Phóng sự - Ký sự

Những mẩu chuyện thú vị về làm nông cụ trong kháng chiến ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tuy đối diện với nhiều thách thức, hiểm nguy nhưng những người tham gia Đội cơ khí của tỉnh Gia Lai năm xưa vẫn kiên trì bám trụ để tạo ra những nông cụ phục vụ cho sản xuất trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Giờ đây, khi kể lại những đóng góp của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, họ không khỏi ngậm ngùi xen lẫn tự hào.

1. Sau vài lần hẹn, chúng tôi có dịp gặp được ông Trương Đình Ba (tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ông là một trong những người tham gia rèn nông cụ phục vụ sản xuất trong kháng chiến. Ông Ba quê gốc ở Bình Định. Năm 1965, ông tham gia bộ đội tại địa phương. Đến tháng 8-1966, ông được điều động tham gia Đội cơ khí (thuộc Ban Sản xuất của tỉnh Gia Lai) để rèn nông cụ cấp cho người dân và các đơn vị hành chính nhằm tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến. Ban đầu, Đội hoạt động trong rừng sâu tại xã Kon Hà Nừng thuộc Khu 1 (nay thuộc xã Sơ Pai, huyện Kbang) với mật danh là V24. Đội có trên 30 người, chia thành các nhóm nhỏ xây dựng 6 lò rèn. Hàng ngày, mỗi lò được giao chỉ tiêu rèn 12 nông cụ. Ngoài ra, Đội còn rèn các loại cuốc (tên thường gọi là cuốc chim) để cung cấp cho quân đội phục vụ phá đường ngăn cản quân địch tiếp tế.

 Ông Phùng Xuân Minh (làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku) bên nửa quả bom được tháo kíp nổ, sơn màu làm chậu trồng hoa. Ảnh: Nhật Hào
Ông Phùng Xuân Minh (làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku) bên nửa quả bom được tháo kíp nổ, sơn màu làm chậu trồng hoa. Ảnh: Nhật Hào


“Trong quá trình rèn, khó nhất là việc đốt củi lấy than không được tạo ra khói để tránh bị địch phát hiện. Vì vậy, chúng tôi phải đào hầm sâu rồi lấp đất lại và chỉ để một lỗ thông hơi khi đốt củi lấy than. Cùng với đó, chúng tôi lấy các vỏ bom đã được lực lượng công binh tháo gỡ lấy chất nổ hoặc tới các nơi trú chân của địch đã dời đi để lấy sắt, đôi lúc nhờ người dân khi phát hiện những quả bom chưa nổ thì báo để tới tháo kíp rồi cưa nhỏ mang về sử dụng. Sau khi đốt trên than, sắt được chặt ra thành từng miếng nhỏ rồi dùng búa tạ đập thành các nông cụ: rìu, rựa, cuốc. Dù vất vả nhưng anh em rất đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau lúc ốm đau, thiếu thốn. Đặc biệt, hàng năm, Ban Sản xuất tổ chức hội thi tay nghề nên tạo khí thế thi đua sản xuất sôi nổi cho anh em trong đội”-ông Ba hồi nhớ.

Theo ông Ba, tuy địa điểm hoạt động thuộc vùng hậu cứ nhưng địch vẫn thường xuyên ném bom phá hoại, nhất là vào ban đêm. Để đảm bảo an toàn, khi di dời tới đâu, anh em dựng lán trại, đào hầm tới đó để làm chỗ trú ẩn. Dù vậy, những “kế sách” này của Đội cũng không tránh khỏi được làn mưa bom đạn của địch. Trong đó, lần bị địch ném bom xuống lò rèn xây dựng tại xã Đak Rong (huyện Kbang) vào năm 1968 khiến ông nhớ mãi. “Đêm 25-3, tôi rời lán trại đi để dự lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do Tỉnh Đoàn tổ chức tại Khu 10 (nay là xã Krong, huyện Kbang). 2 đồng chí trong nhóm ở lại trông coi lò rèn thì bị địch ném bom trọng thương, trong đó, anh Nguyễn Ngày không qua khỏi. Sáng hôm sau, tôi không dự lễ nữa mà cùng với anh em trở về chôn cất anh Ngày. Sau sự việc này, tôi cùng với một số đồng chí nữa được điều tới Khu 7 để tiếp tục nhiệm vụ rèn nông cụ phục vụ sản xuất của tỉnh Gia Lai trong những năm kháng chiến”-ông Ba kể.

2. Tuy tham gia Đội cơ khí muộn hơn so với ông Trương Đình Ba nhưng với ông Phùng Xuân Minh (làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cũng lưu lại nhiều ký ức khó quên. Ông Minh kể, tháng 2-1971, sau 1 năm được tham gia đào tạo cách phá bom nổ chậm và cách rèn các loại nông cụ theo chủ trương của Ủy ban Thống nhất Trung ương để hỗ trợ các vùng giải phóng ở miền Nam sản xuất nhằm phục vụ kháng chiến, ông cùng với 15 người khác hành quân qua đường Trường Sơn vào Gia Lai tham gia Đội cơ khí. Tại nơi nhận nhiệm vụ mới, ông Minh đối diện với nhiều khó khăn khi nhiều lần bị bom đạn địch càn quét; chứng kiến và trực tiếp đưa đồng đội đi cấp cứu vì bị sốt rét rừng hành hạ và quan trọng hơn là phải tự tìm kiếm nguyên liệu để rèn nông cụ. Dù vậy, có sức khỏe, lại mong muốn được đóng góp sức mình cho kháng chiến, ông Minh và anh em đồng đội đã kiên cường bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Ông Trương Đình Ba (bìa trái, tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ kỷ niệm trong những năm tham gia Đội cơ khí của mình. Ảnh: Nhật Hào
Ông Trương Đình Ba (bìa trái; tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ kỷ niệm trong những năm tham gia Đội cơ khí của mình. Ảnh: Nhật Hào


Năm 1972, trong một lần cùng với ông Ba đi tìm nguyên liệu, 2 ông phát hiện quả bom vẫn còn nguyên kíp nổ. Nhờ có kinh nghiệm, 2 ông tháo kíp nổ để cưa đôi quả bom. Tuy nhiên, khi phát hiện quả bom có kíp nổ phụ, 2 ông tiếp tục đốt lửa rồi ở cách xa hơn 100 m để đợi tháo kíp xong thì mang về. Song vì đường xa, các vị trí đánh dấu đường đi không còn nên 2 ông đi lạc vào bãi bố phòng chông tre từ những năm trước. Ông Minh không may bị một mũi chông xóc vào bàn chân trái dẫn tới đau nhức, chảy máu nhiều. Nghĩ tới nhiệm vụ trước mắt, ông tự xé lấy ống tay áo cột vết thương, sau đó, tiếp tục dùng gậy gạt chông để lần tìm đường ra. “Đến khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi ra khỏi bãi chông nhưng vẫn chưa tìm được đường cũ. Không có nước uống, không có cơm ăn, tôi và anh Ba quyết định dừng chân nghỉ qua đêm. Vì rừng ở đây rất nhiều cọp nên chúng tôi mắc võng lên cây cao nằm và căng áo mưa ra hứng sương lấy nước uống. Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi và tìm được đường cũ. Khi đó, vết thương bị nhiễm trùng nặng, tôi lên cơn sốt, không thể đi được. Anh Ba đi về trước để gọi đồng đội tới giúp. Riêng phần tôi phải lết từ 8 giờ sáng tới 6 giờ chiều thì gặp lán sản xuất của thương binh Bình Định nên được cõng qua suối rồi mắc võng nằm. 2 ngày sau, đơn vị tìm được và đưa tôi về. Sau đó, tôi được một y sĩ của đơn vị vận tải quân đội sang khám, phát thuốc tự tiêm trong 15 ngày thì đi lại được”-ông Minh nhắc nhớ.

Nhấp thêm ngụm trà nóng, ông Minh kể tiếp: Ngay sau khi việc đi lại được cải thiện, ông được điều về công tác tại Khu 5 (nay là huyện Chư Prông) với nhiệm vụ nắm tình hình và vận động nhằm giành đất, giành dân. Sau Hiệp định Paris, thấy ông có kinh nghiệm rèn, Huyện ủy Khu 5 yêu cầu ông xây dựng lò rèn để rèn các nông cụ phục vụ cho việc sản xuất trên địa bàn. “Không có gì trong tay, tôi và một đồng đội nữa đã tự đi tìm những mẩu sắt, pháo và qua Campuchia mua thêm đồ nghề để tạo ra một xưởng rèn. Trong thời gian 3 tháng, xưởng đã rèn được gần 400 nông cụ sản xuất. Tôi khi đó vừa rèn vừa đào tạo cho lực lượng của huyện. Tháng 8-1973, tôi được Tỉnh ủy rút về và tiếp tục làm nhiệm vụ rèn nông cụ sản xuất tại làng Buôn Lưới (nay thuộc xã Sơ Pai, huyện Kbang). Khi đó, tôi bắt đầu cải tiến các phương tiện để giảm sức lao động của anh em như dùng xe đạp hư của bộ đội để làm đế quay mà không phải dùng bằng tay quay như trước. Đến tháng 9-1973, Đội cơ khí chuyển về hoạt động tại thị trấn Dân Chủ thuộc Khu 10 cho tới ngày giải phóng”-ông Minh cho hay.

Sau giải phóng, Đội cơ khí được chuyển về thuộc sự quản lý của Ban Tài mậu. Tháng 3-1975, từ Đội cơ khí, tỉnh quyết định thành lập Xưởng Cơ khí tỉnh Gia Lai-Kon Tum và đến ngày 26-4-1976 được đổi tên thành Xí nghiệp Cơ khí tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đến năm 1995, đổi tên thành Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp tỉnh Gia Lai. Ông Ba và ông Minh từ đó đến trước ngày nghỉ hưu giữ nhiều chức vụ khác nhau trong các cơ quan ban ngành của tỉnh và của Xưởng cơ khí, Xí nghiệp cơ khí tỉnh. Ở cương vị nào, với nhiệm vụ nào, các ông đều luôn nỗ lực làm việc tốt, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự phát triển tỉnh nhà. 

 

NHẬT HÀO

 

Có thể bạn quan tâm