Những khởi sắc và bất cập cần được tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Krông Pa mới chỉ có 2 xã đạt 6 tiêu chí (Ia Mlah, Phú Cần), 3 xã đạt 5 tiêu chí (Chư Drăng, Ia Rmok, Uar) và 8 xã còn lại mới chỉ đạt 4 tiêu chí. Theo đánh giá chung của địa phương, tiến độ triển khai chương trình còn chậm; quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần phải tập trung tháo gỡ.

Nông thôn khởi sắc

 

Nông dân xã Ia Malh-Krông Pa thu hoạch vụ mùa. Ảnh Lê Hòa
Nông dân xã Ia Malh-Krông Pa thu hoạch vụ mùa. Ảnh Lê Hòa

Trong 3 năm (2011-2013), tổng vốn huy động cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại huyện Krông Pa đạt gần 405,860 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn vốn khác nhau: ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn huy động từ các doanh nghiệp, vốn ODA, nhân dân đóng góp… Đây là nguồn vật chất không nhỏ, là cơ sở để huyện triển khai thực hiện chương trình.

Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, riêng trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, khai hoang đồng ruộng, thủy lợi… tổng kinh phí đầu tư đạt gần 145 tỷ đồng. Trong đó bao gồm các hạng mục như: hỗ trợ giống vật nuôi, phân bón, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề… nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả cũng như cải thiện môi trường sản xuất. Nhờ đó, mức tăng trưởng kinh tế của huyện duy trì hàng năm từ 10% đến 13%, tỷ lệ đói nghèo của huyện Krông Pa giảm còn khoảng 45,37% (giảm 5,06% so với năm 2011); trong 3 năm đã có 800 lao động được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được duy trì ở mức trên 80%...

 

Cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang, tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. Ảnh Lê Hòa
Cơ sở vật chất trường học ngày càng khang trang, tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. Ảnh Lê Hòa

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được đặc biệt quan tâm vì Krông Pa vẫn còn là một trong những địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thốn nhất tỉnh. Trong 2 năm (2011-2012), tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực này đạt 130,274 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư chủ yếu nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà ở, trụ sở làm việc các xã, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, buôn…

Song song với đó, công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội… cũng được quan tâm đầu tư, củng cố. Đến nay, việc phổ cập giáo dục THCS ở 13/13 xã đều đạt chuẩn so với yêu cầu, 13/13 xã có các tổ chức đoàn thể chính trị đạt danh hiệu tiên tiến trở lên, tỷ lệ các hộ dân nghe-xem đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam đạt 99%…

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang đem lại nhiều khởi sắc, thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn huyện Krông Pa. Chương trình không chỉ huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà con tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân.

Bất cập cần được tháo gỡ

 

Những cánh đồng lúa trĩu hạt nhờ có công trình hồ thủy lợi Ia Mlah. Ảnh Lê Hòa
Những cánh đồng lúa trĩu hạt nhờ có công trình hồ thủy lợi Ia Mlah. Ảnh Lê Hòa

Theo đánh giá của địa phương, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới liên quan tới nhiều lĩnh vực, đầu tư mang tính chất toàn diện nên cần một nguồn vốn rất lớn, trong khi đó, nguồn vốn của huyện còn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách cấp trên nên tiến độ thực hiện chậm. Thực tế, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng khoảng 40-60% yêu cầu thực tế, việc kêu gọi xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, trong khi đó, nhiều chương trình, dự án đầu tư còn dàn trải, tiến độ thi công chậm, hiệu quả chưa cao, chất lượng chưa cao.

Một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai của chương trình chính là vì xuất phát điểm của huyện còn thấp so mặt bằng chung của các địa phương khác. Sản xuất nông nghiệp đương đầu với nhiều rủi ro, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm nông nghiệp đa phần mới chỉ dừng ở những sản phẩm thô, công cụ lao động thô sơ, năng suất kém… Song song với đó, nhận thức của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí và tầm quan trọng cũng như vai trò chủ thể của người dân, do đó vấn đề phát huy nội lực cộng đồng địa phương trong thực hiện chương trình chưa được khai thác tốt. 

 

Lai cải tạo đàn bò-một trong những chủ trương lớn của huyện trong việc tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh Lê Hòa
Lai cải tạo đàn bò-một trong những chủ trương lớn của huyện trong việc tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh Lê Hòa

Không những thế, hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo của Krông Pa mới chỉ đạt 6,7%, chưa có xã nào đạt yêu cầu so với tiêu chí đạt trên 20%; 13/13 xã có trạm y tế song chưa có trạm y tế nào đạt chuẩn, hiện mới chỉ có 2 xã đạt 6/10 chỉ tiêu chuẩn y tế xã; tỷ lệ hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh đạt 77%; công tác thu gom rác thải mới chỉ đạt 15,38%...

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, huyện Krông Pa sẽ phấn đấu xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của nhóm đạt 6 tiêu chí/xã. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, Ủy viên Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới, cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu trên sẽ rất khó khăn, quan trọng nhất là phải giải quyết được khó khăn về nguồn vốn. Về phía địa phương, huyện sẽ cố gắng tập trung đầu tư phát triển kinh tế bền vững theo hướng coi trọng giá trị gia tăng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đào tạo cán bộ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng hơn nữa nhân tố con người, làm sao phát huy tính dân chủ, trao quyền cho người dân để khơi gợi sức sáng tạo cũng như huy động tốt hơn nữa sức đóng góp của nhân dân vào chương trình này”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm