Phóng sự - Ký sự

Những nẻo đường... cần sa - Kỳ 2: Ở trong nhà “Thầy cúng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đêm liên hoan ở farm của “Thầy cúng”, những điếu cần sa to tướng được cuốn thủ công (khác với những điếu được cuốn bằng phôi có sẵn bán đầy ngoài chợ) bày đầy các bàn ăn, các công nhân truyền tay nhau “rít”. Tiếng nhạc phát ra từ những chiếc loa công suất lớn làm không gian cả farm sôi động. Mùi cần sa bốc lên hòa vào nghi ngút khói. Chỉ sau vài phút, T “Ba Lan” bỗng nhiên cười ha hả, những công nhân chung quanh cũng cười “như ma làm”...
Công nhân làm việc trong trang trại cần sa tại Thailand.

Công nhân làm việc trong trang trại cần sa tại Thailand.

Chiết xuất…

Buổi chiều sau khi chúng tôi có mặt, tất cả các chuyên gia tập hợp tại trước cửa khu nhà bếp để chứng kiến T “Ba Lan” và một người nữa thử chiết xuất lấy hàm lượng THC. Họ dồn các búp cần vào một cái thùng nhựa khoảng 200 lít. Cho một vài thứ hóa chất rồi dùng máy để khuấy. Các công đoạn còn lại chỉ có hai người là T “Ba Lan” và “Thầy cúng” biết. Sau khi lọc qua vài lớp màng mỏng, T “Ba Lan” mang ra một cục mầu xanh to bằng nắm tay. Cậu ta bấu thử một chút từ đó, viên nó lại, đốt, hít hết khói vào trong mũi. Sau vài phút lạc thần vì “phê”, T “Ba Lan” kết luận: “đây là tinh chất có thể lên tới 90% hàm lượng THC. Nhựa của cần sa khi ấy đã quánh lại, nếu đem đốt thì sẽ cháy rất chậm nhưng không bị tắt. Ánh mắt T “Ba Lan” bỗng nhiên đảo quanh “vì việc chiết xuất này đang bị cấm nên đừng có ai tiết lộ”.

Theo đánh giá, lô hàng thử nghiệm này có vẻ đang bị “vấp sỏi” vì tỷ lệ tinh chất có trong mỗi búp cần chưa cao. Một “quản đốc” - người chịu trách nhiệm trông nom an ninh, quản lý các công nhân để tránh thất thoát, hư hỏng và xử lý mọi sự cố cho biết “cũng tại lần đầu tiên nên trồng dày quá. Đáng ra trong mỗi nhà màng chỉ được phép trồng dưới 3.000 cây thì chúng ta lại trồng nhiều hơn nên cây thiếu không gian sinh trưởng”. Sau mùa thu hoạch đầu tiên, lứa cây cần sa không cho lượng nhựa nhiều như kỳ vọng. “Vạn sự khởi đầu nan”, các chuyên gia trong farm của “Thầy cúng” vẫn có vẻ lạc quan. Rõ ràng việc thu hoạch cả tấn cần sa đã cho họ niềm hy vọng về một vụ mùa bội thu thời gian tới.

“Thầy cúng” đưa chúng tôi đi sang khu vườn ươm. Hàng nghìn cây con được tách từ cây trưởng thành f1 đã mọc lên tươi tốt. Sau hai tháng, các vườn ươm đã cho cây mới có độ cao chừng 50 cm. Khu vực Bophloi nằm ở miền trung Thailand có nhiệt độ ban ngày 40oC. Mặc kệ ngoài trời nắng gay gắt, nông dân ở farm vẫn phải thường xuyên làm việc trong các nhà màng. “Khu vực farm bên cạnh mùa này coi như hỏng. Họ mang các loại thuốc nhập từ châu Âu về để bón cây, mà lại bón theo liều lượng như trồng cây thông thường nên hỏng hết”. Bên đó là nhà của C.T, một “đại ca” đất cảng từng có thời gian đi tù ở Tiệp Khắc (cũ). C.T cũng mới sang Thailand đầu tư trồng cần sa sau khi nắm được thông tin về “cơ hội” vốn đã từng bị cấm đoán khi mới sang châu Âu “thử việc”. Bên đó, farm của C.T được những người trong farm của “Thầy cúng” gọi vui là bên khu “đại lục”.

Những người làm việc trong farm cơ bản “có nguồn gốc rõ ràng”. Họ không phải là những người trốn chui trốn lủi theo diện “bị truy nã”, bởi nguy cơ bị bắt và trục xuất sẽ khiến cho trang trại có thể bị sụp bất cứ lúc nào. Mỗi người canh tác trong farm của “Thầy cúng” đều có sự gắn bó về tình cảm hoặc được sự bảo lãnh của các đàn anh. Hạt giống ở đây được mang về từ châu Âu và Mỹ. Nó được cất kỹ trong phòng riêng của T “Ba Lan”. Căn phòng ấy nằm giữa dãy nhà. Đương nhiên, những người không có nhiệm vụ không được lai vãng.

T “Ba Lan” vin ngọn cây cần sa đã đến mùa thu hoạch, cây khi ấy đã cao hơn đầu người, chỉ vào những chiếc lá đã chuyển từ mầu xanh diệp sang mầu tía mà tấm tắc: Đây là mầu lá được trông mong nhất. Khi ấy, cây sẽ cho loại búp cần sa có hàm lượng tinh chất cao. Khu vực sấy khô nằm cạnh khu điều hành có diện tích chừng 1.000 m2. Cây được treo ngược vào các sợi dây thép giăng ngang. Tại đây, sau vài ngày quạt gió thổi trực tiếp, khi đã khô, cây sẽ được đưa sang khu chế biến.

Khu chế biến nằm ở trung tâm điều hành. Phòng rộng hơn trăm mét vuông. Có 4-5 người thân tín nhất của công ty nhận trách nhiệm phân tách lá, búp cần sa, lọc hết các loại lá, cành còn sót để lấy ra loại búp chất lượng cao nhất. Các loại được phân tách sẽ chia lá, cành ra để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Làm mỹ phẩm, làm bánh, làm thuốc cuốn... Loại có chất lượng cao nhất được người ta kỳ vọng là sẽ dùng làm thuốc, biệt dược, tinh dầu.

Việc thường ngày trong trang trại trồng cần

Hằng ngày, cứ sau bữa sáng lúc 6 giờ, tất cả công nhân ra đồng làm việc. Ở lại nhà chỉ có vợ của “Thầy cúng” và một thiếu nữ phiên dịch người gốc Hà Tĩnh lo nhiệm vụ hậu cần, bếp núc. Cho tới khi mặt trời treo đỉnh đầu thì công nhân về ăn trưa rồi tiếp tục lao động trong các khu nhà màng. Trong mỗi nhà màng đều được gắn một chiếc quạt to chạy liên tục để thông khí. Nhiệt độ quá cao nên mặt ai cũng đỏ gay gắt. Công việc buổi chiều chỉ bắt đầu sau 3 giờ chiều cho tới tối nhằm tránh cái nắng như thiêu ở Kanchanaburi.

Tại farm, mỗi người một việc. Ai cần rải vôi tiệt trùng trước khi bón đất thì cứ việc bưng xô vôi bột mà rải ra các diện tích đã được chuẩn bị. Tấm lót nền bằng sợi tổng hợp dùng làm nông nghiệp được nhập khẩu từ Israel trải sẵn dưới nền nhà. Dàn phun sương giữ ẩm đã chuẩn bị sẵn sàng để chuyên gia đưa cây con vào chăm sóc. Các loại hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vitamin nước và bột đã được nhập khẩu từ châu Âu về chất đầy bên hiên những căn nhà tạm dựng lên bằng vách thạch cao và lợp tấm tôn chống nóng. Nơi “chui ra chui vào” của vài chục con người được lắp điều hòa nhiệt độ để giúp họ có một giấc ngủ ngon sau ngày làm việc vất vả xem ra có vẻ không cần thiết. Vì chỉ cần tắt nắng, nhiệt độ ở đây trở nên mát mẻ. Chung quanh vùng này là hai khu rừng đặc dụng khá tươi tốt, lại không bị nung nóng bởi hiệu ứng nhà kính và các loại nhiệt độ tỏa ra từ các phương tiện giao thông dày đặc như ở Bangkok.

Bữa cơm chiều diễn ra vui vẻ bởi những câu chuyện không đầu không cuối. Xen vào giữa nó là vài lời hỏi thăm về quê hương. Những kỷ niệm về sự khổ nhọc nơi xứ người từ thời vượt biển. Chuyện ở trong trại tị nạn từ quá vãng. Nó vui vì có thêm sự xuất hiện của hơn chục người mới trở về từ biên giới Thailand - Campuchia.

Đêm chia tay để hôm sau rời trang trại của “Thầy cúng”, H “mán” một trong những “đầu lĩnh” của farm, quyết định cho anh em công nhân nghỉ xả hơi để chia tay các “thượng khách” tới từ Việt Nam, cũng là liên hoan mừng vụ mùa đầu tiên có kết quả. Những điếu cần sa to tướng cuốn thủ công được công nhân truyền tay nhau. Một công nhân được cử lên làm DJ (người chơi nhạc). Tiếng cười lan ra khắp các mâm. Mỗi câu chuyện không đầu không cuối cũng có thể khiến người ta thấy buồn cười. “Dùng cần sa là khiến người ta như thế, ai khóc là khóc lóc ầm ĩ, những người bên cạnh tự nhiên cũng sẽ khóc theo. Còn nếu ai cười thì tất cả chung quanh cũng sẽ cười như ma làm”. Tiếng “Thầy cúng” thoang thoảng trong nền âm thanh náo nhiệt. “Tự nhiên mũi anh dài ra kìa, trông buồn cười quá”, H “mán” chỉ tay vào mặt “Thầy cúng” cười ha ha…

Sau đêm nhạc kèm cần sa tưng bừng, tất cả đi nghỉ để chuẩn bị cho một ngày mới đầy bận bịu. Tôi ngồi lại khu vực trung tâm, 2 giờ đêm mùa hè, ở vùng miền núi xa xôi vắng vẻ, chỉ còn tiếng dế kêu và tiếng chó cắn nhau oăng oẳng (ở đây, chó hoang sống thành từng đàn mà không hề bị xua đuổi hay làm thịt). Thi thoảng vẳng lên tiếng ngáy rền của một nông dân khi đã chìm sâu vào giấc ngủ. Bằng cách này hay cách khác, những người nông dân đã tìm cách tụ lại với nhau mưu sinh. Dồn sức cũng là dồn nén hy vọng của họ cho một mùa thu hoạch mà họ tin tưởng là sẽ “có cơ hội đổi đời”, có một tương lai tươi sáng hơn về vật chất.

Và cũng chính từ sự cố gắng thành công ấy, sẽ tạo ra một áp lực nặng nề cho công tác phòng chống ma túy của chúng ta sau mỗi mùa canh tác thành công từ nước bạn.

Trang web của Cảnh sát Hoàng gia Thailand cho biết, các tỉnh phía bắc có diện tích trồng cần sa lớn nhất. Tập trung ở khu vực Chiang Rai, Chiang Mai và Mae Hongson; các tỉnh đông bắc như Nakhon Phanom, Sakon Nakhon cũng là khu vực trồng cần sa lớn. Ngoài ra, tỉnh Kanchanaburi ở miền trung Thailand là nơi tập trung nhiều farm lớn được chính phủ cấp phép mới.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm