Những lớp học đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những lớp học trong bài viết này là những lớp học đặc biệt bởi nhiều lẽ: Môi trường giáo dục đặc biệt, học sinh đặc biệt và ấn tượng hơn cả đó là tấm lòng yêu nghề, mến trò và sự tận tâm với công việc lắm nhọc nhằn này của những thầy-cô giáo đặc biệt.

“Giành phần gian khó”

Với cô giáo H’Khuyn-giáo viên duy nhất ở Trung tâm Nuôi dưỡng-Phục hồi Chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam-dioxin tỉnh Gia Lai, những ngày tháng 11 luôn đong đầy cảm xúc. Niềm hạnh phúc không phải là được nhận lại mà là vì đã cho đi và san sẻ tình cảm của mình với gia đình của 40 học sinh trong lớp học đặc biệt này. 40 gương mặt ngây ngô, thậm chí là khờ dại… cũng là chừng ấy nỗi đau đối với những đấng sinh thành, khi con mình không may gánh chịu những di chứng từ chất độc da cam-dioxin.

 

   Cô giáo H’Khuyn: “3 năm gắn bó với lớp học, tôi thấy mình đã không lựa chọn sai lầm”. Ảnh: Phương linh
Cô giáo H’Khuyn: “3 năm gắn bó với lớp học, tôi thấy mình đã không lựa chọn sai lầm”.
Ảnh: Phương Linh

Mỗi em một hoàn cảnh, một tật bệnh khác nhau. Dù Trung tâm quy định độ tuổi nhận trẻ đến chăm sóc và điều trị từ 7 đến 18 tuổi nhưng hiện lớp học có em đã bước qua tuổi 24. Cái tình, sự đồng cảm và cả thương xót những mảnh đời bất hạnh khiến cho các cán bộ trong Trung tâm không nỡ từ chối bất cứ trường hợp nào. Và thế là lớp học của cô giáo H’Khuyn lại càng đa dạng hơn và nhiều niềm vui hơn. Đó cũng là cách cảm nhận của riêng cô giáo H’Khuyn mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu. Thậm chí gia đình còn phản đối khi cô sinh viên Jrai H’Khuyn chuyên ngành mầm non ngày nào quyết định chuyển hướng sang Khoa Giáo dục đặc biệt. “Bởi ai lại từ chối việc nhẹ nhàng để giành phần gian khổ đúng không? Nhưng 3 năm gắn bó với lớp học, tôi thấy mình đã không lựa chọn sai lầm”-cô giáo H’Khuyn trải lòng. Niềm vui của cô giáo H’Khuyn đến từ những điều bình thường, đôi khi tưởng chừng như nhỏ nhặt. Ấy là khi có 1 học trò nhớ được thêm 1 chữ cái, làm được 1 phép tính, hay đơn giản chỉ là biết vòng tay chào cô. Trong chính điều kiện khó khăn ấy, những niềm vui giản dị ấy lại càng đáng quý hơn biết dường nào. Vì thế, khi cậu học trò nhỏ  khiếm thính kiên trì gõ đến hết những nốt cuối cùng của bài hát trên chiếc đàn T’rưng trong góc lớp, tôi thấy niềm hạnh phúc vô bờ lấp lánh trong đáy mắt của cô giáo trẻ H’Khuyn.

Không giống học sinh của cô giáo H’Khuyn, lớp học ở làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Pah lại đặc biệt theo một cách khác. Tên gọi “làng phong” mà nhiều người vẫn quen dùng bấy lâu nay như phủ chụp người dân làng Bluk Blui trong màn sương của sự mặc cảm và tự tin, dù cho căn bệnh ấy đang dần lùi xa. Và lớp mầm non chính là đốm lửa dần xua tan màn sương ấy, mang lại niềm hy vọng về một cuộc sống mới tươi sáng hơn. Vượt qua được những e dè, hoài nghi những ngày đầu đứng lớp, giờ đây, cô giáo H’Phul đã trở thành người giữ lửa trong sự tin tưởng và yêu quý của bà con dân làng. Kinh nghiệm 20 năm gắn bó với công tác dạy học mầm non ở vùng khó khăn cùng với tình yêu thương những học sinh nhiều thiệt thòi nơi đây đã thổi bùng trong cô H’Phul lòng quyết tâm phải thắp sáng tri thức cho thế hệ tương lai trong làng. Nhưng thực tế khó khăn, thiếu thốn đủ bề là trở lực không nhỏ trong nhiều năm nay. Loay hoay nghĩ cách, rồi nỗ lực mày mò, cái gì không tự làm được, cô giáo H’Phul mạnh dạn nhờ phụ huynh trong làng. Cô hào hứng kể: “Nhờ đó mà lớp mầm non dần đầy đủ hơn, khang trang và ấm áp hơn. Dù những đồ chơi tự làm còn khá đơn sơ nhưng phần nhiều là những món đồ mang đặc trưng truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Tình yêu buôn làng, yêu cuộc sống của các em học sinh được nuôi dưỡng lớn dần lên theo cách đó”. Nỗ lực của cô giáo H’Phul được ghi nhận bởi danh hiệu nữ nhà giáo tiêu biểu và được chọn tham dự Hội nghị biểu dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2013. Bên cạnh cô H’Phul vẫn còn rất nhiều những thầy-cô giáo, đang ngày đêm cần mẫn gieo chữ trồng người nơi vùng đất khó. Với những giáo viên ấy, danh hiệu cao quý nhất và phần thưởng xứng đáng nhất là tình cảm trân trọng của bao thế hệ học trò dành cho mình.

Lớp học của những nghịch cảnh

Học tập không chỉ mang đến ánh sáng tri thức mà còn giúp mỗi người hoàn thiện bản thân. Đó là mục đích lớn nhất của những người chủ trương mở lớp xóa mù và phổ cập tiểu học ở Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đứng chân trên địa bàn huyện Mang Yang.

Các học viên trong lớp không cùng tuổi tác hay hoàn cảnh xuất thân, họ gắn bó với nhau bởi những nghịch cảnh của cuộc đời. Những nghịch cảnh tưởng chừng như nhấn họ chìm sâu trong khoảng tối của sự ăn năn vì những lỗi lầm không dễ gì tha thứ. Bộ đồng phục phạm nhân của các học viên chắc chắn càng đặt trách nhiệm nặng nề hơn với những người thầy khoác trên mình màu xanh áo lính. Bởi không chỉ là những kiến thức mới trong từng buổi học, điều mà các phạm nhân cần là sự thấu hiểu và khơi dậy nên ước muốn phải sống và niềm tin làm lại cuộc đời. Đó cũng là chia sẻ của học viên Siu Thoi: “Em ngày xưa không biết chữ, không hiểu pháp luật nên phạm tội. Vào đây, được các quản giáo dạy cho học, giờ học đến lớp 3 rồi, biết đọc, biết viết em rất vui. Sau này khi ra trại em sẽ lo làm ăn đàng hoàng”.

Mỗi người đến với nghề giáo và gắn bó với công việc ươm chữ trồng người này bởi một lý tưởng hay đôi khi chỉ là một nguyên do. Nhưng có lẽ ai đã từng gắn bó với phấn trắng, với bảng đen và với những thế hệ học trò sẽ không thể không nặng lòng với nghề nghiệp tuy cao quý nhưng lắm nhọc nhằn này. Bởi có thể không giàu có bằng doanh nhân, không nổi tiếng như nghệ sĩ nhưng ít có nghề nào chứa đựng nhiều ân tình giữa người với người như nghề dạy học. Câu chuyện về những lớp học đặc biệt hy vọng sẽ là một món quà dành tặng cho những người chèo đò thầm lặng đã đưa biết bao thế hệ học trò cập những bến bờ tri thức.

Hải Uyên

Có thể bạn quan tâm