Những nữ thủ lĩnh Đoàn đa năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ gắn bó với công tác Đoàn, họ còn là những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, là người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình. Đến với Đoàn bằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết, những nữ thủ lĩnh Đoàn đã “thắp lửa” cho phong trào thanh niên ở địa phương ngày càng lớn mạnh.

Sáng tạo trong tập hợp thanh niên

Hơn 5 năm gắn bó với công tác Đoàn, chị Hường Thị Thu Đào-Bí thư Đoàn xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang) luôn hăng hái, nhiệt tình trong các phong trào Đoàn, luôn được cấp trên và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tin tưởng. Thu Đào tâm sự: “Hoạt động Đoàn ở cơ sở rất vất vả, nhất là công tác tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số”. Thực tế, để tập hợp được ĐVTN tham gia vào các tổ chức Đoàn đòi hỏi phải có thời gian theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì mới có kết quả cao. Với những chương trình, hoạt động do cấp trên phát động, Thu Đào luôn khéo léo tổ chức sao cho phù hợp với thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, chị thường tìm tòi, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của các bạn trẻ. Mỗi đợt Đoàn tổ chức sinh hoạt, chị đều tranh thủ tiếng nói của già làng, trưởng thôn có uy tín để thuyết phục ĐVTN. Tranh thủ sau giờ làm, chị dành thời gian bám cơ sở, về sinh hoạt chung tại các thôn, làng, trò chuyện để khơi gợi phong trào, thay đổi nhận thức, quan điểm sống; tùy từng đối tượng, hoàn cảnh mà chị có những cách tiếp cận, đưa ra lời khuyên khác nhau. Từ đó, các phong trào Đoàn đã góp phần khơi dậy, thúc đẩy tinh thần cống hiến của tuổi trẻ và mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Chị Hường Thị Thu Đào (giữa) là một trong những nữ thủ lĩnh Đoàn đa năng. Ảnh: P.L
Chị Hường Thị Thu Đào (giữa) là một trong những nữ thủ lĩnh Đoàn đa năng. Ảnh: P.L

Là thủ lĩnh Đoàn, mỗi người có một cách nghĩ, cách làm khác nhau trong việc tập hợp thanh niên. Với Trương Thị Ngọc Lan-Bí thư Đoàn xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) thì muốn thanh niên có hứng thú với công tác Đoàn, trước hết phải giúp đời sống thanh niên ổn định. Hơn nữa, phần lớn thanh niên làm thuê theo mùa vụ, lúc rảnh rỗi sẽ đi tìm việc làm ở thành phố; vì thế, muốn thu hút được thanh niên cần phải nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của họ. Xung kích đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, Ngọc Lan cùng với Ban Chấp hành Đoàn xã đã làm tốt công tác quản lý vốn ủy thác, tư vấn, giải ngân 2,85 tỷ đồng cho nhân dân và ĐVTN trên địa bàn xã có vốn để làm kinh tế, tránh lãng phí quỹ đất, quỹ thời gian và tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời, Đoàn xã Ia Blứ còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho ĐVTN tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế phát triển. Bằng sự năng động, nhạy bén của mình, nữ thủ lĩnh ấy đã “đánh thức” được những ước mơ, khát vọng của ĐVTN; kết quả, nhiều người đã đam mê phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Là huyện nằm cách xa trung tâm của tỉnh, việc tuyên truyền các chương trình, hoạt động của Đoàn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhiều năm qua, chi đoàn buôn Jao (xã Ia Rmok) luôn là đơn vị xuất sắc tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện Krông Pa. Kết quả này có sự góp phần không nhỏ của nữ Bí thư chi đoàn Kpă H’Chúa. Tham gia công tác Đoàn từ năm 19 tuổi, mặc dù chưa qua trường lớp, nhưng với sự năng nổ cùng năng khiếu về công tác Đoàn nên Kpă H’Chúa đã đẩy mạnh được phong trào Đoàn ở địa phương, có những hoạt động thu hút được hàng trăm đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tham gia. “Là người dân tộc thiểu số, mình hiểu được những nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên địa phương, vì thế, mình luôn cố gắng tổ chức nhiều sân chơi để thanh niên hòa nhập, giao lưu chia sẻ, có tinh thần tốt mới làm được nhiều việc. Những khó khăn trong công tác Đoàn cũng là cơ hội để mình trưởng thành và hoàn thiện bản thân”-Kpă H’Chúa chia sẻ.

Làm gương cho thanh niên

Luôn tất bật với nhiều chương trình, hoạt động, những thủ lĩnh Đoàn hầu như không có khái niệm ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, bởi vào những dịp này nếu tổ chức các phong trào sẽ thu hút được đông đảo ĐVTN tham gia. Bận rộn là vậy, thế nhưng các nữ thủ lĩnh Đoàn này còn là những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, đáng để nhiều ĐVTN noi theo.

Tham gia công tác Đoàn, được tham quan nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, Hường Thị Thu Đào đã quyết tâm học theo để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có sự giúp đỡ của gia đình, đặc biệt là người bạn đời luôn quan tâm, sẻ chia, Thu Đào đã vay mượn bạn bè và từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 10 triệu đồng để đầu tư trồng nấm. Với quỹ đất bố mẹ cho, chị còn trồng thêm 500 cây cà phê, 3 ha điều, 500 trụ tiêu, tận dụng diện tích đất quanh nhà để trồng thêm chanh dây… Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, hàng năm trừ chi phí, thu nhập từ mô hình trên mang lại cho gia đình chị hơn 200 triệu đồng.

Trương Thị Ngọc Lan, Kpă H’Chúa cũng là những tấm gương về phát triển kinh tế ở địa phương. Với Trương Thị Ngọc Lan, từ những ngày đầu khởi nghiệp ở huyện Chư Pưh, chị đã luôn chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình. Ngoài bận rộn với công tác Đoàn, chị còn mở một quán cà phê nhỏ, trồng thêm 200 trụ tiêu để kiếm thêm thu nhập, mỗi năm thu lợi gần 100 triệu đồng. Còn Kpă H’Chúa thì phát triển kinh tế với hơn 1 ha mì, 2 sào lúa nước. Cũng nhờ những nguồn thu nhập này, đời sống kinh tế ổn định, con cái có điều kiện ăn học đầy đủ, những nữ thủ lĩnh với bản lĩnh vững vàng lại có thời gian hơn với công tác Đoàn.

Một khi đã gắn bó với tổ chức Đoàn thì phải có bản lĩnh vững vàng và say mê công việc để có thể bám trụ lâu dài, đặc biệt là với nữ cán bộ Đoàn. Trương Thị Ngọc Lan, Kpă H’Chúa, Hường Thị Thu Đào là 3 trong nhiều nữ cán bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã và đang làm được điều đó.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm