Phóng sự - Ký sự

Những đứa con của đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có những người con đại ngàn Tây Nguyên hằng ngày nỗ lực vươn lên để trở thành tấm gương sáng về khát vọng làm giàu; đau đáu tình yêu với văn hóa bản địa… Mỗi người một mơ ước, nhưng tựu chung lại, họ đã và đang làm đẹp thêm cuộc đời này, tô đẹp thêm nét văn hóa của người Ê Đê.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.



Từ khát vọng Ê Đê…

Câu chuyện hoa hậu H’Hen Niê làm nên kỳ tích khi lọt Top 5 chung cuộc trong cuộc thi chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018 lan tỏa niềm vui khắp buôn làng ở Đắk Lắk.

Ngay trong đêm chung kết, câu nói “Ngày hôm nay tôi đứng ở đây, tôi làm được, các bạn cũng làm được" của H’Hen đã truyền cảm hứng "vượt lên chính mình" cho nhiều người trẻ Ê Đê.

Năm 2014, Y Pốt Niê tốt nghiệp trường cao đẳng y tế Đà Nẵng rồi xin làm việc tại một số bệnh viện ở Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Một lần tình cờ, Y Pốt tặng vài người bạn thân gói cà phê bột do nhà anh tự rang xay, được bạn khen ngợi về chất lượng tuyệt vời.

Từ những lời động viên ban đầu, Y Pốt bắt đầu suy nghĩ về việc tạo ra một thương hiệu cà phê của người bản địa. Nghĩ rồi làm, chàng trai người Đắk Lắk quyết định gác lại chuyện học hành để quay về quê hương lập nghiệp.

“Vì tôi là người Ê Đê nên tôi sẽ lấy chính văn hóa đồng bào mình để vươn lên như tấm gương của hoa hậu H’Hen Niê”- Y Pốt mở đầu câu chuyện.


 

 Y Pốt Niê là người tạo ra thương hiệu Cafe Ê Đê. Ảnh: NVCC
Y Pốt Niê là người tạo ra thương hiệu Cafe Ê Đê. Ảnh: NVCC


 Nghĩ rồi làm, ban đầu Y Pốt Niê sử dụng công thức pha chế và xử lý hạt cà phê của buôn làng để làm ra sản phẩm thương mại.

Sau nhiều cố gắng, bây giờ anh đã có một thị trường riêng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động tại quê nhà. Hiện Y Pốt đã trình hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội để đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch mang nhãn hiệu “Êđê Cafe” – thương hiệu cà phê đầu tiên của một người Ê Đê ở Đắk Lắk.

Thế hệ người Ê Đê có những mơ ước táo bạo như Y Pốt không phải là hiếm. Ở đâu họ cũng luôn ý thức rõ ràng về mơ ước, về khát vọng đổi đời, dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc mình.


 

 Y Pốt Niê trong một lần chế biến cafe nguyên chất. Ảnh: NVCC
Y Pốt Niê trong một lần chế biến cafe nguyên chất. Ảnh: NVCC


 Nền văn hóa Ê Đê giờ được chính thế hệ trẻ như hoa hậu H’Hen Niê, Y Pốt Niê quảng bá rộng rãi. Vui hơn nữa vì giới trẻ hội nhập nhưng giữ được trong mình cái chân thật, cái hào sảng vốn có.

Chính hình ảnh hoa hậu H’Hen Niê đi chân trần trao lại vươn miện hoa hậu cho người kế nhiệm trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 đã thay cho bao lời giới thiệu mỹ miều về mảnh đất và con người Tây Nguyên đại ngàn.

Bảo tồn văn hóa bản địa

Người Ê Đê tin rằng, nền văn hóa của họ được bảo tồn nguyên vẹn là nhờ được che chở dưới những tán rừng già và uống chung trên một dòng sông Sêrêpốk.

Cũng chính dòng nước con sống mẹ tưới mát đời sống của buôn làng, rồi bản sắc văn hóa đó góp phần tạo ra sức sống  văn hóa đa dạng của dòng MêKong.

Văn hóa Ê Đê còn được các chuyên gia đánh giá là nền văn hóa mở, chào đón tất cả mọi người đến tìm hiểu, tôn trọng và cùng nhau bảo tồn phát triển.

Người Ê Đê cũng không nặng nề chuyện chung dòng máu hay màu da, tiếng nói. Chỉ cần một tấm lòng, một tình yêu với văn hóa bản địa, bạn sẽ được buôn làng chào đón và xem như một thành viên trong gia đình người Ê Đê.

Điển hình như trường hợp của bà Lê Thị Lý – buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột – người phụ nữ được nhiều buôn làng xem như người con của buôn làng, bởi những gì bà làm cho người đồng bào tại chỗ.


 

 Bà Lê Thị Lý nhiều năm nay thường xuyên đồng hành với người Ê Đê trong việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: LX
Bà Lê Thị Lý nhiều năm nay thường xuyên đồng hành với người Ê Đê trong việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: LX


Chuyện là mấy chục năm qua, bà Lý tình nguyện lặn lội vào các thôn, buôn ở Đắk Lắk để sưu tầm, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm.

Hình ảnh người đàn bà trẻ trung, luôn mặc trên mình bộ đồ thổ cẩm giản dị đã trở nên thân thuộc ở nhiều thôn buôn. Thời điểm cuối năm, người ta lại thấy bà Lý một mình tìm đến các làng nghề để thu mua các sản phẩm dệt thổ cẩm.

Bà Lý mong muốn công việc của bà sẽ góp phần nhỏ trong việc bảo tồn và quảng bá rộng rãi nghề dệt thổ cẩm – nét văn hóa độc đáo của người Ê Đê.

"Hiện những nghệ nhân dệt thổ cẩm phần lớn đều lớn tuổi. Chính vì vậy, việc khuyến khích, ủng hộ để thế hệ trẻ người Ê Đê theo nghề dệt thổ cẩm là vô cùng quan trọng.


 

 Nụ cười của cô gái người Ê Đê khi đang dệt thổ cẩm. Ảnh: HL
Nụ cười của cô gái người Ê Đê khi đang dệt thổ cẩm. Ảnh: HL


 Tôi tin rằng, một khi giới trẻ đã theo nghề truyền thống không chỉ giúp các bạn có thêm thu nhập mà qua đó, góp phần bảo tồn văn hóa người Ê Đê bền vững nhất" - bà Lý tâm sự.

Cùng đồng hành với bà Lê Thị Lý trên hành trình bảo tồn, giúp đỡ người Ê Đê là ông Khăm Phết Lào - con trai của Vua voi Amakong. Ít ai biết, cha Khăm Phết Lào - Vua voi Amakong, vốn là người Lào rồi sang mảnh đất Buôn Đôn (Đắk Lắk) lấy vợ người M’nông và sinh ra ông.

Bên cạnh nghề bán thuốc gia truyền giúp đời, người ta vẫn thấy hình ảnh Khăm Phết đến các thôn buôn người Ê Đê để làm từ thiện, tự bỏ tiền xây nhà miễn phí cho người nghèo. Con người Khăm Phết thích giao lưu, trọng chữ tín.

Một khi đã mến ai nhất định sống bằng tấm lòng chân thật. Chuyện là vào năm hoa hậu H’Hen Niê mang vương miện về với buôn làng trên xe công nông, Khăm Phết biết chuyện đã bỏ ra hằng trăm triệu đồng để xây nhà tình thương cho nhiều người ở buôn làng nơi H’Hen sinh ra.

Hỏi ra mới hay, không chỉ kết nghĩa với bố mẹ hoa hậu H’Hen, đến đâu Khăm Phết Lào cũng sẵn sàng kết nghĩa anh em với nhiều người Ê Đê.


 

 Ông Khăm Phết Lào hằng ngày bốc thuốc và làm từ thiện giúp đời. Ảnh: HL
Ông Khăm Phết Lào hằng ngày bốc thuốc và làm từ thiện giúp đời. Ảnh: HL


 Chúng tôi xin mượn lời ông Khăm Phết Lào để thay cho lời kết rằng: Ông chưa bao giờ nghĩ mình là người M’Nông hay người Ê Đê.

Với Khăm Phết, người Kinh, Ê Đê, M’Nông… một khi đã sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên, một khi được hít thở cái không khí của đại ngàn thì đều mặc nhiên trở thành người một nhà.

 

https://dulich.laodong.vn/cau-chuyen-du-lich/nhung-dua-con-cua-dai-ngan-781994.html

Theo Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm