Chảy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, dòng Pô Cô qua địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều dài gần 35km. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, con sông này gắn với cái tên Anh hùng LLVT nhân dân A Sanh. Kỳ tích gần 10.000 ngày chở bộ đội qua sông, hình ảnh A Sanh đã đi vào thơ ca, âm nhạc. Tiếp bước cha anh, trên tuyến biên giới này, sắc xanh lính biên phòng Đồn 717, 719 và 721 đang cùng đồng bào rẻo cao nắm chặt tay nhau, cùng viết tiếp truyền thống, giữ vững biên cương...
Không chỉ lo cho H’ly, CBCS ĐBP 717 thường xuyên động viên sức khỏe cố họ của cháu. |
Tây Nguyên những ngày cuối tháng 5 nắng cháy da người. Rời phố núi Pleiku, chúng tôi đến thăm những người lính quân hàm xanh trên tuyến biên cương. Nơi ấy, từng chuyện buồn vui đi qua sau mỗi mùa bắp rẫy được gợi lại như thước phim quay chậm. Bên ly trà nóng, Đại úy Lê Minh Hải - Chính trị viên phó Đồn 717 kể câu chuyện buồn của bà con làng Kuk, xã Ia O, H. Ia Grai cách đây 12 năm. Thời điểm ấy, CBCS của đồn ngày đêm bám sông, chật vật ngăn cản vô số nhóm người bị kẻ xấu dụ dỗ, cố vượt biên qua Campuchia nuôi mộng làm giàu. “Chưa có nỗi đau lớn như thế từng xảy ra trên sông Pô Cô. Dòng sông mà thời chiến, anh hùng A Sanh đã vững tay chèo hàng chục ngàn ngày đưa bộ đội qua sông yên bình, vậy mà chỉ một đêm cuối tháng 5-2006, dòng sông vốn dĩ rất hiền hòa đã nổi sóng dữ, nhấn chìm hàng chục người dân làng Kuk trên đường họ vượt biên qua Campuchia. Đó là gia đình ông Siu Rơ Theo - bố của “thiên thần” Siu H’ly, người duy nhất may mắn sống sót trong chuyến vượt sông định mệnh đi tìm “miền đất hứa” ấy! - Đại úy Hải kể lại.
Đêm hôm đó trời mưa lớn. Khoảng 10 gia đình với 30 người (phần đa là bà con, anh em trong gia đình ông Siu Rơ Theo) lén lút khăn gói đồ đạc rời nhà ra bến Pô Cô. Trước khi đi, ông Siu Rơ Theo và nhóm người từng bị kẻ xấu lôi kéo, nói rằng “miền đất hứa” bên Campuchia sống rất sung túc, con cháu có điều kiện học hành nên người. Rồi tai họa đã ập đến khi họ lên đò qua sông. Đoàn người đến giữa dòng thì trời nổi giông, sóng lớn đánh chiếc thuyền lật úp. Không trụ nổi dòng nước xiết, nhóm người mãi nằm lại dưới dòng Pô Cô đến nay không tìm ra xác. Siu H’ly là người may mắn sống sót do bám được phiến đá trên sông.
Siu H’ly được chiến sĩ ĐBP 717 lo chu đáo chuyện ăn, chuyện học. |
Những cụ cao niên trong làng Kuk kể rằng, rạng sáng sau ngày xảy ra chuyện, một cụ ông tên Blơ ở làng Bi, xã Ia O đi ngang triền sông nghe tiếng khóc của H’ly nên đã hô hoán người dân và tìm BĐBP ra lội sông ứng cứu. Siu H’ly được đưa về đồn trong cảnh đói mệt lả người. Cháu bé có khuôn mặt đẹp như thiên thần, nhưng đáng thương thay vừa tròn 6 tuổi đã trở thành trẻ mồ côi. Một quyết định được BĐBP Đồn 717 đưa ra là tạm thời đưa Siu H’ly về nhà cố họ của cháu - bà Muh Nin và giao CBCS trong đồn thay nhau lui tới thăm nom, lo cho miếng cơm, manh áo. Đối mặt với cú sốc quá lớn, kèm theo nỗi sợ lật thuyền mới qua đi, Siu H’ly trở thành cô bé trầm cảm, tự kỷ. Cứ nghe ai nhắc đến chuyện cũ, cháu lại lủi thủi ra bến sông, thẫn thờ ngơ ngác. Mỗi lần bước về căn nhà trống của mình, cháu khóc kêu ba, mẹ. Gần 2 năm sau đó, gần như H’ly không tiếp xúc, chuyện trò với ai, kể cả bạn bè cùng trang lứa. Thời đó, do cố họ của H’ly đã quá già nên chuyện ai sẽ lo cho tương lai cháu được BĐBP và dân làng tổ chức họp bàn nhưng không kết quả.
Siu H’ly hiện đã là một sinh viên, luôn vui vẻ bên bạn bè. |
Sau nhiều cuộc họp không thành, lãnh đạo ĐBP 717 quyết định đề xuất với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho Đồn nhận H’ly làm con nuôi. Được BCH đồng ý, hằng ngày H’ly ở nhà cố họ đều được CBCS cắt cử nhau xuống lo cuộc sống cho cháu, trước mắt là phải làm sao động viên cháu đến trường. Bà con nơi đây bảo, sau sự kiện Siu H’ly có mái ấm, dân làng Kuk, BĐBP đồn 717 và xã Ia O đã đến bến sông Pô Kô soạn mâm lễ cúng tạ trời đất. Từ đó, H’ly mãi không còn cô đơn nữa bởi có thêm những người cha yêu thương. “Khi nhận công tác đến Đồn 717 này, tôi được nghe kể chuyện gia đình H’ly rất nhiều lần từ cụ ông cụ bà cao tuổi lẫn chỉ huy đồn. Ai cũng nói, lúc nhận con nuôi, việc lo cho H’ly cơm gạo, sách vở đến trường chỉ là chuyện nhỏ, điều khó khăn nhất lúc đó là làm sao giúp cháu vượt qua cú sốc lớn, cùng bạn bè tay trong tay đến trường mới là chuyện khó. Nhưng CBCS đồn qua các thời kỳ đã làm được. Đó là thành quả của hàng chục người cha đỡ đầu ngày đêm lui tới động viên, dạy cái chữ cho cháu, lo cho cháu miếng ăn, giấc ngủ theo cuộc phát động Mỗi CBCS Đồn 717 luôn sát cánh bên con gái Siu H’ly hằng năm của đồn” - Trung úy Siu Phin, cán bộ vận động quần chúng Đồn 717 nói.
Đúng là mỗi thời điểm, giai đoạn, Siu H’ly đã được CBCS Đồn 717 quan tâm, đưa cháu bước qua những trang mới của cuộc đời. Cấp 1, đến cấp 2, H’ly luôn là cô học sinh sáng dạ nhất nhì lớp. Mỗi năm trôi qua, cháu lại có thêm những bạn mới yêu thương mình bên cạnh những người cha là lính quân hàm xanh. Đặc biệt, hình ảnh H’ly xuất hiện trên trường quay của Chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” cách đây hơn 8 năm cùng CBCS ĐBP 717 đã làm rung động triệu triệu con tim. Hàng trăm lá thư từ các bạn học sinh, sinh viên khắp mọi miền đất nước đã gửi đến khen ngợi các chiến sĩ ĐBP 717 và động viên H’ly vượt qua mặc cảm, phấn đấu tiến lên trở thành người con có ích, không làm những người ba của mình thất vọng. Đại úy Lê Minh Hải cho hay, sau khi rời trường nội trú huyện năm 2016, hiện H’ly đã thi vào trường dạy nghề tỉnh và đang ngày đêm nuôi ước mơ trở thành một cán bộ văn thư. Cũng trong chuyến thực tế dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, chúng tôi vô tình gặp được H’ly khi cháu đang thực hiện chuyến kiến tập tại H. Đức Cơ. Giờ thì H’ly đã trở thành cô thiếu nữ xinh xắn của Trường Cao đẳng nghề Gia Lai. Nghe chúng tôi hỏi về dự định của mình, H’ly trả lời: Trước mắt, cháu đang phấn đấu hoàn thành tốt khóa sinh viên. Tốt nghiệp ra trường, mong sẽ được về công tác tại quê nhà, được gần những người cha biên phòng đóng quân bên triền sông Pô Cô và tận lực phấn đấu làm việc để cha của mình luôn vui...
Công Hạnh-Doãn Hùng (cadn)