Phóng sự - Ký sự

Những người gác rừng hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, một rừng gỗ hương tự nhiên với tuổi đời gần 30 năm cứ sinh sôi và phát triển dưới sự giám sát, bảo vệ kỹ lưỡng của 4 người đàn ông và dân làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Khu rừng này hiện có 1.000 cây gỗ hương, trong đó có nhiều cây to với đường kính 70-80 cm. 
Những người gác rừng
Biết chúng tôi muốn mục sở thị báu vật vô giá của làng Grôn, ông Nguyễn Thành Nhuận-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ-cử kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Ia Kriêng là anh Trịnh Xuân Hữu dẫn đường. Hơn 5 năm được phân công phụ trách địa bàn, anh Hữu tường tận đến chân tơ kẽ tóc về rừng gỗ hương tự nhiên ở làng Grôn. Anh Hữu cũng đã sắp xếp để chúng tôi gặp những người phát hiện và trông coi khu rừng này.
Khu rừng là báu vật vô giá của làng Grôn. Ảnh: Ngọc Sang
Khu rừng là báu vật vô giá của làng Grôn. Ảnh: Ngọc Sang
Trên chuyến xe từ trụ sở UBND vào rừng hương, chúng tôi được ông Rơ Mah Le-Chủ tịch HĐND xã Ia Kriêng-chia sẻ về nguồn gốc khu rừng này. Chuyện trò cùng chúng tôi, đôi mắt ông Le ánh lên niềm tự hào: “Năm 1990, khi đang là Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng, tình cờ tôi phát hiện một bãi đất rộng khoảng 4 ha với vô vàn cây gỗ hương con mới mọc. Thời điểm này trên địa bàn đang diễn ra việc khai hoang trồng cao su. Ý nghĩ phải giữ bằng được rừng gỗ quý này cứ thôi thúc trong đầu nên tôi trực tiếp gặp dân làng Grôn thuyết phục. Ban đầu, người làng không đoái hoài đến nguyện vọng của tôi. Cũng có người bảo tôi là kẻ dở hơi. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, bà con trong làng đã nghe ra, từ đó phân công nhau bảo vệ rừng gỗ hương. Giờ mỗi lần qua đây, tôi thấy phấn khởi lắm. Người dân làng Grôn cũng rất tự hào khi tặng 20 cây gỗ hương để di thực về trồng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku”. 
Đang dở câu chuyện với Chủ tịch HĐND xã Ia Kriêng thì chúng tôi đã đến nơi. Trước mắt chúng tôi là một khu rừng với hàng trăm cây gỗ hương đủ mọi kích cỡ, mọc thẳng tắp. Cây to, cây nhỏ mọc xen với các loại cây rừng khác. Có những cây to với đường kính đến 70-80 cm. Nhiều cây cao vài chục mét, quanh thân dây leo quấn chằng chịt. Lần đầu tận thấy một rừng gỗ hương tự nhiên, nhiều thành viên trong đoàn không ngớt trầm trồ trước vẻ đẹp hiếm có này.
Giữa rừng hương tọa lạc 1 ngôi nhà rộng khoảng 15 m2. Ngôi nhà có 2 phòng, 1 phòng kê tấm phản cũ cùng chăn màn, phòng còn lại có 1 bếp nấu với vài cái nồi và một can nước. Đây là nơi mà 3 người đàn ông là Rơ Mah Uyên, Rơ Mah Kem và Nguyễn Hữu Mạnh thay phiên nhau ở để canh rừng gỗ hương khỏi sự nhòm ngó của những kẻ có ý định xâm hại.
Nhưng phải kể đến người đầu tiên xung phong canh giữ rừng gỗ hương là ông Rơ Mah Uyên. Dù ông đã mất nhưng công lao giữ báu vật của làng còn in trong tâm trí người dân nơi đây. “Thời ấy, nơi đây còn hoang vu lắm, ai cũng rùng mình khi nghĩ đến việc phải ngủ lại canh rừng, nhưng ông Uyên thì không. Đêm nào ông ấy cũng mắc võng giữa rừng, đốt một đống lửa và ngủ lại canh. Những người xấu bụng định chặt trộm cây gỗ hương không dám bén mảng đến vì sợ ông Uyên lắm”-Trưởng thôn Grôn Rơ Lan Lim chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh (67 tuổi) cũng là người rất tâm huyết với khu rừng. Năm 2000, ông Mạnh cùng gia đình chuyển từ Quảng Bình vào làng Grôn sinh sống. Năm 2001, ông tìm gặp ông Le đề đạt nguyện vọng được trông coi rừng gỗ hương này. “Giữ rừng hương cũng vất vả lắm. Có nhóm chuyên làm gỗ đánh cả xe ô tô đời mới tiền tỷ đến dỗ ngọt tôi cho đào lén ít cây hương đấy. Cũng có người xin đào không được, đổi giọng đe dọa, tôi nói từng là bộ đội không sợ cái chết, họ đành chịu. Lại có người lén vào đào trộm, tôi phát hiện tri hô, họ liền bỏ đi”-ông Mạnh bộc bạch. Một người nữa đang cùng ông Mạnh trông coi rừng gỗ hương là già làng Grôn Rơ Mah Kem (63 tuổi). Theo ông Kem, người Jrai bao đời sống dựa vào rừng. Vì vậy, rừng gỗ hương này là báu vật cho con cháu khi mà những cánh rừng ngày một thưa thớt. Ý nghĩ ấy như một sợi dây dù đầu võng gắn chặt ông với những cây gỗ hương gần 10 năm qua. 
Nói đến rừng gỗ hương, không nhắc đến dân làng Grôn là một thiếu sót lớn. Họ âm thầm giám sát và luôn kịp thời có mặt khi nghe tiếng tri hô của người gác rừng. Thỉnh thoảng, trong bữa cơm chiều của người gác rừng còn có bó rau, hạt gạo của dân làng Grôn.
Khắc khoải rừng hương
29 năm-khoảng thời gian đủ dài để một đứa trẻ bình thường ở làng Grôn trở thành một thanh niên cường tráng. Giáng hương cũng vậy. Chừng ấy năm được dân làng Grôn bảo vệ, rễ cây gỗ hương cứ bám chặt vào đất mà vươn mình vào không gian như một lời báo đáp ân tình. Chim muông cũng kéo đàn về làm tổ trên tán cây tạo thêm sự đa dạng cho hệ sinh thái ở rừng này.
Tuần tra, bảo vệ rừng hương. Ảnh: N.T
Tuần tra, bảo vệ rừng hương. Ảnh: N.T
Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ: “Huyện đang thuê đơn vị tư vấn để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có trên địa bàn. Dự kiến rừng gỗ hương làng Grôn là một điểm đến trong tour du lịch theo chuỗi từ TP. Pleiku đi Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, thăm Quốc môn, cột mốc số 30-mua sắm tại siêu thị miễn thuế Lệ Thanh, tham quan Di tích lịch sử chiến thắng Chư Ty, cây đa làng Ghè, rừng gỗ hương làng Grôn rồi về lại Pleiku. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch làm rào chắn, tường bao quanh rừng để tăng cường bảo vệ. Huyện cũng có hướng làm đường nhựa từ trụ sở UBND xã Ia Kriêng đến rừng hương, giúp việc đi lại của du khách thuận tiện hơn”.

Những năm gần đây, UBND huyện Đức Cơ đã trích kinh phí xây dựng ở rừng gỗ hương một ngôi nhà kiên cố; đồng thời hỗ trợ cho ông Mạnh và ông Kem một khoản chi phí. Dù số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đây chính là nguồn động viên nhằm tiếp thêm sức mạnh để họ yên tâm gìn giữ báu vật làng Grôn. Nhưng điều mà 2 người gác rừng trăn trở là tuổi họ ngày càng cao, trong khi rừng gỗ hương ngày càng lớn thì nguy cơ xâm hại càng hiện hữu. “Tính theo giá thị trường thì mỗi mét khối gỗ hương hiện có giá vài chục triệu đồng. Một cây gỗ hương là tài sản lớn. Lỡ mà sơ sểnh, kẻ gian đốn cành to là lĩnh đủ trách nhiệm rồi”-ông Mạnh bộc bạch.
Do đó, mong muốn khẩn thiết của 2 người gác rừng là cơ quan chức năng đầu tư kinh phí xây tường bê tông kiên cố bao quanh rừng gỗ hương; có phương án đền bù đất đai cho 1 hộ dân sống cạnh đó để mở một con đường dân sinh khác thay thế cho con đường hiện nay. Con đường dân sinh chia khu rừng này làm đôi đang tiềm ẩn nguy cơ kẻ gian lợi dụng chặt phá. Còn kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Ia Kriêng Trịnh Xuân Hữu cũng đề xuất chính quyền đào một giếng nước, kéo đường điện, sửa chữa nhà nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc sống của những người gác rừng, đồng thời có phương án thu lượm hạt hương và nhân giống. “Mỗi năm có hàng triệu hạt gỗ hương chín rơi xuống nhưng tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng rất kém. Nếu tổ chức thu lượm hạt của giống cây quý này để nhân giống trồng nơi khác thì chúng ta sẽ có thêm nhiều cánh rừng gỗ hương nữa”-anh Hữu nói.
Riêng ông Le-người có công phát hiện rừng hương thì mong muốn được chính quyền huyện Đức Cơ đồng ý cho canh giữ rừng từ tháng 6-2019, khi bắt đầu nghỉ hưu. Ông Le muốn trọn đời được gắn bó với rừng hương, ngay cả khi tuổi đã cao. 
 Sự tồn tại của một rừng gỗ hương tự nhiên ấy đã mang đến cho chúng tôi thật nhiều xúc cảm. Là sự cảm phục trước nhận thức về giá trị lớn lao của rừng gỗ hương khi mới phát hiện để giữ lại trước làn sóng khai hoang trồng cây công nghiệp. Là sự kính nể đối với những người vượt lên cám dỗ vật chất để cứu lấy khu rừng. Và, thoáng cả nét trầm tư khi nhớ về hình ảnh một cánh rừng già đâu đó đã bị xóa sổ.
 NGUYỄN TÚ-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm