Những hoạt động ý nghĩa ở Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ nhiều năm nay, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai đã trở thành chỗ dựa, niềm hy vọng của những người không may trong cuộc sống. Các hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa của Hội đã góp phần kéo gần lại những chênh lệch và khoảng cách xã hội thông qua việc hỗ trợ tích cực về vật chất, tinh thần đối với người tàn tật và trẻ mồ côi.
“Chăm lo một cái Tết đầm ấm…”
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Tân Mão. Trong niềm hân hoan đón Tết vẫn luôn có những băn khoăn về nhiều hoàn cảnh khó khăn trước thiếu thốn bộn bề cùng cái giá lạnh cao nguyên. Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai là một trong những đơn vị luôn lo trước điều này.
Ảnh: Phương Duyên
Ảnh: Phương Duyên
Ông Lưu Ô Y Nôm- Phó Chủ tịch Hội- phấn khởi cho biết: Trong hai ngày (18 và 19-1), Hội sẽ tổ chức thăm và tặng quà cho người tàn tật và trẻ mồ côi các huyện Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa, mỗi địa phương 50 suất quà (trị giá 200.000 đồng/suất). “Món quà tuy nhỏ nhưng hy vọng sẽ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn đón một cái Tết đầm ấm”-ông nói.
Bên cạnh đó, vào ngày 27-1 (tức ngày 25 tháng Chạp), Hội sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức cho 295 trẻ mồ côi, khuyết tật đón Tết tại TP. Pleiku, đồng thời tặng quà, tiền hỗ trợ, đem lại chút ấm lòng cho các cháu trong mùa Xuân mới.
Trong năm 2011, Hội cũng sẽ tiếp tục nhiều chương trình thiết thực như: Biểu dương những người tàn tật và trẻ mồ côi vượt khó trong lao động, học tập; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở; xây dựng mô hình sinh kế ở một vài dự án; thăm, tặng quà và trao học bổng; tổ chức vui chơi cho các cháu mồ côi, khuyết tật vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu…
Những hoạt động thiết thực
Chính thức thành lập từ năm 1993, đi vào hoạt động quy củ và có cán bộ chuyên trách từ năm 2008, Hội đã thể hiện sự hết lòng, hết sức và tinh thần trách nhiệm cao của một đơn vị bảo trợ đối với những con người thiệt thòi, bất hạnh.
Ông Trương Đình Ba- Thư ký Hội, cho biết: Năm 2010, bằng nguồn ngân sách và các hình thức vận động, quyên góp, Hội đã phối hợp với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các ban ngành, đoàn thể tặng 66 suất học bổng trị giá 33 triệu đồng cho các em học sinh mồ côi, khuyết tật; hỗ trợ xây 1 nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng cho cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung ở huyện Mang Yang; tặng 832 suất quà (trị giá gần 124 triệu đồng) vào các dịp Tết Canh Dần, Tết Trung thu, ngày “Bảo vệ và chăm sóc người tàn tật Việt Nam”…
Một hoạt động “điểm nhấn” của Hội trong năm qua là tổ chức “Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ I-2010”, qua đó khen thưởng 55 cá nhân và 3 tập thể tiêu biểu. Có thể thấy rằng, sự động viên, hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà kịp thời của Hội đã khuyến khích người tàn tật và trẻ mồ côi tự tin vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ dần mặc cảm để hòa nhập tốt hơn với xã hội. Các nhà tài trợ, các đoàn thể, đơn vị cũng tăng thêm niềm tin, niềm hy vọng vào những đóng góp hiệu quả của mình trong việc chung tay hỗ trợ cho người tàn tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh.
Ông Lưu Ô Y Nôm khẳng định: Những năm qua, UBND tỉnh đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho Tỉnh hội cả về vật chất, trang-thiết bị, kinh phí hoạt động. Song, bên cạnh đó, ông cũng nêu băn khoăn: Đến nay, chưa có Huyện hội nào được thành lập (trừ thị xã Ayun Pa có Ban vận động). “Chúng tôi mong rằng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thành lập các Ban vận động, tiến đến Đại hội Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi cấp huyện, thị xã, thành phố. Có như vậy thì Hội mới có điều kiện tập hợp hội viên, hỗ trợ tốt hơn nữa cho người tàn tật và trẻ mồ côi, phát huy tốt truyền thống lá lành đùm lá rách”-ông đề xuất.
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm