(GLO)- Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa. Những ngày này, trên khắp các buôn làng của Gia Lai, đất trời đang hồi sinh với cỏ cây đua chen sắc xanh. Trên những cung đường rộng mở về từng thôn làng, mùi thơm của cây cỏ đâm chồi xen lẫn mùi nồng nồng của rạ rơm vụ mới, thoảng hoặc lại vương vấn chút ngai ngái vị ẩm của đất vừa bén mưa hồi đêm.
Vừa mới hôm qua thôi, tôi có chuyến công tác tại xã Kon Thụp (huyện Mang Yang). Vui nhất là lúc nhịp xe bon bon trên chiếc cầu mới, bắc ngang qua sông Ayun-xã Lơ Pang. Chiếc cầu cũ là cầu tràn, nằm ngay phía bên dưới, nước chảy qua muốn vờn chạm mép cầu. Dạo trước, mỗi lần mưa về là cầu bị ngập, giao thông coi như bị chia cắt. Vậy nên, giờ được đi trên chiếc cầu mới này, lòng tôi không khỏi chộn rộn niềm vui.
Cầu mới đưa vào sử dụng giúp việc đi lại của người dân trong vùng ngày càng thuận lợi. Ảnh: T.N.Đ |
Mang Yang từ lâu đã ghi dấu trong ký ức tôi, qua những câu chuyện của bố. Khi tôi còn nhỏ, bố hay kể tôi nghe về những con đường xuyên rừng thưa vắng, những tảng đá to nằm ngay vệ đường, những con suối dữ gầm rú khi mùa lũ về với dòng nước đỏ ngầu chảy cuồn cuộn. Những ngôi làng của người Bahnar nằm heo hút trên đỉnh núi, khói quyện với sương mai…
Tốt nghiệp đại học, nhận công tác ở huyện Mang Yang cũng là lúc tôi có cơ hội được khám phá vùng đất này. Tôi xung phong đi công tác Đê Ar ngay tuần thứ hai, cũng là dịp mưa dầm dề cả tháng. Sáng đi bình thường, đến chiều trời kéo mây đen, mấy anh chị trong đoàn vẫn thường giục nhau nhanh tay để còn kịp về trước khi mưa xuống. Nhiều khi, chúng tôi khăn gói đến Lơ Pang thì được báo ngập cầu, trời tối thui, soi đèn pin thấy nước xâm xấp mặt cầu. Cũng có người liều mình băng qua nhưng tôi thì nào dám, chỉ biết nhìn dòng nước dữ sủi bọt đục ngầu rồi đành ngậm ngùi quay vào trường học xin tá túc qua đêm. Hai đoàn công tác khác cũng gặp chúng tôi tại trường học của xã, rồi nửa đêm xì xụp chụm đầu thổi lửa chế mì tôm, kê bàn học thành giường, nằm bên nhau nói chuyện đến gần sáng… Hai mùa mưa công tác ở Mang Yang, tôi có thêm dăm ba lần ngủ lại như thế nữa.
Lúc đi trên cầu, tôi để ý thấy cầu mới chưa có tên. Nhìn cây cầu như một con đường thẳng nối liền hai bên bờ sông, tôi lại lẩm nhẩm đọc lại đôi câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông từ lâu đã trở nên thân thuộc với khá nhiều người: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Thì chẳng phải, lúc trước ở đây là rẫy cà phê của bà con, bên kia là bờ vực sâu thăm thẳm đó sao. Bây giờ, có cầu rồi, tôi tin rằng những chuyện như người dân lỡ đêm hôm đau ốm mà không được kịp thời chở đến bệnh viện, trẻ em lỡ buổi học vì gió mưa gây cách trở, chuyện hàng hóa nông sản của bà con bị tư thương ép giá… sẽ chỉ còn trong lời kể của các bậc cha anh, mỗi lần muốn hoài ôn chuyện cũ. Và, niềm tin ấy lại được nhân lên khi trước mắt tôi dần hiện ra mảng xanh đầy sức sống của những vườn trồng chanh dây nối nhau trải dài đến chân núi. Mùa mưa, những tảng đồi trọc được phủ thêm vẻ tươi non màu cỏ. Rồi trang trại bò, nông trường của những doanh nghiệp lớn. Sẽ có ý nghĩa hơn khi sự phát triển của doanh nghiệp gắn với sự phát triển của địa phương, sự giàu có sung túc của bà con Bahnar vùng này.
Tạ Ngọc Điệp