Phóng sự - Ký sự

Những nốt trầm nơi đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở đại ngàn Tây Nguyên, nhiều nơi vẫn còn những khoảng tối, nó âm ỉ tàn phá các buôn, làm xác xơ các bản. Đó là rượu, đông con, tín dụng đen, thanh niên đua đòi bắt cha mẹ bán đất mua xe máy xịn… Đáng lo hơn là vấn nạn trên đang trở thành điều hiển nhiên ở các bản làng. Đây là bài toán khó thách thức nhà chức trách từ địa phương tới trung ương. Nếu không hành động sớm, hệ lụy sẽ rất khó lường.

Kỳ 1: Những đệ tử lưu linh

Rượu đang là thứ không thể thiếu ở các bản làng trên vùng đất Tây Nguyên. Buồn cũng rượu, vui cũng rượu, hội hè cũng rượu… “Ma men” khiến người ta mơ màng cả ngày lẫn đêm, không chịu lên rẫy, chẳng cần quan tâm gì tới con cái.

Đi tù, nghèo khổ vì… rượu

Tu Mơ Rông, một huyện được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp của núi rừng tỉnh Kon Tum. Cảnh vật sông núi nơi đây đẹp vô cùng, có cả quốc bảo sâm Ngọc Linh. “Viên ngọc” này tách biệt hẳn với các nơi khác vì phải băng qua đèo Văn Rơi mới đến được. Nhờ sâm Ngọc Linh cũng như các loại dược liệu khác mà cuộc sống người dân nơi đây ngày càng khấm khá, họ thi nhau xây nhà, tậu ô tô. Thế nhưng, đâu đó trên mảnh đất này vẫn còn nhiều mảnh đời cơ cực bởi “Ma rượu”.

Rượu là thứ không thể thiếu khi những người đàn ông làng Kúc Côn ngồi với nhau

Rượu là thứ không thể thiếu khi những người đàn ông làng Kúc Côn ngồi với nhau

Căn nhà lụp xụp được người ta quây giúp bằng bạt, nẹp lại bằng những thanh nứa là nơi tránh mưa, che nắng cho 9 mẹ con chị Y Phea (thôn Ngọc Leang, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông). Người phụ nữ 42 tuổi này lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Con cái học hành ra sao, đứa nào đang bỏ học chị cũng chẳng quan tâm. Cũng vì vậy mà căn nhà nghèo xơ xác này đã quá đỗi quen thuộc với các cô giáo Trường Tiểu học Đăk Hà khi hàng tuần phải ghé nhắc nhở, vận động các em đi học.

Mọi công việc trong gia đình đều đến tay chị Đinh Bây đang đau ốm

Mọi công việc trong gia đình đều đến tay chị Đinh Bây đang đau ốm

Rẫy mì gần 1ha là nguồn thu nhập chính nhưng cứ đến mùa thu hoạch, được bao nhiêu chị Phea lại đem trả tiền rượu. Chán cảnh này, cậu con trai 3 tuổi A Măng Cưt lúc nào cũng lủi thủi trên rẫy, chẳng muốn về nhà. Hỏi vì sao lại thích rượu vậy, chị Phea nói: “Ở đây buồn, nhớ chồng, không uống rượu thì biết làm gì”.

Dò hỏi mới biết, tất cả những khổ cực trên đều do rượu, nó khiến chồng chị Phea đi tù 15 năm. Đây là cú sốc khiến chị gục ngã. Tựa lưng vào vách nhà, chị Phea còn nhớ như in thời điểm gần 6 năm trước (đêm 28/8/2017), anh A Hồ - chồng chị tìm đến rượu như mọi ngày. Rượu vào lời ra, anh Hồ và người con trai đầu (18 tuổi) cãi cọ. Nóng giận, anh Hồ cầm khẩu súng tự chế bắn thẳng vào con trai mình. Thấy con trai gục xuống, anh Hồ bàng hoàng thức tỉnh thì đã muộn. Tiếng gào khóc cả gia đình vang cả núi rừng. Vết thương quá nặng, cậu con trai đầu của anh Hồ không qua khỏi. Anh A Hồ phải đi tù 15 năm vì tội lỗi của mình.

Mất đi hai lao động chính, chị Y Phea không đủ sức để gồng gánh 9 đứa con nhỏ. Giờ đây, bữa cơm hằng ngày của gia đình nghèo chỉ quanh quẩn là rau dại do các con hái từ rẫy mang về.

Mấy năm trước, ông Đinh Sen, trưởng thôn Kúc Côn, xã An Thành, huyện Đak Pơ, Gia Lai cũng thích rượu lắm. Từ khi bị bệnh hiểm nghèo ông Sen không dám uống nữa. Trưởng thôn thừa nhận: “Dân mình nghèo do uống rượu nhiều. Vừa dẫn đến bệnh tật, vừa tốn thời gian, tiền bạc, rồi đánh nhau. Giá mà không ai uống, thời gian rảnh lên rẫy trồng ít bắp, cấy thêm ít lúa là đủ ăn rồi”. Ông Sen nói, lo nhất vẫn là các thanh niên uống rượu vào buổi tối rồi chạy xe nẹt pô, rất nguy hiểm cho mọi người cũng như bản thân. Mùa mía có việc các thanh niên còn đi làm, chứ rảnh rỗi lại góp mồi, mua rượu tụ tập đến chỗ mát, nhà rông để nhậu nhẹt. Theo ông Sen, hệ quả của say rượu là đánh nhau, tai nạn. Năm trước, có 3 trường hợp uống rượu say rồi mang thai khi còn nhỏ tuổi.

Ông Sen buồn bã cho hay, cũng bởi rượu mà ở thôn này có nhiều trường hợp không chịu đi làm, vật vờ quanh làng. Nói đoạn, ông Sen dẫn chúng tôi qua nhà chị Đinh Bây khi cả hai vợ chồng đang ở nhà. Người phụ nữ khắc khổ vừa qua 40 tuổi nhưng đã bị ung thư gan nên mặt mũi xanh xao, đôi mắt đỏ hoe lúc nào cũng đượm buồn. Bác sỹ cũng đã bắt chị Bây không được uống rượu, bia nữa. “Chồng xin tiền mình uống rượu miết, không chịu đi làm. Chắc giờ đi bác sỹ khám nó còn nhiều bệnh hơn mình vì nó nặng cỡ 40 ký (kg) chứ mấy. Giờ đau mình cũng phải gắng đi làm, gạo hết miết”, chị Bây thở dài.

Những em nhỏ thơ ngây chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cha mẹ nghiện rượu

Những em nhỏ thơ ngây chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cha mẹ nghiện rượu

Thôn Kúc Côn có 147 thì có 30 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. “Ở thôn đám thanh niên mới dậy thì là biết uống rồi. Làm mệt cũng nhậu, giao lưu. Có chuyện buồn cũng nhậu. Không nhậu thì bọn nó không vui”, trưởng thôn ngao ngán.

Không có tiền đóng học cho con

Những cô giáo Trường mầm non Họa Mi đã gắn bó nhiều năm nên thấu hiểu được những chuyện buồn ở thôn Kúc Côn, xã An Thành. Thương trò nghèo, thầy cô giáo nơi đây ngày nào cũng tới thôn dẫn các em tới trường. Họ cứ bền bỉ, kiên trì qua năm tháng. Cô N.T.T than thở, tiền ăn mỗi tháng của từng em chỉ 250 nghìn đồng nhưng rất nhiều phụ huynh không có nộp. Thương các em, cô giáo lại phải đi vận động, xin tiền từ các nhà hảo tâm. Có đợt em Đ.J (4 tuổi) không đi học, cô T hỏi bố mẹ em nói là không có người nào chở đi. Thương em nhỏ, cô T vào tận nhà chở đi đến trường nhưng hôm sau khi cô vào cha mẹ lại bảo nó phải ở nhà lên rẫy. Gặng hỏi ra mới biết là không có tiền, phải ở nhà trông em.

“Nghèo nhưng người cha cứ uống rượu miết. Cái nghèo cũng từ uống rượu mà ra. Ở làng này có hôm họ tập trung uống rượu mấy ngày liên tục dưới nhà rông”, cô T nói rồi lắc đầu.

Theo cô T, khi đi vào vận động cha mẹ cho con em đi học thường chỉ nhận được những câu trả lời thờ ơ, lạnh nhạt. Bởi rất nhiều phụ huynh nói không muốn con đi học, vì họ cho rằng đằng nào cũng làm nông. Nhiều hôm, mới sáng ra có phụ huynh chở con tới trường đã nồng mùi rượu. Hết mẫu giáo, khi vào tiểu học, việc vận động các em đi học khó bội phần, bởi tầm này các em đã thạo nhiều việc đồng áng…

“Phải thừa nhận rằng tư duy của người dân ở đây còn rất hạn chế, thiên về ông trời nhiều quá. Thời gian có ma chay là cả thôn tới khóc ma. Có đợt có ba người chết liên tiếp, cả tháng ấy trong thôn này chẳng ai lên rẫy. Nói nhỏ với anh chứ thôn này nhiều hội hè nên nhậu miết”, cô T than thở.

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ dần thói quen uống rượu, tập trung lo cho công việc và gia đình. Đặc biệt, xã sẽ quan tâm đến những gia đình các em nhỏ mồ côi, tìm nguồn hỗ trợ các em, giúp các em vươn lên trong học tập.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm