Những người thợ đường phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ cần một chỗ ngồi gọn gàng bên vỉa hè, gần ngã ba, ngã tư, trước mỗi ngôi nhà hay ngay dưới những tán cây, những người thợ bám phố mưu sinh, lặng lẽ góp thêm những nét riêng cho Phố núi từ lâu vốn đã giàu thanh sắc.

Người giữ độ bền cho giày

Nhiều người dân ở TP. Pleiku biết đến hiệu sửa giày của ông Võ Mừng Anh. Gọi là hiệu cho sang chứ nơi ông ngồi là một góc hiên nhỏ ngay trước cửa nhà may Mừng (số 290B, đường Hùng Vương), cạnh đó là vài ba đôi giày đang chờ được tân trang và xa hơn-phía trước mặt ông, gần với lề đường là một chiếc thùng gỗ cũ kỹ được gắn một tấm biển với nét chữ nguệch ngoạc: “Nhận sửa giày” cùng số điện thoại. Khi tôi tới, ông Mừng đang cặm cụi khâu và dán đế 1 đôi xăng-đan. Thấy tôi cầm theo đôi giày, ông cười hiền hậu: Giày cô hư cái gì?

 

Hàng ngày ông Võ Mừng Anh vẫn cặm cụi ngồi khâu giày cho khách.    Ảnh: Thái Bình
Hàng ngày ông Võ Mừng Anh vẫn cặm cụi ngồi khâu giày cho khách. Ảnh: Thái Bình

Nhìn vẻ khắc khổ, gầy gò tôi có cảm giác ông già hơn rất nhiều so với tuổi 59. Nhưng chỉ cần vài ba phút ngồi nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề, tận mắt ngắm từng mũi khâu đều đặn và cứ xem cái cách ông trả hàng cho khách, tôi biết mình đã chọn đúng người để vừa khâu vừa dán đế cho đôi giày mới mua được mấy ngày của mình. Thì ra, ông là anh trai của chủ tiệm may Mừng nổi tiếng. Những năm 70 của thế kỷ trước, ông cũng theo học nghề may, nhưng đến năm 1978 thì chuyển qua học và làm nghề sửa giày cho tới bây giờ. “Không thể nhớ là tôi đã khâu, dán đế, làm gót cho bao nhiêu đôi giày. Tôi có những khách hàng giờ đã trở thành bạn bè. Tôi ngồi đây chủ yếu là nhận hàng, khâu đế xăng-đan, đánh bóng giày, còn những việc như dán đế giày, thay gót thì thường đem về nhà, làm vào buổi trưa và tối vì những đồ nghề phục vụ cho việc này nhiều, lích kích chẳng thể đem bày hết lên vỉa hè được. Giày của cô, gấp thì trưa tôi làm, khoảng hơn 2 giờ chiều đến lấy; không gấp thì chờ qua đến sáng mai, để khi tối về có thời gian, tôi chà kỹ và đánh bóng thêm cho, đảm bảo là ngày mai những vết xước nơi mũi và thân giày mất hết, việc này là miễn phí, tôi không tính tiền đâu mà ngại”.

Tin theo lời ông, tôi để đến chiều hôm sau mới đến lấy giày. Nhìn đôi giày sáng bóng như mới, đi thử vài bước thấy êm ru, dợn mạnh bước chân cũng không nghe tiếng “cộp cộp” hôm trước và tiền công lại vừa phải, chỉ có 20.000 đồng. Cùng đến lấy giày như tôi hôm ấy, anh Thành-một khách hàng mới của ông cũng tỏ thái độ hài lòng. Sau khi trả đủ tiền công, anh Thành còn “boa” thêm cho ông 20.000 đồng nữa kèm lời nói: “Để rồi cháu về nói vợ đem giày đến hàng chú sửa…”.

Trọng chữ tín

 

Ảnh minh họa
Chữ tín còn được đi kèm với sự nhiệt tình trong công việc. Ảnh K.N.B

Hầu hết những người thợ tôi đã từng gặp, việc mưu sinh kiếm tiền là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải giữ chữ tín, làm sao để khách tới sửa một lần là tin tưởng, có thể đến tiếp trong những lần sau và giới thiệu thêm cho những khách hàng mới. “Không gì vui hơn khi tay nghề của mình được khách công nhận bằng việc giới thiệu cho mình những khách hàng mới-anh Chất, một thợ sửa áo quần trên đường Phan Đình Phùng nói-Ngày trước, tôi ngồi sửa ở trên đường Lê Lai, bây giờ chuyển về đây cho gần nhà, cũng chỉ để lại nơi làm cũ một dòng thông báo nhưng vẫn được khách nhớ mà tìm đến. Tôi nghĩ, chỉ cần mình làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng, làm đúng theo yêu cầu của khách, thậm chí là tư vấn để khách lựa chọn cách sửa áo quần sao cho vừa không bị cũ, lại đẹp và đôi khi còn hợp thời trang nữa là khách sẽ ưng thôi”.

Với những người thợ sửa khóa trên đường Hùng Vương, đoạn gần Bưu điện tỉnh, chữ tín còn được đi kèm với sự nhiệt tình trong công việc cũng như cách thể hiện rõ sự ứng xử khéo léo với bạn hàng và với cả bạn nghề. Ông Hiếu-một trong những thợ sửa khóa nhiều năm tại đây cho biết: Có khi ngồi mãi không có khách, mấy người thợ chúng tôi tụm lại với nhau chuyện trò, đang dở câu chuyện thì có khách tới tìm. Cách giải quyết lúc này là nhường khách cho nhau hoặc để tùy theo sự lựa chọn của khách, dừng ở chỗ ngồi của người nào hay bấm máy gọi điện thoại cho ai. Cũng có khi, tôi nhận đi sửa khóa cho một gia đình cách đây hơn 10 cây số, sửa chỉ mất vài phút, tiền sửa cũng chẳng là bao nhưng vẫn đi… Còn với Trí-một thợ sửa khóa mà tôi đã có lần chứng kiến cậu cặm cụi sửa khóa tại phòng làm việc của cơ quan mình thì: Làm nghề, quan trọng nhất là được khách hàng nhớ tới. Chỉ tính ở trên đường Hùng Vương thôi, thợ sửa khóa đã khoảng 15-20 người rồi, khách thì lúc có lúc không, vậy nếu chỉ cứ ngồi ở đây chờ khách thì không phải là cách lâu dài. Với riêng tôi, cùng với sự cẩn trọng, chu đáo trong công việc, tôi còn thường xuyên tư vấn để khách có một sự lựa chọn hợp lý nhất khi làm chìa hay thay ổ khóa, từ đó khiến khách yên tâm, tin tưởng. Vì vậy, khách hàng của tôi thường là khách đã sửa một lần, liên lạc với nhau qua điện thoại; khách mới cũng thường là do những người đã từng gọi tôi tới làm giới thiệu…

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm