Trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia với các địa phương về công tác ứng phó dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Tại TPHCM, hơn 4 tháng qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đồng lòng, dốc sức phòng chống dịch. Ở đó, mỗi người dân đóng vai trò là một chiến sĩ, với nhiều mô hình tự quản mang lại hiệu quả thiết thực.
“Hoa tiêu” mùa dịch
“F0 tại hẻm 292 đường Tôn Thất Thuyết đang chuyển nặng”, nhận thông báo từ người trực đường dây nóng cấp cứu của phường, anh Nguyễn Minh Vững và anh Nguyễn Huỳnh Sơn bỏ hộp cơm đang ăn dở dang xuống, nhanh chóng điện thoại báo qua Trạm Y tế lưu động phường 1. Chỉ vài phút sau, các anh đã có mặt tại trạm với bộ quần áo bảo hộ trên người, đón bác sĩ quân y và chở bình oxy xuống nhà F0 để kịp cấp cứu.
Hơn 1 tháng tham gia tổ tình nguyện tại phường 1 (quận 4), anh Vững cùng nhóm trực cấp cứu gồm 7 người đã quen với những bữa cơm bỏ dở, các buổi tối không ngủ và rành mạch từng con hẻm nhỏ sâu hun hút trên địa bàn. Công việc chính của anh là dùng xe máy chở các bác sĩ quân y trực tại trạm y tế lưu động đến nhà F0 một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, anh tham gia sơ cứu, vận chuyển F0 nặng ra tuyến đường lớn để lên xe cứu thương chuyển đến bệnh viện.
Các “hoa tiêu” tại phường 1 (quận 4) chở bác sĩ quân y đến thăm khám F0 tại hẻm nhỏ. Ảnh: Thái Phương |
Hiện, Ban Dân vận Quận ủy quận 4 đang quản lý khoảng 220 tình nguyện viên, trong đó có 108 F0 khỏi bệnh. “Các y, bác sĩ được phân công về 23 trạm y tế lưu động tại quận đa phần từ các tỉnh, thành khác đến nên không rành đường sá. Quận 4 lại có nhiều hẻm nhỏ, sâu nên rất khó tìm địa chỉ. Những người dân tham gia vào tổ tình nguyện làm “hoa tiêu” đã góp phần cùng đội ngũ y, bác sĩ giảm số ca tử vong thời gian qua trên địa bàn”, bà Nguyễn Thùy Trinh, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 4, nhận xét.
Ở một “mặt trận” khác, nhiều bếp ăn do người dân thực hiện đã góp phần rất lớn chăm lo bữa ăn hàng ngày cho người bệnh cũng như lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hơn 3 tháng qua, bếp cơm 0 đồng tại hẻm 38 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15 (quận Phú Nhuận) luôn đỏ lửa. Ban đầu, thấy nhiều người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, anh Cam Hồng Kỳ và vài người dân sống tại chung cư cùng nhau nấu cơm rồi phân phát. Từ 50 suất, bếp tăng lên hơn 350 suất và số lượng người dân tham gia cũng tăng lên 15 người.
“Chúng tôi sống tại chung cư này, thấy việc làm có ý nghĩa thì tham gia. Nhất là lúc dịch bệnh thế này, ai có sức thì góp sức, ai có vật chất thì góp vật chất. Rồi nhờ có cô Cao Khiêm Lam kết nối với các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, gạo, thực phẩm nên bếp duy trì được đến nay”, bà Trần Thị Duyên cho biết. Mỗi ngày, bếp cung cấp các suất ăn trưa, chiều đến các F0 tại nhà, các y, bác sĩ tại bệnh viện quận, lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ trực chốt…
Khi dịch Covid-19 xảy ra, tại TPHCM, nhiều bếp ăn nghĩa tình do người dân thực hiện đã cung cấp hàng trăm ngàn suất ăn miễn phí đến người dân khó khăn, người tại các khu cách ly, các F0, lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Từ những bếp lửa nhỏ, người dân xung quanh thấy được ý nghĩa lớn nên đã trợ sức bằng tiền, gạo, nhu yếu phẩm để các bếp duy trì lâu dài và tăng dần suất ăn.
Mỗi người dân là một chiến sĩ
Đang nấu cơm, thấy điện thoại báo có tin nhắn đến, bà Trần Thị Thắm (phường Tân Thuận Đông, quận 7) bàn giao lại cho cậu con trai để tập trung giải quyết. Những ngày dịch bệnh, tin nhắn đổ về điện thoại bà Thắm chủ yếu là của người dân trong tổ tự quản an sinh xã hội, nơi bà tham gia làm tình nguyện viên. Người dân thường hỏi về các chế độ chính sách, tặng nhu yếu phẩm.
Bà Thắm theo dõi các chủ trương, chính sách, chủ động trao đổi với địa phương để nắm nội dung liên quan rồi trả lời người dân. Bà cũng thuộc nằm lòng hoàn cảnh của 57 hộ trong tổ để biết ai thuộc diện được hỗ trợ thì báo họ đăng ký.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 7, để cải thiện tình trạng sót lọt người cần được chăm lo và giảm áp lực cho lực lượng ở cơ sở, đầu tháng 8, Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 chỉ đạo 10 phường thành lập các tổ tự quản về y tế và tổ tự quản về an sinh xã hội.
Đến nay, quận 7 có 854 tổ an sinh xã hội, với 2.997 thành viên và 803 tổ tự quản về y tế tại 10 phường, 13 tổ tự quản y tế tại các cơ quan, đơn vị. Các tổ nắm tình hình thực tế từng hộ gia đình, người ở trọ trên địa bàn và kịp thời phối hợp với trung tâm điều phối tiếp nhận của phường chăm lo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm; phối hợp với trạm y tế phường, trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tiêm vaccine, quản lý F0 tại nhà, phối hợp tổ chức thăm khám, tư vấn, hướng dẫn người dân cách tự lấy mẫu test nhanh với nhiều hình thức.
Một trong những tổ tự quản được đánh giá là hiệu quả, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân, góp phần quan trọng vào hiệu quả trong phòng chống dịch là tổ Covid cộng đồng và chốt tình nguyện bảo vệ khu phố/tổ dân phố an toàn, không còn Covid (còn gọi là chốt bảo vệ “vùng xanh”).
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu nhận xét, một trong những yếu tố quan trọng để TP Thủ Đức cơ bản kiểm soát được dịch bệnh là sự tham gia tích cực của người dân. Trong đó, người dân tại địa phương tích cực nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, tự phòng, tự quản tham gia chốt bảo vệ “vùng xanh”. Việc này góp phần quan trọng để địa phương nhanh chóng thiết lập khu vực an toàn vững chắc, từng bước làm sạch các ổ dịch, khu phong tỏa trên địa bàn.
Đến nay, TP Thủ Đức đã có 34/34 phường xây dựng mô hình “khu phố/tổ dân phố an toàn, không còn Covid”; huy động 3.728 tình nguyện viên, gồm tổ trưởng, tổ phó các tổ dân phố, dân quân, người dân... tham gia. Đặc biệt, có 427 tình nguyện viên là người ở trọ và người lao động tự do tạm trú tham gia các chốt tình nguyện.
Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cũng đánh giá, trong thời gian cao điểm vừa qua, mỗi người dân ở địa phương đã thể hiện là một chiến sĩ trong mặt trận phòng chống dịch, với những thế mạnh riêng. Có người tham gia tổ Covid cộng đồng, có người lăn xả ở địa bàn trong vai trò tình nguyện viên tổ tự quản an sinh xã hội, người khác lại xông pha trong tổ tự quản về y tế… Có những người dân trận địa nào cũng có mặt, thực sự là lực lượng nòng cốt ở địa phương trong phòng chống dịch.
THÁI PHƯƠNG - THU HƯỜNG (SGGPO)