng mẹ, chiêng con và chiêng bố. Cùng với trống Hơ gơ bắt nhịp, 3 cặp chiêng tạo nên những hợp âm khác nhau.
Với chị, việc đánh chiêng như hít thở khí trời. Khi mới 3- 4 tuổi cô bé H Lâm đã theo mẹ đến lễ hội, buổi tối ngồi bên hông nhà dài xem mọi người đánh chiêng. Năm lên 7 tuổi, H Lâm được mẹ cầm tay dạy chiêng. Chị không chỉ hiểu mà còn yêu các bài chiêng dân tộc mình, đặc biệt thích điệu múa đi kèm bài chiêng như: Cúng lúa mới, mừng lúa mới.
Bước chân êm ru trên con đường nhựa chạy giữa buôn, giọng già Ama Sơn nhẹ bẫng: Người Êđê Bih còn có nghề đan dệt chiếu là một trong những nghề thủ công truyền thống mà không phải buôn làng Êđê nào cũng có. Già kể, ngày ấy, cây cói mọc khắp các bãi sình lầy dọc sông Krông Na, bà con đi lấy cói về làm quanh năm. Cói được phơi khắp từ trong sân ra tận ngoài ngõ. Chiếu của người Êđê Bih rất được ưa chuộng. Vì thế nhà nhà dệt chiếu, người người dệt chiếu, tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi là dệt, những chiếc chiếu được dệt ra vừa bền vừa đẹp giá rẻ nên bán đến đâu hết đến đó. Chiếu không chỉ dùng trong sinh hoạt mà còn sử dụng phổ biến tại các lễ hội. Giọng già bỗng trầm xuống cố nén tiếng thở dài: Thời kỳ hưng thịnh về nghề dệt chiếu của người Êđê Bil giờ đã chìm vào quên lãng. Hiện nay nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ “thất truyền”. Bây giờ, vùng nguyên liệu bị thu hẹp, cấu trúc buôn làng, kiến trúc nhà dài thay đổi, người dân ít quan tâm đến lễ hội nên nghề dệt chiếu cũng hết thời. Hiện chỉ còn một vài nhà biết dệt, và chỉ dệt để phục vụ trong gia đình.
Dừng trước ngôi nhà có chiếc cầu thang khắc đôi bầu sữa huyền bí, già Ama Sơn niềm nở nói, họa tiết này được xem là biểu trưng của quyền lực người phụ nữ, nét uy quyền trong văn hóa mẫu hệ của người Êđê, muốn nhắc nhở mọi người phải nhớ đến công lao của những người phụ nữ trong gia đình. Phía sau biểu trưng này chứa đựng nhiều câu chuyện mang đậm chất nhân văn, truyền thống chỉ có ở cộng đồng người Êđê. Bây giờ, cuộc sống hiện đại không phải nhà Êđê nào cũng có chiếc cầu thang khắc họa hình đôi bầu vú đặc biệt này.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Thảo (TPO)