Phóng sự - Ký sự

Những người tái tạo rác thải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều cuối năm, tôi ngồi café tán gẫu với Lê Thanh Bạch - nhân viên phụ trách văn hóa - sự kiện của Công ty TNHH Emic Hospitality (Hội An). Rồi cũng mở rộng chủ đề như những cuộc café tán gẫu khác, dần dần chúng tôi lái sang câu chuyện xử lý môi trường để phục vụ du lịch.

 

Nhân viên của Chùm Ngây vào đất đã xử lý để trồng cây. Ảnh: T.B.T


Lê Thanh Bạch cho biết, công việc này đã được các doanh nghiệp thực hiện tại Hội An từ nhiều năm về trước. Và tôi theo Bạch đi về Cẩm Thanh, nơi khởi phát các mô hình xử lý rác thải tuần hoàn, và sản xuất thực phẩm sạch tại Hội An.

Đây là cả hệ sinh thái được liên kết, thực hiện bởi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cá nhân có chung trăn trở, suy tư về môi trường sống tại địa phương và cả môi trường du lịch trong thời hiện đại.

1. Thoạt trông, The Field tại Cẩm Thanh chẳng giống một nhà hàng. Nó như một khu vườn thôn quê trông ra bốn phía là những ruộng lúa.

Lê Thanh Bạch nhớ lại: “Từ nhiều năm trước, công ty chúng tôi đã xác định khai thác du lịch theo hướng tái tạo, có trách nhiệm với cộng đồng bằng mô hình giảm thiểu rác thải ngay từ đầu vào, giúp giảm rác thải ra ngoài môi trường.

Từ khâu chế biến, ngoài việc sử dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, hoặc có ngay tại vườn, những đầu bếp được đào tạo bài bản phải xác định được lượng rác thải ra môi trường của từng món ăn.

Họ tìm cách tận dụng tối đa những nguyên liệu tại chỗ để phục vụ khách hàng trong mức có thể. Những cây lá được trồng trong vườn được sử dụng để chế biến ra món ăn, thức uống tại chỗ để phục vụ du khách”.

Hạn chế vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác đến, tuy không nhiều nhưng cũng phần nào giúp giảm khí phát thải ra môi trường là một điểm hay của nhà hàng này. Ngoài ra, những nhà cung cấp nguyên vật liệu cho The Field cũng được khuyến cáo hạn chế đến mức tối đa sử dụng những vật phẩm nhựa, ny lon dùng một lần.

Ở chiều ngược lại, nhà hàng cũng tìm cách hỗ trợ nhà cung cấp những chi phí phát sinh khi thay đổi vật liệu, bằng nhiều hình thức tài chính khác nhau. Một cách chia sẻ công bằng với nhau để cùng hướng đến mục đích chung cải thiện môi trường.

 

Những sản phẩm tẩy rửa được điều chế tự nhiên từ vỏ trái cây, rau quả. Ảnh: T.B.T


2. Tại The Field chỉ hạn chế rác thải và phân loại rác tại nguồn chứ họ chưa có điều kiện để xử lý trực tiếp rác thải. Lần theo con đường xử lý chất thải, chúng tôi tìm đến những cơ sở xử lý rác thải tại Hội An như Reed, Refillables và Chùm Ngây.

Cơ sở Chùm Ngây nằm ở Cẩm Phô. Tại đây, cô gái nhỏ nhắn Phạm Minh Tú hướng dẫn tôi đi khắp khu vườn, xem vòng tuần hoàn tái tạo chất hữu cơ thuận theo tự nhiên, khá thú vị.

Với chất giọng Bắc nhẹ nhàng, cô thuyết minh: “Chất thải hữu cơ được thu gom từ các nhà hàng, quán ăn và cả trong chợ Hội An. Khi tập trung về đây, chúng tôi phải phân loại thêm một lần nữa mới mang ra xử lý.

Vỏ trái cây, củ quả các loại được lên men để chế ra các loại nước tẩy rửa, dùng để lau sàn, giặt đồ, rửa chén bát. Các loại dầu ăn thừa được chế biến thành xà phòng, phục vụ lại cho nhu cầu vệ sinh của các nhà hàng.

Những thực phẩm thừa gom về, sau khi được ủ sẽ dùng để nuôi trùn đất và ấu trùng ruồi lính đen. Hai loại côn trùng này có khả năng tiêu hủy thực phẩm rất nhanh, thải ra phân dùng để trồng cây, bản thân chúng lại trở thành thực phẩm để nuôi gà và các loại thủy sản.

Các loại rác cảnh quan như lá cây, rơm rạ, sẽ được ủ mục để làm phân bón hữu cơ. Những gia vị thừa như gừng, ớt, tiêu cũng được điều chế thành những loại dung dịch có tính chất xua đuổi chứ không tiêu diệt côn trùng các loại”.

Dạo quanh một vòng với Tú, tôi có cảm giác như được trở về những khu vườn quê ngày cũ. Nơi đó, chất thải được tạo thành một vòng tái tạo thuận tự nhiên, tương thích và bổ sung cho nhau, không hề có bóng dáng của các loại hóa chất độc hại.  

3. Câu chuyện càng thêm thú vị khi chúng tôi gặp Nguyễn Văn Nhân - một kỹ sư hóa dầu “bỏ phố về làng” làm nông, chỉ vì muốn nối nghiệp cha ông.

Nhân đang cùng Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality thảo luận cách hướng dẫn cho nông dân Cẩm Thanh gieo sạ để trồng “lúa sạch” theo phương pháp tự nhiên. Theo Nguyễn Văn Nhân, mô hình này hoàn toàn từ chối sự can thiệp của các loại hóa chất - một vấn nạn nhức nhối trong nông nghiệp.

Cơ duyên đưa đẩy Nhân gặp Phan Xuân Thanh trong lúc anh đang loay hoay đi tìm đất để sản xuất lúa sạch. Thanh cũng đang xây dựng một mô hình du lịch có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cộng đồng cư dân địa phương khi phục vụ du khách.

Cá nước gặp nhau, sự kết hợp nhanh chóng hình thành. Bước đầu họ thử nghiệm sản xuất lúa hữu cơ với sự tham gia của các bên: các cơ quan hữu trách lo các thủ tục chính sách, pháp lý, doanh nghiệp hỗ trợ các chi phí đầu vào và cam kết bao tiêu đầu ra với giá cao, nông dân tập trung trồng lúa dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư nông nghiệp.

 

Xử lý rác thải để làm phân bón. Ảnh: T.B.T


Có thực mới vực được đạo. Để tạo thu nhập giúp tồn tại và phát triển, các cơ sở này đang từng bước liên kết thành những điểm đến trong tour du lịch thân thiện với môi trường.

Phạm Minh Tú cho biết cô đang kết nối với những cơ sở giáo dục để đưa học sinh đến tham quan, qua đó có thể truyền đạt những kiến thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.

Mặt khác, cơ sở Chùm Ngây cũng chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để nhân rộng mô hình xử lý rác tại chỗ, tạo nên hệ sinh thái kết nối với các cơ sở khác, nhằm tái tạo và xây dựng môi trường du lịch thân thiện bền vững.

4. Phan Xuân Thanh lại có một góc nhìn sâu rộng hơn về kinh doanh du lịch. Anh xây dựng một mô hình du lịch dựa trên nền tảng liên kết giữa văn hóa bản địa, cộng đồng dân cư, môi trường thân thiện và thực phẩm sạch.

Anh chia sẻ: “Những xu hướng, khái niệm của khách du lịch hạng sang ngày nay đã khác xa với những motif cũ. Họ có những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về môi trường sống và trải nghiệm văn hóa bản địa. Tất nhiên, họ chấp nhận trả chi phí cao hơn cho những tiện ích này”.

Phan Xuân Thanh không chấp nhận chuyện để lại cánh đồng khô cằn, không người chăm sóc sau những sự kiện “Bữa tiệc ngàn đô” cho du khách trên đồng lúa Cẩm Thanh. Giờ đây, những ruộng lúa chung quanh nhà hàng The Field được anh thỏa thuận với người dân liên kết làm lúa sạch dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Văn Nhân.

Như bao đời, người dân chỉ việc sản xuất ngay trên cánh đồng của mình. Công ty Emic Hospitality hỗ trợ tài chính, cung cấp tất cả giải pháp sản xuất, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần so với lúa bình thường.

Tuy chưa có nhiều người dân hưởng ứng mô hình này, nhưng Phan Xuân Thanh vẫn hy vọng khi thấy được lợi ích cốt lõi, cộng đồng dân cư tại đây sẽ tham gia nhiều hơn. Có được lúa sạch, thu nhập của người dân sẽ tăng lên, môi trường sẽ trong lành hơn.

Chính những điều này sẽ tạo nên đường dây kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, mang lại lợi ích cho các bên. Dựa vào đây, một mô hình du lịch thân thiện và bền vững sẽ ra đời, giúp du khách nhận chân ra được từng hơi thở tiếp biến của nền văn hóa bản địa.

https://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/nhung-nguoi-tai-tao-rac-thai-122816.html
 

Theo TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ (QNO)

Có thể bạn quan tâm