Những người mai táng nạn nhân tử vong do Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là đội ngũ nhân viên nhà xác hay còn gọi là “nhà vĩnh biệt” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đảm trách nhiệm vụ xử lý thi thể và mai táng những người xấu số tử vong vì Covid-19.
Nghề đặc biệt
Gần 25 năm bám trụ với nghề, ông Nguyễn Văn Hóa (SN 1963) được gọi với cái tên “ông Hóa nhà xác”. Từng ấy năm, trải bao dãi dầu của cái nghề đặc biệt, nhưng ông Hóa cũng không ngờ phải đối đầu với căn bệnh Covid-19 chưa từng có tiền lệ. Ở nhà xác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngày thường chỉ có ông và anh Phạm Văn Dư (SN 1980). Tuy nhiên, từ ngày xuất hiện các ca tử vong vì Covid-19, nhóm của ông được bổ sung thêm 2 người là anh Nguyễn Minh Trung (SN 1995) và anh Phạm Tiến Anh (SN 1996). Tổ 4 người này đảm nhận việc xử lý toàn bộ các trường hợp tử vong do Covid-19.
Ông Hóa giãi bày: “Hầu hết nạn nhân tử vong vào buổi tối nên chúng tôi chẳng mấy đêm được ngủ ngon, cứ chập chờn. Theo quy định, thi thể mắc Covid-19 phải được xử lý càng sớm càng tốt, tránh lây lan dịch bệnh nên phải có mặt ngay. Khi nhận thi thể, chúng tôi xử lý kỹ càng với nhiều lớp ni lông quấn chặt, phun khử khuẩn, rửa cồn… Chúng tôi cũng chuẩn bị nhang khói, bình hoa đầy đủ. Gia đình họ cũng đã thiệt thòi rất nhiều vì không được thăm viếng vào khoảnh khắc cuối cùng”.
Những người mai táng cho bệnh nhân tử vong vì Covid-19 được trang bị phòng hộ cá nhân nghiêm ngặt. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Những người mai táng cho bệnh nhân tử vong vì Covid-19 được trang bị phòng hộ cá nhân nghiêm ngặt. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Cũng theo ông Hóa, đến nay, tổ của ông đã mai táng 18 thi thể. Có trường hợp khâm liệm xong thì đưa xuống TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để hỏa táng. Hầu hết đó là những trường hợp đã có bệnh nền khá nặng như: ung thư, xơ gan, béo phì… Với các trường hợp mai táng, quan tài sau đó sẽ được đưa lên xe tang lễ để đưa đến khu vực riêng biệt tại Nghĩa trang TP. Pleiku (xã Trà Đa). Người nhà nạn nhân được thông báo thời gian mai táng nhưng luôn phải giữ khoảng cách, không được tiếp cận quan tài. Việc di chuyển quan tài cũng như chôn cất đều do đội ngũ ở nhà xác Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện.
Anh Dư chia sẻ: “Thường thì 4 người khiêng quan tài cũng đã khá nặng, nhưng có khi chỉ có 3 người. Nhưng anh em luôn cố gắng làm tốt nhất, vì không thể nhờ ai khác được. Sau khi chôn cất, chúng tôi tiếp tục khử khuẩn khu vực đó cũng như vệ sinh cá nhân và rời đi để người nhà đến thắp nhang phúng viếng. Cũng có một số trường hợp không có người nhà vì họ bị nhiễm Covid-19 hoặc bị cách ly, chúng tôi cũng nhang khói đầy đủ và phối hợp với Ban Quản lý Nghĩa trang TP. Pleiku đánh dấu vị trí phần mộ để người nhà sau này đến nhận”.
Dấn thân với nghề
Ở cái tuổi lục tuần, mang trong người không ít bệnh nền nhưng ông Hóa vẫn làm công việc liên quan trực tiếp với Covid-19. “Cái nghề nó thế rồi, nếu mắc Covid thì cũng phải chịu. Trước tiên cố gắng đảm bảo nguyên tắc phòng dịch cho mình và mọi người, còn khi vô tình bị nhiễm thì chịu, trông chờ vào thầy thuốc chứ biết làm sao. Nếu 1 người bị nhiễm thì có lẽ cả 4 người cũng nhiễm theo, vì cùng ăn ở, sinh hoạt và làm việc với nhau”-ông Hóa chia sẻ.
Còn với Nguyễn Minh Trung, công việc mới mẻ này mang lại cho chàng trai 27 tuổi những trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Vốn làm nhiều nghề nhưng không ổn định, khi biết tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyển người để làm công việc này với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, anh đã mạnh dạn đăng ký trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Anh Trung tâm sự: “Tôi có người bạn ở TP. Hồ Chí Minh làm công việc này một cách tình nguyện nên cũng động viên mình tham gia tại Gia Lai. Mức lương có lẽ chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống cá nhân nhưng mình không lấy làm vấn đề vì được góp một phần giúp người quá cố và gia đình họ cũng như công tác phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh. Nhiều người nghe công việc này khá sợ hãi nhưng mình không ngại, vì có các anh, các chú đi trước hướng dẫn, gia đình cũng động viên”.
Những nấm mồ cô quạnh nằm riêng biệt ở Nghĩa trang TP. Pleiku. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Những ngôi mộ của người tử vong do Covid-19 ở Nghĩa trang TP. Pleiku. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Với công việc đặc thù này, mỗi khi mai táng cho 1 trường hợp tử vong, các nhân viên tại nhà xác lại phải cách ly tập trung để đảm bảo an toàn phòng dịch. Thời điểm đầu, họ phải cách ly 14 ngày, nay rút xuống 7 ngày. Khu cách ly tập trung chính là khuôn viên nhà xác để đảm bảo họ vẫn có thể làm việc trong khi đang thực hiện cách ly. Họ thường xuyên xa gia đình và bất đắc dĩ coi nhà xác như ngôi nhà của mình khi phải ngủ nghỉ, sinh hoạt, nấu ăn tại chỗ suốt nhiều tháng trời.
Anh Dư cho biết: “Có khi cả tháng không về nhà vì lúc cách ly đến ngày 13 rồi thì lại có người mất. Có khi vừa về được vài ngày thăm vợ con thì phải trở lại làm việc và cách ly vì có ca tử vong. Lắm lúc nghĩ tủi thân, thương gia đình dù nhà gần mà biền biệt như thế, chỉ gọi video để thấy mặt nhau. Tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài, may là gia đình cảm thông với cái nghề này và đâu thể từ bỏ trong lúc nước sôi lửa bỏng”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm