Những nỗi đau từ tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tai nạn giao thông đang là một thảm họa, là một vấn đề bức xúc của toàn thế giới. Hậu quả tai nạn giao thông để lại nặng nề và kéo dài khiến cho nhiều gia đình rơi vào bế tắc, không lối thoát. Chia sẻ những mất mát, đau thương với những nạn nhân, gia đình nạn nhân là để xoa dịu nỗi đau, giáo dục xã hội cùng chung tay hành động vì một môi trường giao thông an toàn hơn.

Nỗi đau tai nạn giao thông

Những đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi, những người vợ mất đi trụ cột gia đình, người tóc bạc khóc tiễn người đầu xanh… là những bi kịch đau thương mà chúng tôi chứng kiến được trong những ngày cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh đến thăm những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.  

 

Thăm và tặng gia đình bà Nguyễn Thị Sê, tổ 1, phường Bình An, thị xã An Khê. Ảnh: Hồng Thương
Thăm và tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Sê, tổ 1, phường Bình An, thị xã An Khê. Ảnh: Hồng Thương

Trong căn nhà thu mình giữa một con hẻm thuộc tổ 1, phường An Bình, thị xã An Khê, bà Nguyễn Thị Sê đang tất bật với bữa cơm trưa cho 4 bà cháu. Dù tuổi đã ngoài 70, nhưng ngày ngày bà vẫn bận rộn với chuyện giặt giũ áo quần và cơm nước cho lũ trẻ. Bởi ngoài bà ra còn ai đỡ đần 4 cháu nội của bà khi 1 năm trước bố chúng mất vì tai nạn giao thông còn mẹ chúng bỏ nhà đi đã mấy năm nay. Giọng lạc đi bà kể cho chúng tôi nghe về cái chết thương tâm của đứa con trai, bà Sê nghẹn ngào: “Hôm đó, nó dặn mấy bà cháu rồi lên xe tải về TP Pleiku chở hàng. Khi dừng xe đổ xăng, nó ra bên vệ đường hút thuốc, lúc quay trở lại đã bị xe máy tông vào người…”.

Trong tột cùng của nỗi đau mất con, bà Sê chỉ biết ôm mấy đứa cháu nhỏ rồi khóc vật vã. Một nỗi đau quá lớn mà cho đến bây giờ vẫn không thể nguôi ngoai trên gương mặt khắc khổ của bà. Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều nhưng gánh nặng cơm áo vẫn đè nặng lên đôi vai gầy guộc của bà. Từ miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành của 4 đứa cháu đều một tay bà lo liệu. Ngoài số tiền 5 triệu đồng do các tổ chức xã hội giúp đỡ cùng số tiền 720.000 đồng/tháng được hỗ trợ theo chế độ hộ nghèo, ngày ngày bà còn dậy sớm đi giữ trẻ thuê kiếm mỗi tháng 1.500.000 đồng để trang trải chi tiêu. Dù vất vả là vậy nhưng lúc này mấy bà cháu vẫn còn có thể đỡ đần rau cháo cho nhau, còn sau này sẽ thế nào khi những ngày gần đây, cơn đau vôi hóa cột sống lắm lúc hành hạ khiến bà không thể làm bất cứ việc gì…
 

Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Siu’Ngát, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông đã tử vong tại xã Ia Ke, huyện Phú Thiện. Ảnh: Hồng Thương
Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Siu H'Ngát, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông tại xã Ia Ke, huyện Phú Thiện. Ảnh: Hồng Thương

Cùng cảnh ngộ với bà Sê là gia đình chị Siu H’Ngát ở xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Vào một ngày cuối tháng 11- 2010, trên đường đi mua bao đựng lúa về để chuẩn bị cho vụ mùa đang tới, chồng chị không may bị mô tô tông phải. Cú tông mạnh đã cướp đi sinh mạng của chồng, để lại cho chị 5 đứa con thơ cùng khoản nợ 100 triệu đồng vay để thuê đất trồng mì mấy năm trước. Chồng mất, chị vừa phải làm mẹ, vừa làm cha để lo cho 5 đứa con ăn học. Nhưng rồi những đồng tiền mà chị kiếm được từ những ngày nắng mưa tất bật làm thuê vẫn không đủ để chị trang trải chi tiêu. Từ đứa con thứ nhất, thứ 2 rồi đứa thứ 3, thứ 4 của chị phải nghỉ học đi chăn bò thuê để đỡ đần chị trang trải nợ nần. Trong căn nhà gỗ lụp xụp, trống hoắc, thứ tài sản quý giá nhất chị có được là một chiếc giường, vài ba bao lúa và chiếc xe máy đã bị hỏng, nằm im trong một góc nhà kể từ ngày chồng chị bị tai nạn giao thông.
 

Với những gia đình mất đi người thân vì tai nạn giao thông là vậy, còn với những gia đình người thân họ còn sống thì không kém phần u ám, lay lắt. Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thịnh ở tổ 5, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa vào một buổi chiều, chúng tôi không khỏi cầm lòng trước cảnh hai mẹ con bà thẫn thờ ngồi trong góc nhà, không ai nói với ai một câu nào. Thỉnh thoảng đứa con trai thứ hai của bà đứng dậy dò dẫm từng bước đi từ trong nhà ra bậc thềm ngồi hóng mát, chốc chốc lại quờ quạng tay tìm chiếc khăn lau mặt.

Đây là những việc làm mà trước đây, khi chưa bị tai nạn giao thông, bà Thịnh đều làm cho đứa con trai bị mù bẩm sinh đã 23 năm nay. Còn bà, kể từ khi bị tai nạn giao thông, bà không thể đi lại, trí nhớ giảm và miệng cũng lắp bắp câu được câu mất. Theo lời kể của hàng xóm, bà Thịnh bị tai nạn vào một buổi trưa tháng 5- 2011. Sau khi đi làm về trên chiếc xe đạp lọc cọc của mình, bà bị một chiếc xe máy đâm trực diện vào người. Tai nạn đã khiến bà bị chấn thương sọ não và liệt mất nửa người. Vay mượn hàng xóm được 42 triệu đồng, anh con trai đầu đưa bà đến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chữa trị nhưng do bị thương quá nặng không thể chữa khỏi…

Chia sẽ để xây dựng văn hóa giao thông

Thảm họa do tai nạn giao thông gây ra có thể so sánh với thảm họa của chiến tranh, dịch bệnh bởi những nỗi đau, mất mát do tai nạn giao thông gây ra cho con người, cho toàn xã hội cũng lớn lao không gì bù đắp nổi. Tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay có đến 184 người chết và 125 người bị thương vì tai nạn giao thông. Con số đó chứng tỏ sẽ có ít nhất chừng đó gia đình trên địa bàn tỉnh đang sống trong chuỗi những ngày dài bất hạnh, đau thương.

Do vậy, trong chuyến thăm và tặng quà này, ông Nguyễn Trung Tâm- Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh đã gửi đến toàn thể người dân một thông điệp: “Tai nạn giao thông không từ bất cứ ai và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Vì vậy, khi tham gia giao thông, mọi người hãy hết sức thận trọng, nhớ quan sát thật kỹ khi tham gia giao thông để tránh những rủi ro, mất mát do tai nạn giao thông gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm