Phóng sự - Ký sự

Những khoảnh khắc bị bỏ lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong quá trình tác nghiệp, vì lý do bất khả kháng, không ít phóng viên các báo-trong đó có Báo Gia Lai-từng vô cùng tiếc nuối trước những khoảnh khắc hay sự kiện “nóng” bị bỏ lỡ khiến bài báo không được như mong muốn, thậm chí là không đến được với bạn đọc.

Nhưng cũng chính sự tiếc nuối ấy là minh chứng sinh động nhất cho lòng yêu nghề, sự tâm huyết và dấn thân của người cầm bút trước những sự kiện đang được bạn đọc quan tâm.  

Tiếc một chuyến “lên rừng, xuống biển”

 

Ảnh: Đức Thụy

Phóng viên Lê Văn Ngọc, một phóng viên trẻ xông xáo của Phòng Văn hóa-Xã hội, chia sẻ một thông tin hay đã bị bỏ lỡ khiến Ngọc cứ tiếc mãi: Cuối năm 2013, người dân báo tin có một khối lượng lớn gỗ hương bị lâm tặc khai thác và tập kết ở ven một bờ suối tại xã Krong (huyện Kbang). Đây là nơi nổi tiếng với khối lượng gỗ hương còn nhiều nhất tỉnh. Khi nghe tin, Lê Văn Ngọc cùng một đồng nghiệp lập tức làm một chuyến công tác đến Kbang và gặp người cung cấp thông tin, nhưng người này không dám dẫn đường vì sợ bị trả thù. Hai phóng viên bèn đóng giả là người đi câu cá, bí mật bỏ máy ảnh vào trong túi đựng đồ đi câu để tiếp cận hiện trường. Lê Văn Ngọc nhớ lại: “Trên đường xuống suối có một nhóm lâm tặc đang ngồi nhậu bên đường, chờ xe đến vận chuyển gỗ. Nhóm lâm tặc thấy chúng tôi liền nghi ngờ. Chúng bám theo, hất hàm hỏi “Chúng mày đi đâu” rồi nói đầy đe dọa “Ở đây không có cá đâu, về đi”. Bị nhóm người quá đông chặn đầu và tỏ vẻ uy hiếp, 2 phóng viên giả vờ bỏ đi chỗ khác câu, tìm cơ hội khác tiếp cận bãi tập kết. Tuy nhiên, nhóm lâm tặc vẫn hết sức cảnh giác: “Bọn mày ở đâu, sao bọn tao không biết?” rồi cử luôn 4 người “áp tải” 2 người đi câu ra khỏi rừng. “Sau đó, tôi có gọi điện về cho Trưởng phòng báo cáo tình hình, nhưng cũng được khuyên là phải rút thôi, an toàn là trên hết, bởi nhóm lâm tặc quá đông và hung hãn. Sau đó, không biết từ đâu, chúng đoán ra người cung cấp thông tin và đến tận nhà đập phá, đe dọa. Người báo tin lúc này lại cũng nghĩ là mình “thông đồng” với lâm tặc. Tôi cứ tiếc mãi vì không thực hiện được bài báo và cũng không biết phải làm sao để giải thích với người đã cung cấp thông tin”-Lê Văn Ngọc kể lại.

Tương tự, đến giờ phóng viên Lê Văn Anh (Phòng Nội chính-Xây dựng Đảng) vẫn còn tiếc nuối, vì một chút chậm chân mà đã vuột mất một khoảnh khắc hay. Anh cho hay: Đó là vào tháng 5-2014, được sự đồng ý của Ban Biên tập, anh có chuyến công tác tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để phản ánh về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời ngạo ngược tấn công, cướp tài sản của ngư dân ta khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong chuyến công tác đó, do những trắc trở trong việc đi lại nên khi đến đảo Lý Sơn, chỉ vì chậm một buổi mà tàu cá QNg 96416 TS của anh Nguyễn Lộc (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) và tàu QNg 96001 TS của anh Huỳnh Tấn Được (thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn) bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản trên vùng biển Hoàng Sa gây hư hỏng nặng đã được kéo đi sửa chữa. Do đó, anh không thể ghi lại những hình ảnh đắt giá để chuyển tải đến bạn đọc một cách chân thực nhất, kịp thời nhất, trong khi cơ hội để đến Lý Sơn lần nữa là không nhiều. “Với tôi, đó là khoảnh khắc bỏ lỡ đáng tiếc nhất trong gần 10 năm cầm bút. Tuy nhiên, chuyến đi đó chúng tôi cũng đã kịp khai thác nhiều vấn đề hay về quyết tâm của ngư dân trong việc bám ngư trường, bám lấy vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, như là một cách giữ biển”-Lê Văn Anh chia sẻ.

“Giá thời gian quay ngược…”

 

“Từng nung nấu đề tài viết về trang sức của người bản địa Tây Nguyên, trong nhiều chuyến công tác về làng, tôi vẫn để tâm đến việc tìm nhân vật-những con người đặc biệt hiểu về nét văn hóa này, nhưng đến khi gặp được nhân vật đắt giá cho bài viết thì tôi lại để vuột mất”-đó là điều đáng tiếc mà Hoàng Ngọc-một phóng viên đã định hình phong cách ở mảng Văn hóa (Phòng Văn hóa-Xã hội) gặp phải, do sự quá… cầu toàn. Số là, trong một lần đi dự lễ bỏ mả của người Jrai ở vùng biên giới huyện Ia Grai, chị đã may mắn tìm thấy người cần gặp: một người đàn ông với những trang sức bằng đồng và ngà voi hết sức độc đáo. “Từ cách ông cầm tẩu hút thuốc đến trang phục, trang sức… đều toát ra thần thái, cốt cách của một người đàn ông Jrai đích thực. Nhưng tôi nghĩ nên “để dành” nhân vật cho cuộc gặp khác, khi không vướng bận bởi cuộc vui, ông sẽ toàn tâm toàn ý để trò chuyện về vấn đề tôi đang ấp ủ. Nhưng, không lâu sau, khi tôi quay lại ngôi làng đó tìm ông thì ông đã không còn… Già làng ở ngôi làng vùng biên ấy nói rằng, giờ tìm được người già còn lưu giữ được cũng như am hiểu về trang sức thì rất hiếm. Tôi đành gác lại đề tài với rất nhiều tiếc nuối”-Hoàng Ngọc bộc bạch.

Còn với Phương Dung-phóng viên chuyên mảng Quốc phòng (Phòng Nội chính-Xây dựng Đảng), sau chuyến công tác nhằm tiếp nhận các đối tượng vượt biên, chị cũng từng ước giá như mình có thể quay lại khoảnh khắc ấy để có thể phản ánh sự kiện tốt hơn. Chị kể: Đó là một đêm cuối tháng 8-2015, chị cùng đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Biên phòng  tỉnh có mặt tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) để thông tin về công tác tiếp nhận và đưa về địa phương 23 đối tượng bị kẻ xấu xúi giục vượt biên, trốn sang Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015. Khoảng 10 giờ đêm, chiếc xe Ford màu trắng tiến vào khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và dừng lại. 23 con người dắt díu nhau bước xuống xe. Sự lặng lẽ, hốc hác, mỏi mệt đã phần nào nói lên những cơ cực, tủi nhục mà họ đã phải trải qua nơi đất khách. Đặc biệt, trong số ấy có những cháu nhỏ chỉ mới 3-4 tuổi bị cuốn vào “giấc mơ giàu sang” của cha mẹ mình để rồi phải sống những tháng ngày lang thang, nguy hiểm nơi đất khách. “Tôi đã có dịp trò chuyện, nghe họ nói về những tháng ngày sống khổ cực và nỗi ân hận vì trót nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời kẻ xấu. Nhận ra sai lầm, họ đều mong muốn được quay trở lại quê nhà, được cộng đồng tha thứ và cho cơ hội để làm lại từ đầu. Khi các thủ tục tiếp nhận hoàn tất, các đối tượng được bàn giao cho lực lượng Công an để đưa về địa phương thì cũng đã quá nửa đêm. Quá khuya nên cứ nghĩ chừng ấy thông tin đã là đủ. Nhưng ngay sau đó, trên đường về, tôi cứ nghĩ, giá như lúc ấy mình ở lại và theo chân những con người ấy về với cộng đồng, chứng kiến họ được đón nhận như thế nào, được tạo một cơ hội hòa nhập ra sao thì hay biết mấy. Như thế bài viết sẽ sâu và dày dặn hơn rất nhiều”-chị tiếc nuối.

 Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm