Phóng sự - Ký sự

Những lớp học tình thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Lên thành phố ở, nó đâu có giấy tờ gì đâu mà xin đi học”, câu trả lời đầy ngậm ngùi và bất lực trước hoàn cảnh của một phụ huynh xóm nhà lá. Năm học mới đã bắt đầu, nhưng đâu đó tại TPHCM vẫn còn những mảnh đời nhập cư vẫn đang “khát” chữ.

Mơ được đến trường

Nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao ngất, tạm gọi là xóm nhà lá nằm phía sau chùa Thiền Tịnh (thuộc phường An Phú, quận 2), nơi đây như xóm ngụ cư của dân miền Tây xa xứ lên TP mưu sinh. Hơn 50 hộ dân, công việc chủ yếu là “ai thuê gì mần nấy”, đốn lá dừa nước, công nhân, phụ hồ cho những công trình đang xây dựng xung quanh đó.

 

Niềm vui vừa học được chữ cái mới rạng ngời trên gương mặt em N.N.T. (8 tuổi, xóm nhà trọ ven đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).
Niềm vui vừa học được chữ cái mới rạng ngời trên gương mặt em N.N.T. (8 tuổi, xóm nhà trọ ven đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).

Xóm nhà lá nằm trong khu đất quy hoạch để xây dựng khu đô thị, nhưng vì chưa thỏa thuận được giá bồi thường nên chủ đất không chịu di dời. Họ xây tạm nhà trọ, để dân tứ xứ đổ về thuê. Phòng trọ xập xệ bằng mái lá, lợp tole, mấy miếng gỗ cũ chắp vá, mỗi phòng rộng khoảng 20m2 nhưng có khi là nơi chui ra chui vào của 5 - 7 con người. Cuộc sống chật vật nhưng không ai nghĩ đến chuyện tìm nơi khác để trọ, vì ít ra ở đây họ cũng có chỗ che mưa che nắng với giá tầm trên dưới 1 triệu đồng/tháng, nơi mà đồng lương ít ỏi từ việc làm thuê làm mướn có thể gánh nổi.

Năm học mới đang bắt đầu, con nhà người ta mơ cặp sách, giày dép mới để đến trường, còn hơn 20 đứa trẻ của xóm nhà lá chỉ biết thả ước mơ vào những bãi đất ngổn ngang, dòng kênh đen ngòm quanh nhà. Vì là trẻ nhập cư, giấy tờ tạm trú không có, ba mẹ cũng không đủ điều kiện nên năm học mới với các em dường như đã bị bỏ quên đâu đó.

“Lên thành phố ở nó đâu có giấy tờ gì đâu mà xin đi học”, bà L.T.N. (quê Kiên Giang) rớt nước mắt khi nói về đứa cháu đến tuổi vào lớp một nhưng cũng chỉ thui thủi ở nhà theo chân bà ngoại. Theo lời bà L.T.N., gia đình dưới quê cũng không có đất đai gì, cả nhà sống dựa vào nguồn thu nhập từ việc đi biển của chồng và con rể bà, nên cứ thiếu trước hụt sau, chạy gạo từng bữa có khi cơm còn không đủ no. Cực chẳng đã, cả nhà dắt díu nhau lên đây sống cảnh tha phương cầu thực.

Chồng bà - ông L.V.L. ngoài tuổi lao động nên chỉ phụ hồ, đẩy gạch cho công trình gần đó, quần quật cả ngày nhưng cũng chỉ đủ cơm ngày ba bữa. Con rể và con gái khi thì đốn lá dừa nước mướn, khi thì phụ hồ công trường, tiền để dành đóng nhà trọ, chi phí sinh hoạt trong gia đình và thuốc men cho bà N. Bé L.Q.T. đến tuổi vào lớp một nhưng cũng chỉ biết quanh quẩn trong căn nhà ọp ẹp, trời nắng thì nóng như thiêu đốt, trời mưa nước ngập úng, mùi hôi từ con kênh đen ngòm quanh nhà bốc lên nồng nặc.

“Coi tivi thấy tụi con nít tựu trường đi học nó cũng ham lắm, nhưng trên này cái giấy tạm trú cũng không có nên xin đi học đâu có dễ, vài bữa ba nó có lương mua cuốn tập với cây viết cho nó đỡ tủi”, bà L.T.N. nghẹn ngào nói về mơ ước đi học của đứa cháu.

Ngụ cư tìm chữ

Lo lắng con mình sẽ thất học, chị H.T.M.H. (quê Sóc Trăng) cũng cố gắng cho con đi học để biết cái chữ. Lúc đầu chị cho bé M.H. (8 tuổi) theo học một học sinh cấp 3 gần đó, tập đọc, tập viết, để biết mặt chữ với giá 240.000 đồng/tháng. Nhưng đồng lương từ việc “ai thuê gì mần nấy” bấp bênh, không ổn định có tháng vừa đủ xoay mọi chi tiêu, có tháng phải chạy gạo để ăn, nên việc học của bé M.H. cũng bị đứt gánh. Hàng ngày, vợ chồng chị đi làm từ sáng sớm đến chiều mới về, bé M.H. dù đang tuổi ăn tuổi học nhưng cũng chỉ biết ở nhà trông em, rồi phụ ba mẹ quét nhà, giặt đồ… Hỏi về mơ ước được đến trường, ngồi trong lớp học như bao bạn nhỏ khác, bé M.H tiếc nuối kể về những buổi học dang dở của em: “Lâu lâu con cũng lấy tập ra coi lại sợ quên chữ, mà cũng sợ em con nó giật rách, nên con cất luôn”.

Trên đây chỉ là vài hoàn cảnh trong nhiều hoàn cảnh “khát” chữ ở những xóm lao động nhập cư. Trên địa bàn thành phố, nơi mà bóng dáng những khu đô thị mới đang dần hiện hữu, thì vẫn còn đó một xóm nhà lá với những đứa trẻ bị dòng đời xô đẩy dở dang chuyện đến trường.

Mùa tựu trường đang rộn ràng, quần áo, cặp sách, giày dép, tập, viết mới… đang mùa giảm giá và khuyến mãi. Nhưng ở xóm nhà trọ ven đường Nguyễn Văn Linh (thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) nhiều gia đình không bận tâm đến năm học mới. Những đứa trẻ tuổi ăn tuổi học cứ nheo nhóc lớn lên, chuyện miếng cơm manh áo, chạy ăn từng bữa còn quá nhọc nhằn thì chuyện đến trường còn là giấc mơ quá xa xôi.

Từng lang thang theo mẹ nhặt ve chai, ngủ bờ ngủ bụi ở khu vực đường Hậu Giang (quận 6), tìm được một phòng trọ nhỏ để ngày có cái ở, đêm về có cái nghỉ lưng đã là niềm vui lớn của gia đình em N.N.T. (8 tuổi). Ba chị gái lớn đều chịu cảnh thất học, 14, 15 tuổi đã phải bươn chải làm việc phụ mẹ nuôi ba đứa em nhỏ.

Đến lượt T. nhờ được sự động viên của bà con hàng xóm, cán bộ xã và cũng do thấy em ham học, muốn biết chữ để có thể đọc được những tờ báo cũ hay vài cuốn sách cũ nhặt được từ việc lượm ve chai hàng ngày, chị N.T.M. (44 tuổi, quê ở Huế), mẹ của T., đã cho em theo học lớp học tình thương tại chùa Liên Hoa (phường 5, quận 8).

Nhưng việc đến trường của em cũng chỉ bữa đực bữa cái, khi mà sau em còn hai em nhỏ nữa: “Con ở nhà trông em nhiều hơn đi học, bữa nào có mẹ hay chị ở nhà thì con mới đi học”. Năm học mới với em dường như không có gì mới, chiếc cặp cũ được hàng xóm cho, quần áo cũng từ những hội từ thiện tặng, cái nào vừa thì bận, không vừa thì để cho em. Lớp học tình thương nên cũng không bắt buộc về đồng phục hay giày dép, chủ yếu là để các em được biết chữ. Nhưng niềm mơ ước được đến lớp với bộ quần áo gọn gàng, đầy đủ dụng cụ học tập vẫn luôn ánh lên trên gương mặt ngây thơ. T. nói: “Con cũng muốn mặc áo trắng đi học như mấy bạn ở trường kia, con ráng học giỏi để xin mẹ mua hộp viết hình siêu nhân”.

Đã quá tuổi vào lớp một, nhưng năm nay em N.V.A. (9 tuổi) mới bắt đầu học lớp một tại lớp học Cầu Hàn (phường Tân Thuận Tây, quận 7). Theo ba mẹ từ Vĩnh Long lên TPHCM kiếm sống, chuyện học hành cũng từ đó mà dở dang. Năm học mới của em bắt đầu bằng những buổi học hơn 2 giờ/ngày. Hai phòng học được chia ca mỗi ngày từ lớp 1 đến lớp 5, bên cạnh việc dạy chữ, các em còn được dạy các kỹ năng để tự vệ cho bản thân như chống bạo lực, xâm hại… “Cũng nhờ có lớp học này mà mấy đứa nhỏ biết chữ. Ba má nó làm công nhân từ sáng sớm đến chiều mới về, nhà tụi nó cũng không có khả năng xin vô trường công để học. Có chỗ học mà còn miễn phí thì quá mừng”, ông T. - ông ngoại em N.V.A. mừng rỡ chia sẻ.

Ở những lớp học, như Cầu Hàn, Trung tâm Phát huy Bình An (quận 8), hay lớp học tình thương chùa Liên Hoa… phần lớn các em đều là trẻ nhập cư, những mảnh đời mồ côi, cơ nhỡ, đến lớp chủ yếu để biết con chữ. Đa số các em chỉ học đến lớp 5 rồi lao vội ra đời kiếm sống. Nhưng dù nhiều hay ít thì những năm tháng ngắn ngủi được đến trường học chữ, được dạy điều hay lẽ phải từ những người thầy, người cô tử tế cũng sẽ giúp ích cho các em sau này, hướng các em đến những điều tốt đẹp hơn trên con đường rày đây mai đó của cuộc sống mưu sinh...

Kim Loan/sggp

Có thể bạn quan tâm