Phóng sự - Ký sự

Những người "cuốc đất" - Kỳ 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Golf xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm, năm 1935 đã có sân golf đầu tiên tại Đà Lạt (sân Đồi Cù) - phục vụ riêng cho Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Cuối thế kỷ 20, việc hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo tiền đề cho golf phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Có thời điểm Bộ Ngoại giao đã yêu cầu cán bộ đi tập golf để có thể dễ dàng hòa nhập với các nhà ngoại giao quốc tế.
Sân golf phục vụ cả buổi tối (đánh đèn).
Sân golf phục vụ cả buổi tối (đánh đèn).
Nhập môn với golf
Trước năm 2010, nếu ai đi trên đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng sẽ thấy một khu đất vuông vắn, được cắm cọc sắt cao hàng chục mét và quây lưới xanh chung quanh. Hầu hết không ai biết đó là một dạng sân tập golf (nơi người chơi tập động tác swing khi không có điều kiện ra sân). A.H., một tay golf có tuổi “chơi” mới chỉ vài năm nhưng đã thuộc hàng “có số” (trình độ golf thủ được tính bằng handicap, handicap càng thấp thể hiện người chơi càng giỏi). Vốn là kỹ sư xây dựng, ngoài thời gian công việc anh thường thu xếp ra sân chơi tennis. Sau này có ông đồng nghiệp tự nhiên nằng nặc rủ anh đi tập golf. Nghe ông bạn thuyết phục mãi rồi cũng bùi tai nên anh tặc lưỡi đi tập thử. Vậy mà thử rồi ham lúc nào không biết.
Giá tiền cho một lần lên sân trong các ngày thường từ 1,5 triệu đồng cho đến 2,5 triệu đồng cho 18 hố (một trận golf được mặc định 18 hố đấu). Các ngày cuối tuần giá sẽ cao hơn khoảng một triệu đồng. Cộng tất cả các chi phí khác, mỗi người chơi phải chi trung bình hai đến bốn triệu đồng cho một trận đấu golf. Đây là một khoản không nhỏ so với mặt bằng kinh tế của nhân viên thông thường nhưng chấp nhận được nếu mỗi tuần chỉ chơi một - hai trận. Tất nhiên muốn ra sân phải có đủ đồ nghề. Chơi golf không thể thiếu bộ gậy tiêu chuẩn, bao gồm: gậy phát bóng trên tee (driver, wood), gậy sắt (đánh bóng trên fairway - khu vực cỏ ngắn ở các hố), gậy đẩy bóng vào hố (putter). Kinh phí cho một bộ gậy cũng rất đa dạng. Có những bộ gậy đầy đủ của hãng Honma mạ vàng 24 k có giá tiền lên đến 1,7 tỷ đồng (75.000 USD). Nhưng cũng có những bộ của các hãng ít tên tuổi chỉ có giá vài chục triệu đồng. Anh H. chỉ vào bộ gậy của mình nói: “Mình tự đi chọn từng cây gậy cũ về ghép thành bộ này. Có ông bạn lại cho một cây driver cũ, tổng chi phí cho bộ gậy chỉ tầm 20 triệu đồng. Chung quy lại vẫn đánh tốt”.
Sân tập Phương Đông (Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình), giữa trưa hầm hập vẫn tấp nập người chơi. Phía cuối tầng hai, một cậu thanh niên đang cần mẫn swing nháp (đánh không bóng) trên thảm tập. Chiếc quạt cây dành riêng cho mỗi người không ngăn được chiếc áo phông trên người cậu ướt sũng. Tháo găng tay, gạt bớt mồ hôi đầm đìa trên trán, cậu tâm sự: “Em tập được 5 tháng rồi. Bình thường người ta đã ra sân. Còn em đến giờ vẫn đánh chưa trúng được bóng. Không biết còn phải loanh quanh trong sân tập bao lâu nữa”. Không cần nói thêm cũng hiểu điều gì đang thôi thúc cậu vắt kiệt đến sức lực trên sân tập. Có thầy, học hành bài bản, chăm chỉ luyện tập bất kể nắng mưa, nhưng ước mơ lên sân vẫn xa vời. Có lẽ không chỉ cậu mà còn rất nhiều người khác hằng ngày vật lộn với những cú swing, thậm chí trong cả những giấc mơ về đêm. 
Những ai trót “bập” vào rồi thì mới thấy “cuốc đất” là cả một hành trình gian nan. Nhìn ngoài tưởng dễ nhưng nó là một chuỗi các động tác kết hợp lại, theo một trình tự khoa học. Đến lúc tập ra được một cú swing đẹp rồi nhưng chưa chắc đã có một kết quả ưng ý với trái bóng. Trong golf hầu như chẳng có cú swing nào giống nhau. Từ những ông mới chập chững vào nghề lẫn những ông thâm niên, ông nào cũng đau đáu về cú swing. Đến sân tập giữa lúc nhiệt độ gần 40oC mới thấy cái sự đam mê nghiệt ngã.
Những thứ luật riêng
Ở một trận golf chuẩn bị diễn ra lúc sáng tinh mơ trên sân Đại Lải (Vĩnh Phúc), bốn người chơi cùng nhóm bắt tay nhau và lần lượt ký vào bóng của đối phương. Thủ tục ký vào bóng của nhau dường như chỉ ở Việt Nam mới có. Khi lên sân, người chơi sẽ xuất phát cùng nhau thành một nhóm (flight) bốn người. Ngoại trừ thi đấu tại các giải lớn, trong các cuộc chơi thường ngày không có trọng tài. Cùng lắm bốn người chơi sẽ tự giám sát nhau.
Thế nên kể chuyện về golf, sẽ có những chuyện gì đáng kể nhất? Một golf thủ “chân chính” vỗ đùi đánh tét: Ăn gian. Ông nào chơi rồi không ít nhất một lần ăn gian thì cũng chứng kiến bạn chơi “không trong sáng”.
Chuyện kể rằng, ở một tỉnh nọ gần Thủ đô, có một ông nổi tiếng về “nghề chơi” trong làng golf. Mỗi lần ra sân golf, trong túi quần ông bao giờ cũng có thêm 1 - 2 quả bóng (thông thường caddie - người phục vụ, sẽ giữ bóng hộ người chơi). Những người thân với ông còn kể, túi quần của ông còn được khoét thêm một lỗ nhỏ vừa vặn một trái bóng. Mỗi khi quả bóng ông đánh ra mà bay đi đâu mất, quả bóng trong túi quần của ông lại “nhẹ nhàng” chui qua lỗ thủng, rơi vào ống quần lăn xuống mặt sân. Động tác “tinh tế” đến mức các bạn chơi còn không biết quả bóng đó đã xuất hiện trên mặt sân từ lúc nào. Cuộc chơi tiếp diễn, ai cũng thán phục vì sự “may mắn” của ông. 
Ở miền trung cũng có một vị khét tiếng về “ngón nghề” này. Người chơi cùng biết rõ mười mươi có “tiểu xảo” nhưng chẳng thể bao giờ bắt được trực tiếp. Dần dần mọi người đâm ngại chơi cùng vị đó. Mấy cậu doanh nghiệp hay chơi cùng nhiều lúc nhấm nháy, giả vờ đến muộn hoặc trốn đâu đó trên sân để khỏi phải chơi cùng nhóm với ông. Đây chỉ là phần nhỏ trong rất nhiều giai thoại chung quanh golf. Những câu chuyện truyền miệng ấy, về cơ bản đã kiểm chứng cho thấy nó là những câu chuyện có thật 100%.  
Golf tôn vinh những yếu tố: Trung thực (tự giác), kỷ luật (trong kỹ chiến thuật lẫn việc tuân thủ quy định của trò chơi), tập trung cao độ và cả yếu tố may mắn.
Hai yếu tố đầu tiên, như đã kể, có lẽ dân golf Việt Nam đều “yếu”. Tr., một dân chơi golf lâu năm cảm thán: “Nghĩ đến mấy ông chơi ăn gian mà thấy nản. Chơi kém thì luyện dần cho giỏi. Đánh vài lần ai chẳng biết trình độ của nhau ở mức nào”. Đâu thể ăn gian mãi. Nhưng Tr. than thở: “Mà cái trò đời nhiều khi biết là ăn gian mà không bắt được quả tang mới cú”. Ăn gian trong golf thể hiện dưới nhiều hình thức. Có thể là tự đếm sai số gậy của mình, hoặc di chuyển bóng ra vị trí có lợi cho lượt phát bóng kế tiếp… hoặc đỉnh cao nhất là khoét lỗ thả bóng qua ống quần như ông sếp kia. “Tiểu xảo” này có lẽ phải được cấp bằng “phát minh” trong toàn hệ thống golf thế giới.     
Golf có hệ thống các điều luật quy định rất rõ ràng các tình huống cụ thể. Những trường hợp ăn gian đều có các quy định phạt gậy (cộng thêm gậy vào kết quả thi đấu) rất nặng. Năm 2019, trong giải đấu Hero World Challenge (một giải đấu lớn trong hệ thống PGA của Mỹ), tay golf Patrick Reed đã bị phạt hai gậy vào kết quả thi đấu vì để đầu gậy chạm vào cát trước bóng (hành vi bị nghiêm cấm trong bẫy cát). “Vết nhơ” biến Patrick Reed từ golf thủ được yêu thích trở thành kẻ bị ghét bỏ trong nhiều năm.
Golf đòi hỏi người chơi phải tập trung trong từng bước đi, từng cú đánh để giữ vững mục tiêu, chiến thuật đặt ra. Những yếu tố ngoại cảnh dù rất nhỏ cũng dễ khiến họ phân tâm. Hình ảnh người chơi bực tực ném gậy, ném bóng… thậm chí bẻ gậy, vứt cả bộ gậy xuống hồ nước không phải quá hiếm gặp. Không đủ sự tập trung, đánh hỏng là “giận cá chém thớt”. Cáu giận lên rồi, cuộc chơi mất vui. Nhẹ thì cãi chửi nhau, nặng thì có người bỏ dở về giữa chừng. Thế nhưng golf cũng chính là cách rèn luyện cho những người chơi thật sự biết đam mê và thưởng thức. Những tay golf lâu năm, handicap thấp thường ít khi thể hiện cảm xúc ra ngoài. Ở họ, sự điềm tĩnh luôn được duy trì suốt cả trận đấu dù căng thẳng đến mấy.
Tất nhiên cuộc sống lẫn thể thao không thể thiếu yếu tố may mắn. Tại giải Chervo Open Championship diễn ra vào tháng 11/2019 trên sân Sky Lake Golf Resort (Chương Mỹ, Hà Nội), golf thủ Nguyễn Hữu Hoàng đã ghi hole in one (đánh một gậy, bóng vào luôn hố). Đây là hố par ba (quy định ba gậy tiêu chuẩn) và cũng là hố đầu tiên của flight ngày hôm đó. Tỷ lệ đạt được hole in one của một người chơi trình độ trung bình chỉ vào khoảng 1/12.000. Có những người cả đời chưa một lần đạt được danh hiệu này. Lại còn đạt được nó ngay trong lần phát bóng đầu tiên thì không khác gì bạn trúng hai giải xổ số đặc biệt trong cùng một ngày. Sau cú đánh “để đời”, Hoàng đã nhẹ nhàng ẵm về phần thưởng có giá trị hơn hai tỷ đồng, bao gồm một xe ô-tô Mercedes GLC200 cùng bộ gậy golf, voucher từ các nhà tài trợ. Hầu như không có môn thể thao nào treo thưởng cho sự may mắn của người chơi nhiều đến vậy. Yếu tố này đôi khi xóa nhòa mọi ranh giới về đẳng cấp trong golf. Nó cũng tạo nên một phần sự hấp dẫn riêng của golf.
Những hỷ, nộ, ái, ố trên sân golf suy cho cùng cũng như một xã hội thu nhỏ. Ở đó người chơi thể hiện tất cả mặt xấu và mặt tốt của mình trong một phiên bản mới. Liệu ở một nơi nào đó “trò chơi” với “trò đời” nhập làm một!
(Còn nữa)
Bài & ảnh: DUY THÀNH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm