Những ngôi làng khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc, cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” được xây dựng cơ bản, nhiều làng quê đã trở nên trù phú, nhiều gia đình khó khăn trở thành “tỷ phú chân đất”...

Làng giàu nhất huyện

Đó là làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa) mà theo lời bà Nguyễn Thị Thu-Phó Bí thư Đảng ủy xã Kdang thì: “Đây là làng có kinh tế phát triển khá nhất huyện, nhiều hộ gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị trong làng; sự đoàn kết giữa làng Mrăh với các làng khác và các hộ dân trong làng được giữ vững.

 

Nhà rông văn hóa làng Mrăh. Ảnh: P.V
Nhà rông văn hóa làng Mrăh. Ảnh: P.V

Dẫn chúng tôi dạo quanh làng, ông Đinh Đan-Bí thư chi bộ làng Mrăh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kdang giới thiệu nhà văn hóa cộng đồng của làng được xây dựng năm 2011 từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Một ngôi nhà rông truyền thống mái tôn đỏ nằm giữa trung tâm làng. Hai bên là lớp học, phía trước sân bóng, bãi cỏ.

Bên trong nhà rông, bức thư Bác Hồ gửi đồng bào các dân tộc Tây nguyên được treo trịnh trọng ở vị trí chính giữa… Không gian đó đã tạo nên ngôi làng Bahnar mang đậm bản sắc dân tộc, lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần hiếu học của dân làng Mrăh… “Hiện làng có 2 em đang học đại học Nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Hơn chục em học cấp II, cấp III; 100% các cháu đến tuổi đều học tiểu học và có 8 em đang theo học lớp bổ túc văn hóa ban đêm…”-ông Đinh Đan khoe.

Ghé thăm nhà Trưởng thôn Đinh Sưn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Chỉ chiếc xe mô tô đắt tiền mới mua cho con trai, ông Đinh Sưn cho hay: “Ở làng Mrăh có 62 hộ nhưng có tới 130 chiếc xe máy (bình quân mỗi hộ hơn 2 chiếc) mà toàn xe mới, xe tốt; nhà nào cũng có ti vi, xe công nông, 80% là nhà ở được xây kiên cố… Vậy nhưng, tuyệt đối trong làng không có ai bán đất, bán rẫy hay vay mượn để mua xe đâu, toàn là tự làm ra, dư dả rồi mới mua”.

Theo ông Đinh Sưn, đời sống người dân khấm khá là nhờ trồng các loại cây công nghiệp đem lại hiệu quả cao như: cao su, cà phê, tiêu, bời lời... Hiện làng Mrăh có 88 ha cao su; 90 ha cà phê; 25 ha bời lời; khoảng 90 ha tiêu và hàng chục ha lúa, mì, đậu đỗ các loại...

Riêng gia đình ông Đinh Sưn hiện có 2 ha cao su đang khai thác, 1,5 ha cà phê kinh doanh, 80 trụ tiêu và 3 con bò, mỗi năm trừ hết chi phí tiền lãi cả trăm triệu đồng. Không chỉ làm ăn giỏi, việc chi tiền cũng được mọi người trong làng tính toán chặt chẽ. “Một trăm triệu đồng, để ra vài chục triệu đồng mua phân tái đầu tư, một ít dành lúc đau ốm hay nhà có việc, còn lại dùng cho chi phí sinh hoạt và mua sắm”-ông Đinh Sưn chia sẻ.

Khởi sắc Đê Chơ Gang

Nếu ai đã từng đến Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) cách đây chừng dăm năm, giờ trở lại sẽ thấy hình ảnh của làng kháng chiến xơ xác ngày nào đã “thay da đổi thịt”.

Sau chiến tranh, cuộc sống người dân Đê Chơ Gang hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm phần lớn; đất hoang, đồi trọc trồng cây gì cũng không sống nổi. Những năm gần đây nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên của người dân, sự hỗ trợ của các đoàn thể ở xã và huyện hướng dẫn cách làm ăn, vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ đã thoát nghèo.

 

Đinh Đan bên vườn tiêu của gia đình. Ảnh: P.V
Đinh Đan bên vườn tiêu của gia đình. Ảnh: P.V

Ông Đinh Leo-một trong nhiều hộ thoát nghèo của làng Đê Chơ Gang hồ hởi cho biết: “Trước gia đình tôi phải lo ăn từng bữa chứ đâu dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Nhờ Nhà nước đầu tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật làm lúa nước, trồng mía… nên kinh tế gia đình giờ đã khá hơn”. Cũng như gia đình ông Leo, cuộc sống của gia đình chị Định Thị Sít giờ cũng ổn định nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng. “Việc làm nông trước đây chủ yếu làm bằng tay nên hiệu quả không cao. Từ khi gia đình được vay vốn mua máy móc phục vụ cho sản xuất thì hiệu quả kinh tế nâng cao rõ rệt, cuộc sống gia đình ổn định không phải lo đói nghèo nữa”-chị Sít tâm sự.

Hiện mỗi năm làng Đê Chơ Gang đưa vào sản xuất khoảng 100 ha đất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như mì, mía và rau, đậu các loại, cây ăn quả… Trong chăn nuôi bà con tập trung nuôi heo, bò lai, dê, gà; đồng thời chú trọng tiêm phòng nên không xảy ra dịch bệnh. Do đó, kinh tế phát triển, nhiều hộ đã xây nhà khang trang, mua sắm các phương tiện sinh hoạt trong gia đình, con cái được chăm sóc chu đáo hơn.

Làng Đê Chơ Gang cách trung tâm huyện Đak Pơ chừng 20 km về hướng Đông Nam có hơn 100 hộ, đa phần là người dân tộc Bahnar. Với truyền thống cách mạng, một lòng tin vào Đảng, Nhà nước, Đê Chơ Gang vinh dự được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa.

Làng quyết tâm rũ bỏ “Tin lành Đê-ga”

Với phần lớn là người dân tộc thiểu số, Đak Tơ Ve là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah. Và tình hình an ninh chính trị vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, những năm gần đây Đak Tơ Ve đã có những chuyển biến tích cực…

Trước đây, trình độ sản xuất của người dân xã Đak Tơ Ve lạc hậu. Người dân không biết cách trồng trọt, chăn nuôi; không tận dụng hết quỹ đất trống để sản xuất, nên khó khăn nối tiếp khó khăn; tình trạng đói giáp hạt xảy ra thường xuyên. Lo cho từng bữa ăn cũng là thách thức đối với từng hộ gia đình. Cuộc sống khó khăn, một số người dân do trình độ nhận thức còn thấp nên đã nghe kẻ xấu xúi giục, gây rối trật tự an ninh chính trị, vượt biên với mong muốn tìm được “miền đất hứa”. Điển hình ở làng Mor, có 70 hộ thì hết cả 70 đều nghe lời kẻ xấu xúi giục, để rồi khi nhận ra sự thật, cuộc sống của họ càng trở nên cơ cực hơn.

Từ những khó khăn trên, để ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, làm sao giúp dân thoát nghèo là ý nghĩ của từng cán bộ xã lúc bấy giờ. Trả lời câu hỏi này, từng cán bộ xã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để bà con canh tác tốt hơn; đặc biệt là trồng bời lời, cao su và các loại hoa màu. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con dần đi vào ổn định, từ đó không ngừng khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác. Hiện toàn xã có hơn 200 ha bời lời, gần 70 ha cao su và một số diện tích hoa màu khác. Đời sống người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi từng năm, trước năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo của xã xấp xỉ con số 70%, nhưng giờ chỉ hơn 30%. Đặc biệt, làng Mor-điểm nóng về an ninh chính trị năm nào giờ trở thành làng phát triển cao su, bời lời mạnh nhất xã.

Quả thực như vậy, trên con đường nhựa vào làng Mor, chúng tôi ghé nhà anh A Tem, một trong những gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi của làng. Hiện, gia đình anh thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng từ hơn 15 ha bời lời, đó là chưa kể 2 ha cao su chuẩn bị khai thác. “Dù chưa sánh ngang với nhiều địa phương khác, nhưng đồng bào mình vẫn ưng cái bụng vì thu nhập cao hơn trước nhiều. Trước kia mình và những người trong làng nhẹ dạ nên tin vào lời dụ dỗ của kẻ xấu, làm ảnh hưởng đến xã, giờ thì mọi người đều cố gắng lao động để tự lực vươn lên. Làng Mor được như hôm nay, bản thân mình vui mừng lắm và luôn khắc ghi trong lòng sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương”- anh A Tem bộc bạch.

Không riêng anh A Tem, hầu hết dân làng Mor đều quyết tâm rũ bỏ cái gọi là “Tin lành Đê-ga” để chuyên tâm sản xuất nên cuộc sống của họ từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện 70 hộ ở làng Mor chỉ còn 10 hộ nằm trong diện nghèo. Từ những nỗ lực đó, trong tương lai không xa, sẽ còn nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu, nhiều ngôi nhà mọc lên, to hơn và đẹp hơn.

Nhóm phóng viên
 

Có thể bạn quan tâm